Cây xanh Hà Nội - 'công' và 'tội'?
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn dông lốc kéo dài chưa tới 1 giờ đã quật đổ 1.000 cây xanh Hà Nội, nhưng thiệt hại không dừng ở đó, khi những cái cây bất hạnh này lại đè chết 2 người trong đó có cô nữ sinh xinh đẹp trên đường đi thi, làm cả chục người bị thương, đè bẹp cả trăm ô tô, xe máy, trong đó có cả chục chiếc xế hộp bạc tỉ.
1. Giao thông tắc nghẽn suốt nhiều giờ trên khắp các tuyến phố có cây đổ. Lực lượng dọn dẹp đã làm việc trắng đêm nhưng đến tận sáng hôm sau, nhiều đoạn phố vẫn chưa được giải phóng.
Những ai đứng dưới gốc cây to trong lúc dông lốc. Những ai đậu xe ô tô ở bãi đỗ ven đường trong chiều tối hôm qua đều lạnh gáy, thót tim.
Tiếc cả cây xanh và xế hộp
Đây cũng không phải lần đầu tiên cây đổ đè bẹp xe cộ trong các trận mưa bão, không những gây thiệt hại về tiền của mà còn dấy lên tranh cãi về trách nhiệm đền bù. Đã thành phản xạ, nhiều người hễ khi có mưa bão là cẩn thận cất xe cộ vào những nơi có mái che an toàn, đồng thời hạn chế... "lang thang dưới mưa" vì chỉ một cành khô rơi xuống cũng có nguy cơ vỡ đầu, chảy máu.
Tôi tin rằng, cơn dông ngày 13/6 đã để lại cho nhiều người những cảm xúc khác nhau về cây xanh Hà Nội. Đành rằng, chúng rất quý giá, thậm chí vô giá, xứng đáng là một ân huệ để lại cho Thủ đô, nhưng không phải là chúng vô hại, chỉ mang tới bóng râm cho chúng ta, mà đôi khi còn mang tới tai họa.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ đổ cây như: nền đất Hà Nội yếu, mạch nước ngầm cao, lại bị bê tông hóa và tác động của các công trình ngầm khiến bộ rễ cây không thể khỏe mạnh. Điều kiện chật chội trong phố khiến cành cây, tán lá không được phát triển cân đối như sống giữa nắng, gió thiên nhiên (thế nên chúng phải liên tục phải bị hạ bớt cành, cắt tỉa tán lá)...
Có một thực tế rất đáng phải suy nghĩ, ấy là cơn dông chiều qua quét qua một vùng rộng lớn (từ Hòa Bình xuống), nhưng tại sao thiệt hại về cây ở Hà Nội lại kinh hoàng nhất?
Cách đây hơn chục năm, khi Hà Nội chưa xảy ra vụ chặt hạ cây xanh khiến dư luận nhức nhối, tôi đã từng nghe những cán bộ chăm sóc cây xanh lâu năm nói về những hạn chế của cây xà cừ. Một cách vô tư nhất, họ nói rằng, xà cừ rễ nông, tán nặng không thực sự phù hợp với nền đất yếu, mạch nước ngầm cao của Hà Nội. Vả lại, nhiều cây xà cừ cổ thụ do Pháp mang sang trồng đã đến tuổi trăm năm, thực sự là mối lo ngại. Và ngay từ hồi đó đã bàn đến chủ trương không tiếp tục trồng thêm xà cử trên các tuyến phố mà chỉ duy trì những cây cũ.
Quản lý cây xanh trên đường phố là một bài toán khoa học về sinh thái, môi trường và cả bài toán về đô thị. Thái quá hay bất cập trong quản lý cây xanh đều rất đáng lo. Sau vụ chặt hạ cây xanh, mọi người đều có... một cái nhìn khác khi thấy nhóm người mang xe cẩu, máy cưa đi chặt cành, tỉa tán dọc các tuyến phố. Những người thợ đốn cành cây một thời được báo chí coi như những "tiều phu dũng cảm" của Hà Thành, thì nay lại bị những cái nhìn đầy ngờ vực..
Các chuyên gia khi được hỏi về hạn chế của cây xanh Hà Nội đều... ngại bày tỏ ý kiến, e rằng dư luận sẽ nghĩ họ không yêu cây xanh.
3. Giờ mới biết, nên việc gì đi việc này. Vụ chặt cây đã có kết luận về đúng, sai và sai chỗ nào. Còn việc cắt, tỉa cành, thậm chí thay thế cây sâu mục là việc khác, cần phải làm thường xuyên, liên tục, khoa học.
Về lâu dài, Hà Nội cần tiếp tục phát triển quỹ cây xanh theo hướng bền vững, tức không chỉ xanh, sạch, đẹp mà còn an toàn: an toàn trong mùa mưa bão, an toàn cho việc đi lại của người dân (nhiều cành cây che khuất đèn tín hiệu giao thông...). Thậm chí an toàn phải là số một.
Một cây xanh đổ xuống gây thiệt hại về người, về tài sản. Đó là điều không may. Đó là nỗi đau. Nhưng đó không phải lỗi của cái cây. Không vì thế mà cây xanh không đáng quý. Cũng như chuyện một con voi, một con hổ từ nơi hoang dã kéo về bản làng làm hại người, gia súc và hoa màu... Lỗi không phải tại chúng. Hãy làm giảm hiểm họa từ chúng bằng cách tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho chúng trong rừng xanh.
Cây xanh Hà Nội cũng vậy, hãy tạo điều kiện cho cây phát được phát triển đầy đủ nhất với sự quản lý, chăm sóc tốt nhất của thành phố.
Đông Kinh