Chào tuần mới: 'Cần nhiều can đảm để sống hơn là để tự sát'
(Thethaovanhoa.vn) - Một nữ sinh (13 tuổi, TP.HCM) nhảy lầu tự tử vì giận mẹ kiểm tra điện thoại. Rất may mắn, em đã thoát chết. Tại Hà Tĩnh, một nữ sinh bỏ lại xe máy điện cùng bức thư tuyệt mệnh trên thành cầu rồi mất tích, nghi nhảy cầu tự tử. Hiện chưa có thông tin cuối cùng, nhưng trong bức thư tuyệt mệnh để lại, nữ sinh cho biết, em buồn chán về kết quả học hành và bị mẹ la mắng...
Như vậy, nạn tự tử không còn là câu chuyện của showbiz nước ngoài nữa - mà gần nhất là sự quyên sinh của nữ ca sĩ Hàn Quốc Goo Hara. Đó còn là câu chuyện nhãn tiền của giới trẻ ngày nay được cho là liên quan đến gia đình, mạng xã hội.
Trong ký ức của mình, tôi không thể nào quên câu chuyện của anh bạn đồng ngũ, cũng chỉ vì bức xúc với gia đình mình chuyện đất cát mà bạn tôi đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi tuổi đời mới ngoài 20, còn khá trẻ. Người nhà bạn tôi nói rằng ban đầu cũng nghĩ là cậu ta “chỉ nói dọa” mọi người, ai dè làm thật. Quả là đau xót cho gia đình.
Chuyện của một cậu em sống cùng khu tập thể với tôi hồi còn đi học cũng là bài học. Chỉ vì bức xúc bố hay đánh đòn roi, em đã không dưới 3 lần chọn cách quyên sinh chấm dứt cuộc đời, từ treo cổ cho đến nhảy xuống ao trước nhà. May mắn là lần nào cũng được phát hiện kịp thời và cứu sống. Giờ cậu em này cũng đã lập gia đình, công việc ổn định.
Tôi đọc được thông tin từ thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai năm 2018. Theo đó ở Việt Nam, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông. Người tự tử chủ yếu đều là những người trẻ tuổi, một số ít ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt nữ giới nhiều hơn nam giới.
Các nhà tâm lý học cũng như các chuyên gia giáo dục đưa ra rất nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi trong giai đoạn này có một nguyên nhân cần phải kiểm soát, đó là những “hội chứng mạng xã hội”.
Cụ thể tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ngày 29/11 có tiếp nhận trường hợp một bé trai 8 tuổi - lứa tuổi hay bắt chước người lớn. Em nhập viện trong tình trạng hôn mê, môi tím, tiêu không tự chủ mà nguyên nhân là do em học cách “dùng khăn quàng thắt cổ mà vẫn thở được” trên mạng YouTube. Rất may là người nhà kịp thời đưa đi cấp cứu cho nên sau khi được thở máy, em đã ổn định sức khỏe.
Một trường hợp khác là Sơn Ngọc Minh, một nam ca sĩ trẻ của Cần Thơ được nhiều bạn trẻ yêu mến. Cách đây cũng vài ngày, nam ca sĩ này khiến cư dân mạng cực sốc khi đem chuyện tự sát ra để nhằm trả đũa những cư dân mạng. "Nếu tôi có tự sát, không phải vì tôi không chịu đựng nổi. Mà là tôi muốn cho những bạn trẻ đó biết các bạn đã bức tử một người bằng lời nói như thế nào. Mãi mãi cuộc đời này sẽ không tha thứ cho các bạn vì đã làm cho tôi chết. Tôi kêu gọi 10.000.000 like cho bài post này và tôi sẽ tự sát"!
Nhanh chóng, bài viết “kêu gọi 10 triệu like” của nam ca sĩ này bị cư dân mạng cho là “ngu ngốc”, bởi giờ này anh vẫn đang là người của “công chúng”, bất cứ phát ngôn hay hành động tiêu cực nào cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, nhất là những khán giả nhỏ tuổi. Thông cảm, sẻ chia với những nỗi buồn mà anh đang gặp phải, nhưng chuyện sống chết không phải là chuyện để đem ra thách thức, hăm dọa ai đó.
Một thống kê đã chỉ ra rằng, 17% trang web có khả năng sẽ gây hại đến trẻ như là nội dung người lớn, rượu bia, thuốc lá… Với việc Internet ngày càng bùng nổ trong cuộc sống ngày nay, điều quan trọng là các bậc cha mẹ hiện đại nên tự tìm ra cho mình công cụ phù hợp nhất để bảo vệ con trẻ trước những nguy hiểm trực tuyến.
Rất nhiều dịp nói chuyện với người cao tuổi, tôi hay được nghe câu: sống mới khó chứ chết thì đơn giản quá. Nó giống như câu danh ngôn của Albert Camus: “Nhưng cuối cùng, người ta cần nhiều can đảm để sống hơn là để tự sát”.
Tôi xin mượn câu nói này để kết thúc bài viết chào tuần mới.
Quốc Thắng