Chào tuần mới: May rủi đầu đời
Không khác gì cảnh “cân não” khi quay số trúng thưởng. Có người hồi hộp mất ngủ từ đêm trước. Có người vỡ òa sung sướng - tới mức phải lập tức điện thoại thổ lộ với người thân. Và tất nhiên, có cả những gương mặt thẫn thờ, đăm chiêu và rầu rĩ khi may mắn không đến với mình.
Đó là những hình ảnh được ghi lại trong hai buổi bốc thăm tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) vào cuối tuần qua - và đang liên tục “hâm nóng” dư luận. Ở đó, các bậc phụ huynh cùng tham gia vào cuộc chạy đua có tính may rủi để chạm tới cái đích “đặc biệt”: Một suất học mầm non trong năm tới.
Như những gì được chia sẻ, trong năm học tới (2022 - 2023), trường mầm non này có 459 chỉ tiêu dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, nhưng nhận được số hồ sơ đăng ký gần gấp đôi. Dù đã tận dụng các phòng chức năng để chuyển đổi thành lớp học và nâng thêm 100 chỉ tiêu, trường vẫn không thể đáp ứng 380 hồ sơ còn lại.
Do vậy, ngoài việc ưu tiên nhận đủ các em ở độ tuổi cuối mầm non (5 tuổi), cơ sở giáo dục này đành chọn phương án bốc thăm cho 2 độ tuổi còn lại (3 và 4) sau khi đã xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Cũng cần nói thêm, đây là trường mầm non duy nhất (gồm 4 cơ sở) của phường Hoàng Liệt. Và như chia sẻ bước đầu của lãnh đạo địa phương, việc quá tải trong năm học này đến từ 2 lý do chính: Sự tăng vọt về dân số của phường, với nhiều khu chung cư liên tục được xây dựng; và một số cơ sở mầm non tư thục phải đóng cửa sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
***
Những gì diễn ra tại trường Hoàng Liệt tất nhiên là một sự kiện không vui - khi mà ở ngay ngưỡng cửa đầu tiên của hệ thống giáo dục, một loạt trẻ em đã phải phụ thuộc vào may rủi - chứ không phải năng lực - để tìm một cơ hội cho mình. Nhưng phía sau nó là một câu chuyện dài hơn: Sự không tương thích giữa nhu cầu về giáo dục mầm non trong và ngoài công lập.
Ai cũng biết, với những gia đình có trẻ ở độ tuổi mầm non, chất lượng giáo dục, sự phù hợp về vị trí và mức học phí là 3 yếu tố quyết định để lựa chọn của phụ huynh. Và trong rất nhiều trường hợp, 2 yếu tố sau lại được đặt lên cao nhất.
Ở đó, nếu yếu tố vị trí (gần nhà hoặc gần nơi bố mẹ làm việc) có thể ít nhất, mang tính ngẫu nhiên, thì mức học phí rẻ hơn gần như là ưu thế nổi trội tại các trường công lập. Để rồi, tùy theo hoàn cảnh, có những gia đình chọn cho con học trường công đơn thuần bởi những tính toán về tài chính.
Chưa kể, nếu nhiều người mặc định rằng các cơ sở giáo dục mầm non tư thục là nơi trẻ được chăm sóc một cách đầy đủ và chu đáo thì ngược lại, nhiều phụ huynh vẫn yên tâm hơn với bề dày kinh nghiệm của các trường công, khi so sánh với những cơ sở tư thục còn non trẻ.
Có nghĩa, hạ tầng của một nền giáo dục hợp lý và nhân văn phải đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cộng đồng - trong khi những lựa chọn mang tính chất cao hơn về dịch vụ chỉ nên là phần thuộc về tệp khách hàng số ít và có điều kiện. Và điều ấy cũng hoàn toàn phù hợp với triết lý giáo dục của chúng ta, khi luôn xác định trẻ em mầm non và tiểu học là đối tượng cần được ưu tiên.
- Chào tuần mới: Giáo dục 'thích ứng'
- Thư gửi robot Citizen: Chữ 'thật' trong giáo dục
- Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải nguyên nhân điểm chuẩn xét tuyển đại học tăng cao
Và khi một khu vực địa lý bỗng tăng vọt về mật độ dân cư, rõ ràng phần hạ tầng giáo dục công lập cũng phải tăng theo tương ứng, chứ không thể chỉ thay bằng sự xuất hiện thêm của phần giáo dục tư thục.
Nói thẳng, câu chuyện ở đây phải là sự chia sẻ trực tiếp từ phía các nhà đầu tư,với những rừng cao ốc đang liên tục mọc lên tại những khu vực như phường Hoàng Liệt và khiến số trẻ mầm non tăng vọt. Không thể chỉ trông đợi vào ngân sách từ nhà nước, đã tới lúc, hệ thống giáo dục công cũng cần được hỗ trợ bằng nguồn lực từ những nhà đầu tư ấy, với những cơ chế ràng buộc khả thi và hợp lý.
Trí Uẩn