Chào tuần mới: 'Lá chắn' nhỏ
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần, xin được nhắc lại một bữa bia "cỏ"... đắt đỏ nhất Việt Nam. Số là, tuần qua, tại góc đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TP.HCM), lực lượng chức năng đã lập biên bản 3 trong 4 người ngồi uống bia trên vỉa hè cố tình không đeo khẩu trang dù đã được nhắc nhở trước đó. Mỗi trường hợp vi phạm bị phạt 2 triệu đồng…
Sống chung với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh với tâm thế "lo nhưng không sợ", chúng ta cần phải biết phòng vệ cho mình bằng một "lá chắn Covid-19" rất hiệu quả và cũng không khó để trang bị, nếu mỗi người đều nâng cao ý thức. Lá chắn ấy chính là Nghị định 117/2020/NĐ-CP…
… Kể từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP chính thức đi vào cuộc sống. Những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trước đây. Ấy thế mà vẫn còn rất nhiều người dân, cho dù đã được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn cố tình phớt lờ.
- Dịch COVID-19: 'Nhân dân Thủ đô đeo khẩu trang, phòng, chống dịch bệnh'
- Lady Gaga 'cách tân' khẩu trang, Miley Cyrus gợi cảm dự VMA 2020
- Đeo khẩu trang khi tập nhảy, Jimin BTS được trưởng ban truyền thông WHO ca ngợi
Tuần qua, mặc dù đã khống chế được chuỗi lây nhiễm xuất phát từ bệnh nhân 1342, nhưng các chuyên gia đánh giá đây là một bài học đắt giá về việc cách ly, do đó không được chủ quan mà cần phải siết chặt các điểm cách ly tập trung và cách ly tại nhà, tiếp tục truy vết để không bỏ sót những người tiếp xúc gần với ca bệnh.
Tuần nay, thời tiết các tỉnh miền Bắc đã bước sang mùa Đông, khí hậu lạnh nên rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus đường hô hấp, phát triển. Chính vì vậy, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh dịch nói chung, nhất là cần duy trì thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đã có rất nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, vậy mà cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn coi thường, bỏ qua thói quen này. Các trường hợp bị phạt nêu ở trên là những ví dụ.
Nhưng không phải chỉ ở quận 1. Tại nhiều địa phương khác, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Vào ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, cùng với mấy người bạn dừng xe tại một trạm nghỉ trên đường cao tốc, tôi thấy rất đông hành khách, nhiều lứa tuổi khác nhau, hồn nhiên đi lại trong khu vực trạm dừng chân. Họ mua bán, ăn uống, cười nói, đi vệ sinh… và chẳng thấy ai đeo khẩu trang. Ở phía trước quầy hàng nơi chúng tôi ngồi uống nước, có dán một tờ giấy A4, in mấy dòng chữ “đề nghị quý khách đeo khẩu trang khi mua hàng”, gọi là treo cho có, vì cũng chẳng thấy có ai đến kiểm tra, nhắc nhở hay là xử phạt người vi phạm…
Tác dụng của việc đeo khẩu trang khi có dịch bệnh tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao là điều không phải bàn cãi. Việc đeo khẩu trang hàng ngày, những khi đi làm, đi tập thể dục, trong lúc ngồi chờ xe… cũng rất nên duy trì như một thói quen của mỗi người mỗi khi ra khỏi nhà. Kể cả khi không còn dịch bệnh thì vẫn còn đó ô nhiễm bụi mịn, khí thải từ các phương tiện giao thông, rồi tia cực tím… Khẩu trang giờ đây cũng đã được thiết kế phù hợp, vừa đảm bảo thẩm mỹ nhưng vẫn bảo vệ được làn da của các quý bà, quý cô… Vậy tại sao không đeo?
Có lẽ cũng cần phải nhắc lại một thông tin. Dịp tháng 4 năm nay, khi mà thời gian cách ly xã hội trên toàn quốc chỉ còn vài ngày là kết thúc, đề cập đến công tác phòng, chống dịch thời gian sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhắc đến cụm từ “tuyệt đối không được chủ quan”. Ông nói: “Từ đầu đến giờ chúng ta chỉ chiến thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, còn cả cuộc chiến vẫn ở phía trước…”. Cho đến thời điểm này, lời phát biểu ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Duy trì thói quen đeo khẩu trang hàng ngày giống như dựng lên cho chính mình một "lá chắn nhỏ", từ đó sẽ hợp thành "lá chắn quốc gia" phòng chống Covid-19.
Xuân An