Man City không thắng, mà bóng đá thua
(Thethaovanhoa.vn) - Quả bom nguyên tử đã không nổ, dù nó đã được kích nổ và cả thế giới bóng đá háo hức chờ đợi một điều gì đó lớn lao xảy ra.
Kết quả đã làm không ít người thất vọng. Man City đã thoát án một cách ngoạn mục, bởi sự trớ trêu của cái gọi là “luật”: Họ đã vi phạm luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA, nhưng không bị trừng phạt chỉ vì một phần, nhiều bằng chứng mà UEFA đưa ra để buộc tội họ đã quá thời hiệu điều tra. Chứng kiến một tấm ảnh trên Twitter cho thấy Guardiola và các quan chức Man City ăn mừng việc thoát nạn, một kí giả Italy đã so sánh những nụ cười ấy với niềm vui của cựu Thủ tướng Berlusconi khi ông chẳng hề hấn gì trước hàng loạt cáo buộc khác nhau liên quan đến tham nhũng hay hối lộ, cũng vì quá thời hiệu điều tra. Điều đó có nghĩa là gì? Man City cũng như Berlusconi không hề trong sạch, nhưng họ không bị trừng phạt chính vì lỗ hổng của luật, và những nụ cười sung sướng của họ không có nghĩa là họ đã chiến thắng, mà chỉ là vì công lý không đủ mạnh để buộc họ phải quỳ gối trả giá vì những tội lỗi họ đã làm.
Điều chắc chắn là cái tên Man City vẫn có trong sổ đen của UEFA và họ sẽ bị “soi” kĩ hơn. Những bí mật đen tối liên quan đến giấy tờ sổ sách để lách FFP vẫn còn đó. Nhưng người ta vẫn coi việc không thể trừng phạt được Man City là “tiếng thở hắt” của FFP với sự cay đắng, bởi UEFA và không ít fan trung lập đã mong đợi việc trừng phạt này, nếu xảy ra, là một phán quyết có tính lịch sử làm thay đổi bóng đá, giống như vụ Bosman. Giờ đây, họ sẽ phải chấp nhận ngồi nhìn Man City mua sắm bận rộn như họ muốn vậy, và như một điều hiển nhiên, chứng kiến các đối thủ nhà giàu khác của bóng đá châu Âu tiếp tục shopping mà không cần đếm xỉa gì đến bất cứ điều luật nào của FFP. Liệu UEFA có nên tiếp tục siết chặt FFP, tuyên chiến chống lại các CLB siêu giàu ngày càng trở lên giàu hơn và khiến cái hố ngăn cách giữa họ với đại đa số các CLB tầm dưới khác lớn hơn? Và liệu UEFA có nên gia tăng lo ngại vào nguy cơ đã hiện hữu, về việc các đội bóng ấy sẵn sàng tách ra để lập một siêu giải mà không cần đến họ, cơ quan quản lý bóng đá của toàn cõi châu Âu?
Chiến thắng của Man City, nếu có thể gọi là vậy, thậm chí đến đúng vào một thời điểm nhạy cảm: Vì đại dịch Covid-19, bóng đá châu Âu đang lâm vào khó khăn về tài chính, và UEFA đã phải cân nhắc việc nới lỏng một số quy định về tài chính trong FFP để các CLB “dễ thở” hơn. Các CLB lớn như Man City đương nhiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng họ có thể sẽ chào đón sự nới lỏng ấy và cả sự bất lực của UEFA bằng những chiến dịch chuyển nhượng mới nhằm cải tổ đội hình cho những cuộc chinh phục mới. Chắc chắn, sẽ rất tốn kém, và họ không có lý do gì để e ngại UEFA nữa. Trên Guardian, một nhà bình luận đã viết rằng, sau cú thoát hiểm này, Man City, luôn cho rằng, FFP được tạo ra là để ngăn cản tham vọng của họ, nay đã không thể phát huy tác dụng, sẽ còn trở nên mạnh hơn.
Cho đến khi điều này được chứng thực bằng những vụ chuyển nhượng lớn mới trong mùa Hè này và những mùa Hè tiếp theo, thì ít ra, việc Man City không bị phạt trước mắt cũng có một kết quả tích cực: Nó làm cho cuộc đua Top 4 và tranh giành 2 suất dự Cúp châu Âu của Premier League càng trở nên quyết liệt hơn, khi Premier League chỉ còn 2 tuần nữa là hạ màn. Cuộc đua của 3 đội bóng tranh nhau 2 suất dự Champions League sẽ căng thẳng hơn bao giờ hết, và ở những vị trí đang cạnh tranh suất dự Europa League, sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém.
FFP đương nhiên vẫn là công cụ kiểm soát của UEFA. Nó được cho là có hiệu quả để bảo vệ các CLB nhỏ và trung bình khỏi sụp đổ về tài chính và là một nỗ lực của cơ quan điều hành bóng đá châu Âu nhằm đem lại sự an toàn tài chính cho bóng đá châu lục. Nhưng nó không ngăn cản được các thế lực như Man City, khi đứng sau họ là những ông chủ giàu có và thế lực nhất ở vùng Vịnh…
Anh Ngọc