Chào tuần mới: Nhìn vào mắt trẻ con mà sống
Dạy học không có gì khó cả! Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy thứ ấy... đừng dạy nó thứ không cần...".
Khi nghĩ về nghề dạy học, tôi nghĩ đến đoạn văn trong truyện Sống dễ lắm của Nguyễn Huy Thiệp. Ông giáo Chi, một ông giáo thầm lặng với nghề nghiệp, thầm lặng ôm cái châm ngôn của mình đi giữa cuộc đời bề bộn, nhọc nhằn và gian truân.
Nhưng nhiều người hôm nay chắc hẳn sẽ phản bác ngay mấy lời của ông giáo Chi. Dạy học ngày nay đâu có dễ? Khi những mối quan hệ thầy trò đã thay đổi, mà những gánh nặng vật chất, tinh thần trên vai thầy cô thì đâu có nhẹ dần đi.
Cách đây gần tám chục năm, Nam Cao khắc họa chân dung Thứ - "anh giáo khổ trường tư" như một đại diện cho lớp trí thức sống mòn (hoặc chết mòn) trong cái vòng luẩn quẩn của đời sống nghèo túng về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng tám thập niên đã trôi qua, có ai dám khẳng định những người như anh Thứ không còn?
Chỉ riêng năm nay, cứ cách ít lâu, câu chuyện giáo dục, học đường lại trở thành điểm nóng, được dư luận quan tâm. Cũng dễ hiểu thôi, vì đa số vẫn rất gắn bó với mái trường, nhỏ thì đi học, lớn lên, lập gia đình, có con cái, thì lo cho con cái đi học. Dù trong xã hội nào, nghề giáo luôn được xem là nghề quan trọng với nhiều mỹ từ, danh xưng. Nhưng những mỹ từ đó, đôi khi trở thành mòn sáo, khiến ta quên ý nghĩa thật sự của nó, quên cả mối quan hệ thầy trò gắn kết nhau bằng nhiều tình cảm thiêng liêng hơn chỉ là mối quan hệ giữa người dạy và người học.
"Tôi bước vào năm học mới với một tâm trạng thật lạ lùng, vừa háo hức mong đợi ngày khai trường, vừa phấp phỏng ngại ngùng nghĩ rằng mình sắp phải sống giữa những người xa lạ" - Thầy giáo Lê Khắc Hoan đã mở đầu tác phẩm "Mái trường thân yêu" như thế.
Truyện thiếu nhi này xuất bản lần đầu vào thập niên 1960, trong một thời gian dài trở thành sách gối đầu của nhiều thế hệ học sinh. Chẳng phải bản chất của học đường là như thế thế sao, một không gian bắt đầu bằng những người xa lạ, dần dần trở nên thân quen, biến mái trường từ một địa điểm không phải gia đình thành một nơi thân thiết với bạn bè, với thầy cô.
Ngay cả từ "mái trường" dần dần cũng chỉ còn rút vào văn thơ, ký ức. Có gì trong từ ngữ ấy gợi nhắc ta đến "mái ấm", "mái nhà" ở cái nghĩa của sự chở che, bảo ban, ấm áp và thân thuộc.
***
Xã hội kỳ vọng vào thầy cô, thậm chí đòi hỏi sự "hy sinh", mà quên rằng thầy cô cũng là con người bình thường, nhiều thầy cô mới bước qua "tuổi 20 yêu dấu" được vài năm. Đừng để thầy cô rời bỏ giảng đường, lớp học vì cơm áo gạo tiền.
"Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Giáo dục... nghĩa là tha bổng... Hễ có tội là tha... trẻ con không có tội gì... Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội... Mình phải yêu mạng sống của chúng như yêu mạng sống của mình..."
"Sống dễ lắm", ai đó sẽ nói, "cái ông nhà văn này thì biết cái gì mà ý kiến?" Xin thưa, Nguyễn Huy Thiệp từng nhiều năm làm nghề dạy học, hẳn ông cũng đã đúc kết được điều gì đó.
Giáo dục cũng có tiêu cực. Những tiêu cực làm xói mòn niềm tin vào ngành, vào nghề giáo. Nhưng phải hiểu rằng, bản thân các thầy cô trong quá trình dạy học, cũng là đang tự học, học cách ứng xử, học lẽ đời, học yêu thương, hòa ái với học trò, đồng nghiệp, phụ huynh và nhất là với bản thân mình. Cho nên, ta vẫn thấy và ngày càng thấy vô số những tấm gương sáng ngời về các thầy, các cô - những tấm gương tích cực ấy đã đang bồi đắp lại niềm tin cho xã hội.
Nhân ngày nhà giáo sắp đến, chỉ muốn nhắn mấy lời động viên của "cố nhà giáo" Nguyễn Huy Thiệp: "Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! - ông giáo Chi nói - Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...".