Chào tuần mới: Bước đi bé nhỏ đầu tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần mới này, các thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2019 trên toàn quốc đã biết được kết quả thi của mình, đây có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của các em. Có một sự kiện thú vị cũng diễn ra trong tuần này, đó là kỷ niệm 50 năm ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng…
Quả thật, đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 20/7/1969 khi phi hành gia Neil Armstrong đặt chiếc ủng vũ trụ của mình xuống bề mặt cằn cỗi, lạnh lẽo và hoang vắng đến siêu thực của Mặt trăng. Câu nói nổi tiếng của ông “vọng về” trái đất lúc đó vẫn truyền cảm hứng mạnh mẽ trong thời đại 4.0 hôm nay: “Đây là bước đi nhỏ của một con người nhưng là bước tiến lớn của nhân loại”.
Bất cứ một hành trình vạn dặm nào trong cuộc sống này cũng đều bắt đầu từ những bước chân bé nhỏ đầu tiên. Hãy nhìn lại cuộc đời của Neil Armstrong. Khi còn ở thời niên thiếu, ông đã rất hâm mộ nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Jules Verne (tác giả “Hai vạn dặm dưới đáy biển” và “Vòng quanh thế giới 80 ngày”). Ông từng nói với một giáo viên tiểu học của mình rằng một ngày nào đó mình sẽ bay lên Mặt trăng.
Năm 16 tuổi, ông đã được cấp phép bay trước cả khi có bằng lái ô tô.
Rồi bằng sự luyện tập, không ngừng nâng cấp trình độ bản thân, ông được lựa chọn làm chỉ huy phi thuyền Apollo 11 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đổ bộ lên Mặt trăng.
***
Có lẽ, quá trình học tập của nhiều thí sinh trúng tuyển kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng có một nét gì đó tương tự quá trình Neil Armstrong được lựa chọn làm phi hành gia vũ trụ. Để đặt được bước chân đầu tiên vào cổng trường đại học, các em phải vất vả vô cùng trong 12 năm - cần mẫn học hành và kiên trì theo đuổi giấc mơ.
Nhưng cũng có một thực tế là, nhiều thí sinh sau khi biết kết quả trúng tuyển lại ngủ quên trên chiến thắng, giữa những lời tán thưởng, tung hô của mọi người. Khá nhiều thí sinh đã chiến thắng giòn giã trong kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng nhưng lại có sự khởi đầu rất bê trễ khi bước chân vào cánh cổng đại học.
Dư luận từng than phiền về việc sinh viên ta lười biếng, không thích tự học, ham vui và giấu dốt, thậm chí cho rằng, hầu hết sinh viên Việt Nam chưa biết cách tự lập kế hoạch học tập cho bản thân.
Điều này có lẽ các em nên học hỏi sự khiêm tốn của Neil Armstrong. Trở về từ Mặt trăng, mặc dù nhận được sự chào đón và ngợi ca của cả thế giới, được săn đón như người hùng, nhưng chính bản thân ông chưa bao giờ tự mãn với danh tiếng và không muốn trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Ông từ bỏ mọi chức vụ tại NASA vào năm 1971 và nhận công việc giảng dạy tại một trường đại học và rất hiếm khi xuất hiện trước công hcúng. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi năm 2005, khi đó Neil Armstrong đã nói rằng ông không xứng đáng nhận được sự chú ý chỉ vì vài bước chân trước các đồng nghiệp. Đơn giản ông chỉ làm công việc của mình nên có gì mà phải ầm ĩ.
Cũng như vậy, việc thi đỗ đại học của các em học sinh bây giờ chưa phải là điều gì quá vĩ đại. Khi đã bước chân vào cánh cổng trường đại học, dù các em có là thủ khoa hay là được học trong một ngôi trường danh tiếng thì các em cũng chỉ là một trong số hàng ngàn tân sinh viên cùng khóa bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục tri thức.
Vì thế, nếu như không nỗ lực và quyết tâm ngay từ đầu, các em rất dễ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau hàng ngàn người. Việc thi đỗ đại học hay cao đẳng là điểm xuất phát trên hành trình tự học rồi tiến tới tự lập trong cuộc sống. Đó chỉ là những bước đi đầu tiên trong một hành trình dài còn đang chờ phía trước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi: “Neil Armstrong đã dạy cho chúng ta sức mạnh to lớn tiềm tàng trong những bước chân bé nhỏ. Vì vậy, di sản này sẽ tồn tại mãi mãi”.
Quốc Khánh