Chàng trai nhất quyết không về nối nghiệp kinh doanh gia đình, chấp nhận làm văn phòng lương 8 triệu/tháng vì "người có bằng cấp phải làm việc cao sang, không hoạt động chân tay"
Em tôi năm nay 27 tuổi, ra trường đã được 6 năm nhưng nó vẫn chọn công việc ngồi máy lạnh nơi văn phòng dù lương chỉ có 8 triệu/tháng còn hơn về nhà nối nghiệp kinh doanh vất vả, quần áo toàn mùi gạo chua.
Có một nghịch lý vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống này mà ai cũng nhìn ra, đó là người có bằng cấp, nai lưng ra học suốt 4 năm đại học, ngay cả học thêm vài năm để lên thạc sỹ thì chưa chắc số lương thực nhận đã cao hơn những người hoạt động buôn bán, kinh doanh.
Ở vùng quê chúng tôi, nói là quê nhưng cũng chỉ cách Hà Nội khoảng 30km, tư tưởng phải cho con vào đại học đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người từ bao đời này. Nhất là thế hệ 8x, đầu 9x thì bất cứ ai đỗ đại học cũng đều được tuyên dương, coi trọng.
Song đến nay, mọi người bắt đầu có cái nhìn khác đi khi vấn đề việc làm ngày càng eo hẹp và đồng lương công nhân, viên chức, giới công sở cũng chẳng đáng là bao. Thậm chí, thấp hơn rất nhiều so với những người bỏ ngang việc học để kinh doanh.
Nhà tôi có hai chị em, tôi đã lấy chồng, còn Quân- em trai tôi sinh năm 1996, cũng đã tốt nghiệp được 6 năm. Hiện Quân đang đi làm văn phòng, lương 8 triệu, nếu vượt định mức và được thưởng thì thu nhập được khoảng 10 triệu.
Mỗi tháng, Quân phải chi trả tiền nhà 3 triệu, tiền xăng xe và ăn uống cũng cỡ 4-5 triệu đồng. Nếu thêm tiền đi ăn ngoài, café với bạn bè thì có khi âm tiền. Thương con trai, mẹ tôi thường giấu diếm gửi thêm đồ ăn và tiền cho nó để cuộc sống bớt cơ cực.
Nói về nhà tôi, gia đình cũng thuộc hàng khá giả trong xã. Từ thời ông bà nội đã có nghề làm bún (bún lá và bún rối), đến khi bố tôi tiếp quản thì ông làm thêm bánh cuốn. Thường ngày, sau khi sản xuất xong, nhà tôi sẽ đi giao cho các hàng quán trong và ngoài địa bàn xã. Chỉ khi nào ế lắm, còn dư một chút thì mẹ tôi mới phải đem ra ngoài chợ bán nốt.
Cũng nhờ tay nghề lâu năm, khách quen và sản phẩm chất lượng nên thu nhập của nhà tôi rất khá. Chưa kể, bố mẹ còn tạo ra việc làm cho các chú, dì bên nội ngoại. Chỉ có điều, công việc rất vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Ngày nào cũng như đều như vắt chanh, buổi sáng 3h bố mẹ đã phải dậy làm. Làm xong thì lại chia nhau đi giao hàng. Buổi trưa ăn cơm xong nghỉ một chút thì lại dậy làm tiếp cho kịp đơn thứ 2 trong ngày.
Đến khi em trai tôi đã trưởng thành, bố mẹ có ý muốn giao lại xưởng bún cho nó. Một phần vì bố mẹ đã nhiều tuổi, chẳng làm thêm được mấy năm và không muốn đánh mất đi cái nghề truyền thống. Phần khác vì thấy đồng lương của em tôi quá ít ỏi, không đủ sống, nuôi thân còn chẳng xong thì làm sao có thể cưới vợ sinh con.
Bố muốn Quân phát triển xưởng bún theo tầm cao mới, đầu tư máy móc để giảm sức người. Hơn nữa kết hợp với mạng xã hội như giới trẻ hiện nay vẫn làm để mở rộng "đầu ra".
Nhưng đáp lại sự kỳ vọng của bố mẹ lại là cái lắc đầu quả quyết của em trai tôi. Quân nói, đã mất công đi học đại học thì không thể làm việc tay chân. Nó không thể đang quần là áo lượt lại đổi sang phong cách quần áo xộc xệch dính đầy bột gạo và mùi nước chua lòm. Rồi bạn bè, hàng xóm nhìn vào sẽ nói nó thất bại, phải về ăn bám gia đình. Hơn nữa nó còn trẻ, tương lai còn rộng mở, không lo sau này không được thăng quan tiến chức.
Phải chăng, đây chính là bằng chứng cho nghịch lý, dù học giỏi, bằng cấp đầy đủ, vẫn không thể thoát ra được tình trạng nghèo khó.
Có một câu chuyện về con voi bị cột chân bằng một sợi xích sắt nhỏ. Khi người du khách tới thăm quan, cảm thấy kỳ lạ là với cơ thể to lớn của mình, con voi hoàn toàn có thể giật đứt sợi xích bất kỳ lúc nào. Vậy tại sao nó lại không làm vậy? Người du khách bèn hỏi người quản tượng.
Người quản tượng trả lời rằng: "Do từ nhỏ, con voi đó đã được cột bằng sợi dây thừng vào chân. Sau đó nó đã cố gắng giật đứt sợi dây nhưng không thành. Khi lớn lên, nó theo thói quen cứ nghĩ rằng mình không thể giật đứt sợi dây xích, nên cả đời cứ an phận bị cột như vậy".
Các cá nhân trong cùng một cộng đồng thường có số phận tương tự nhau, ngoại trừ các cá nhân có xuất sắc là vì thói quen có xu hướng truyền lại ổn định trong cộng đồng đó.
Chưa kể, cái tôi cao đã tạo ra sự cố chấp trong nhiều cá nhân. Dễ thấy, rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...trên thế giới chọn cách sống vô gia cư; chấp nhận tiêu tiền của gia đình, để mặc người vợ tự xoay sở nuôi con mà không chịu đi làm thêm vì công việc không xứng với đẳng cấp của mình.
Hay các bạn trẻ, làm lương văn phòng không đủ sống nhưng vẫn cố bám lấy thành thị để được ăn mặc sang chảnh, ngồi máy lạnh, điều hòa; được đi cafe, xem phim...thay vì lao ra đường lao động tay chân, hay tìm cơ hội mới ở một lĩnh vực mới.
Ngược lại, có một số người tuy học ít, bằng cấp thấp nhưng ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đời thường. Có những người cũng bằng thạc sỹ, cử nhân dám bỏ phố về quê khởi nghiệp để rồi thành công mỹ mãn.
Tôi không dám đánh đồng tất cả mọi người đều như nhau vì cuộc sống của mỗi cá nhân sẽ có những khó khăn riêng. Song, suy cho cùng, dù bạn là ai, đang làm gì thì hãy dũng cảm soi gương nhìn lại chính mình để biết con đường mình đang đi có thực sự ổn. Từ đó, xây dựng lại chiến lược. Nếu sai thì ta làm lại, nếu đi nhầm thì chọn một ngã rẽ khác. Dù chưa nắm chắc phần thắng nhưng bạn sẽ tự hào vì mình không để mặc cho dây xích trói chân như chú Voi kia.
'Vua sườn xám' Trung Quốc: Vượt khiếm khuyết, 'trở mình' thành tỷ phú, cả đời chưa một lần than thở, chìa khóa lập kì tích dựa vào 2 chữ