Chào tuần mới: Khúc ru Trịnh tháng 4
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, chúng ta sẽ đón “Tháng Tư về” với một ngày mở đầu khá đặc biệt: Ngày “Cá tháng Tư”. Nhưng ngày đó hơn 20 năm qua còn có một ý nghĩa khác…
Có thể, Covid-19 sẽ mãi là một trong những dấu mốc khó quên nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Nó vừa là một cơn “ác mộng” - nhưng cũng là một tiếng chuông thức tỉnh nhiều điều, góp phần thiết lập lại những giá trị sống cùng những thói quen - đặc biệt là quay về tìm lại, nuôi dưỡng bình an ngay chính trong tự thân mỗi chúng ta.
Giữa những ngày Covid-19, tôi thường chọn một góc ban công, một chiếc điện thoại, tai nghe, và một ấm trà - đủ để dành một khoảng thời gian yên lắng cho mình cùng nhạc Trịnh Công Sơn.
Nghe và cảm nhận, để thấy, để gặp mình trong những giai điệu và ca từ ấy qua một tâm trạng nào đó trong rất nhiều tâm trạng, rất nhiều chiêm nghiệm về lẽ đời mà Trịnh Công Sơn đã trải qua với những trăn trở về tình yêu, thân phận của những kiếp người: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”).
Hàng loạt các ca khúc khác của Trịnh như: Hãy yêu nhau đi, Mưa hồng, Cho đời chút ơn, Để gió cuốn đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Ngẫu nhiên, Đóa hoa vô thường… với những thanh âm và ca từ đẹp như một lời ru, giúp người nghe lánh xa những toan tính ồn ào mà bình tâm mở cửa tâm hồn cho sự sống, niềm yêu thương chảy vào.
Nó cũng hệt như khi ta đang đứng ở một ngã tư ồn ào xe cộ của phố phường, giờ tìm về ngồi yên lắng giữa núi rừng, bên dòng suối mát. Khi ấy ta sẽ thấy vẻ đẹp của một bông hoa mà ngày thường vội vã ta đã bước qua, thấy sự an lành từ một ngọn gió, một tiếng chim, một ánh trăng mà không rõ từ bao giờ mình chẳng còn lưu tâm. Thì giờ đây, cả thiên nhiên hiền hòa quanh ta như đang lên tiếng, ru cho lòng người thảnh thơi.
Và đó cũng là lúc ta có thể lắng nghe được tiếng lòng mình một cách rõ nhất, soi lại những vui - buồn - được - mất đã đi qua, bình tâm không phán xét, chỉ mỉm cười bao dung. Bởi một điều giản đơn: Tha thứ thì thư thái. Cần lắm những niềm yêu thương say đắm với mọi người, với cuộc đời - hệt như một lời tự vấn Trịnh đã cất lên trong thư gửi người tình Dao Ánh ngày 23/9/1965: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn”. Và thông điệp ấy cũng đã được Trịnh nhắn gửi trong một câu hát: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng).
- Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn
- Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...
- Vẽ Trịnh Công Sơn bằng tình yêu nhạc Trịnh
Ngày 1/4/2001, Trịnh Công Sơn từ tạ cõi trần, “nằm nghe giữa trời, giòn vang tiếng cười” với “điệu kèn ai buốt trong tôi” cùng lời ước hẹn “một hôm nhớ lại hẹn ngày sau sẽ mua vui” (“Chiếc lá thu phai”) trong sự bàng hoàng và nuối tiếc của hàng triệu trái tim… Để rồi từ ấy, ngày 1/4 hàng năm, với nhiều người trên thế giới là Ngày Cá tháng Tư - ngày nói dối, trêu đùa để mua vui, còn với hàng triệu người yêu nhạc Việt Nam hơn 20 năm qua, đó là một ngày kỷ niệm đầy thương nhớ dành cho Trịnh Công Sơn - một loài chim sơn ca đặc biệt, rút lòng ngân tiếng hót vang ru cõi trần.
Tài hoa, quyến rũ, uyên bác… rất nhiều mỹ từ dành cho Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông, nhưng xem ra vẫn chưa đủ, chưa đi hết được cái “tầm” của nhạc Trịnh… Cá nhân tôi cũng vậy - chỉ là một con người bình thường trong số hàng nghìn người coi âm nhạc là niềm đam mê của mình và dành cho nhạc Trịnh một sự trân trọng, yêu mến trong trái tim - chưa thể cảm nhận hết được những chiêm nghiệm mà Trịnh gửi gắm qua mỗi ca từ, giai điệu đẹp - chỉ thấy trong những lo toan, bất trắc của ngày hôm nay, lòng mình thêm yêu thương hơn, đằm hơn mỗi khi tìm đến với nhạc Trịnh, thấy Trịnh đã mang đến cho cuộc đời này những “đóa hoa vô thường” mà hương thơm của nó đủ sức lan tỏa, nồng nàn cho đến ngàn sau…
Lương Đình Khoa