Chào tuần mới: 'Bảo chứng' cho tri thức
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Sách hay Quốc gia lần thứ hai vừa diễn ra vào cuối tuần qua và trở thành một sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội so với 14 lần tổ chức trước đó (tiền thân của nó là giải thưởng sách Việt Nam, ra đời năm 2005).
Trong sự quan tâm ấy, nhiều người nhắc tới việc các đầu sách đạt giải A năm nay có giá trị tiền thưởng đi kèm lên tới 100 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với năm trước. Sự đột biến ấy, như chia sẻ, đến từ việc các doanh nghiệp xã hội đã “để mắt” và quan tâm tới giải thưởng này.
Nhưng, giá trị giải thưởng chỉ là một trong hàng loạt thay đổi của giải thưởng.
Đó là việc xóa bỏ cách phân chia giải thưởng thành 2 nội dung “sách hay” và “sách đẹp” từng tồn tại nhiều năm - khi mà trong nhu cầu của thị trường hiện tại, một cuốn sách hấp dẫn về nội dung cũng cần phải có “mẫu mã” đẹp và hình thức trình bày khoa học, dễ đọc, dễ tra cứu. Tương tự, 7 hạng mục sách được xét giải (theo nội dung) được rút gọn xuống còn 5 hạng mục để phù hợp với thực tế và điều kiện chấm giải.
Đó là lễ trao giải được tổ chức rất trang trọng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, kèm theo đó là tâm thế hồ hởi và hào hứng của các tác giả, các đại diện nhà xuất bản, công ty sách - thay cho cách tổ chức phần nào mang tính “đến hẹn lại lên” của những năm trước.
Và từ thực tế ấy, khi nhìn vào danh sách giải thưởng, người ta đều thừa nhận: rất nhiều những bộ sách được giải đều là thành quả lao động nghiêm túc, công phu và chứa được một hàm lượng chất xám khổng lồ của người thực hiện.
Chẳng hạn, ở giải A, bộ sách Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển dày 12 tập là công trình nghiên cứu được gần 50 chuyên gia sử học thực hiện trong 3 năm (cố GS Phan Huy Lê chủ biên). Để có được hàng ngàn trang sách về một vùng văn hóa trẻ - vốn chưa có nhiều những nghiên cứu tổng quan - nhóm tác giả đã phải bỏ rất nhiều công sức để sưu tập tư liệu, nghiên cứu thực địa, và đưa ra những khảo luận trên mọi lĩnh vực địa lý, khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, kinh tế học… nhằm bổ khuyết cho những công trình từng có về khu vực này.
Tương tự, đó là trường hợp của các bộ Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, khi những người thực hiện phải mất cả chục năm đi thực tiễn ở mọi vùng địa lý, thu mẫu, nghiên cứu, xác định tên khoa học và biên soạn để có thể cho ra đời một công trình khổng lồ mang tính bao quát như vậy.
Hoặc, cũng không thể bỏ qua những đầu sách ở giải B như Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật của Vũ Hiệp hay Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu (được học giả Maurice Durand thực hiện từ thập niên 1940)…
***
Trong những năm vừa qua, sự phát triển của ngành xuất bản đã dẫn tới một thay đổi khá quan trọng: thay vì thiếu sách, người đọc hiện tại bắt buộc phải có sự lựa chọn giữa một biển xuất bản phẩm mênh mông để tìm kiếm một đầu sách thật sự phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Bởi thế, những giải thưởng sách chính là tấm màng lọc, để độc giả có thêm niềm tin khi lựa chọn.
Nhưng cũng có một thực tế: đặt trong nhu cầu của thị trường xuất bản, những bộ sách về kiến thức hoặc chuyên ngành nói trên đều có một lượng độc giả rất chọn lọc và khó có thể tạo ra sức hút so với những đầu sách thuộc lĩnh vực văn học hoặc mang tính giải trí thông thường. Cho dù, ai cũng hiểu: với bản chất của một phương tiện truyền bá tri thức, sách không thể chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn học.
Bởi vậy, trong khi lĩnh vực văn học có không ít giải thưởng thường niên để tôn vinh các tác phẩm, thì phần sách còn lại hầu như… thua thiệt và chỉ có thể trông đợi vào những giải thưởng như thế này, để làm “bảo chứng” cho phần tri thức cần được chuyển tải tới cộng đồng.
Anh Bảo