Chào tuần mới: Chờ nền hành chính 'không giấy tờ'
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa chứng kiến một cột mốc đặc biệt vào tuần qua: Cùng với lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các dịch vụ công thứ 998, 999 và 1.000 cũng được Văn phòng Chính phủ cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cần nhắc lại, Cổng Dịch vụ công quốc gia được Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ năm 2015, được các đơn vị liên quan triển khai và hoàn thành vào cuối 2019. Hệ thống này được trông đợi sẽ hỗ trợ thực hiện các dịch vụ hành chính cho hàng triệu người dân cũng như nhiều tổ chức tại Việt Nam, với những tiện ích đặc thù để tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Đơn cử, dịch vụ công thứ 1.000 vừa được cung cấp gắn với việc kê khai, nộp lệ phí trước bạ (mức độ 4) và cấp đăng ký biển số xe (mức độ 3), thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM. Như những gì được chia sẻ từ các công dân tham gia trải nghiệm đầu tiên, dịch vụ công trực tuyến này chỉ mất 2 phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và 3 phút với đăng ký xe. Trong khi đó, để làm điều này ở giai đoạn trước, họ thường phải mất nửa ngày đi đến cơ quan thuế nộp thuế và nhiều ngày đi lại cơ quan công an để đăng ký xe cho mình.
- Từ 1/7, chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
- Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm 958,4 tỷ đồng
Không phụ thuộc thời gian hay vị trí địa lý, chỉ cần ngồi một chỗ cùng với máy tính (hoặc điện thoại thông minh) có nối mạng internet để thực hiện thủ tục hành chính, đó là thuận lợi dễ nhận thấy nhất ở những người dân được thụ hưởng dịch vụ công trực tuyến. Và ở góc độ ngược lại, đương nhiên việc tiết kiệm thời gian, kinh phí và cả nhân sự từ những thay đổi này cũng là những đột phá mới cho việc hoàn thiện bộ máy quản lý của xã hội.
Điển hình, với những số liệu được thống kê vào giữa năm 2020 vừa qua, cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối 18 bộ, cơ quan, toàn bộ 63 địa phương và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử;... từ đó tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính hơn 6.700 tỷ đồng/năm. Và quan trọng hơn, như nhận xét của nhiều chuyên gia, đó không chỉ là câu chuyện để tiết kiệm thời gian, kinh phí, mà còn là lộ trình tất yếu để một Chính phủ gần dân hơn, theo đúng nghĩa.
Sự phát triển của công nghệ đang tạo ra những thay đổi vô cùng căn bản trên thế giới. Trong đó, tại nhiều quốc gia khái niệm “chính phủ điện tử” đã không còn xa lạ và từng bước dần thay thế cho nền hành chính truyền thống.
Tại Việt Nam, dù mạng internet mới chỉ xuất hiện trong hơn 2 thập kỷ, chúng ta cũng đã có những bước đi quan trọng ở lĩnh vực này. Điển hình, theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2018, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất trong các chỉ số thành phần của Việt Nam - đạt 0,74/1,0.
Thẳng thắn, đó nỗ lực đặc biệt ở một quốc gia vốn có xuất phát điểm không cao về kinh tế hay công nghệ. Và ngược lại, để có thể tiếp tục hội nhập và bắt kịp trào lưu của thế giới, những nỗ lực ấy cần tiếp tục được duy trì và khuyến khích nhiều hơn nữa trong tương lai.
Đó không chỉ là câu chuyện của công nghệ đơn thuần, mà xa hơn, còn là sự thay đổi về ý thức, thói quen và cả tư duy của những người trong cuộc.
Không phải ngẫu nhiên, hơn một năm trước, khi nói về tình trạng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói tới “điểm nghẽn” trong việc nhiều bộ ngành độc quyền thông tin về kho dữ liệu số và chưa sẵn sàng chia sẻ. Hoặc tại nhiều nơi, cán bộ của chúng ta vẫn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ quyền lợi của riêng mình...
Nhưng cho đến nay, với những gì đang diễn ra, đích đến của nền hành chính không giấy tờ - như mong muốn của nhiều người - đã cận kề. Nhưng chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, trên lộ trình hình thành một Chính phủ điện tử hay một nền hành chính số.
Sơn Tùng