Cầu thủ tham gia showbiz, nên hay không?
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện “thủ môn quốc dân” Bùi Tiến Dũng với những sải chân trên sàn catwalk đã gây bão dư luận trong những ngày qua. Không có gì thỏa đáng hơn là nhờ chính những nhân vật đình đám trong showbiz Việt lý giải sự kiện này.
- Những phút trải lòng của Bùi Tiến Dũng
- MC Nguyên Khang: Hãy ngừng chỉ trích, Bùi Tiến Dũng cũng 'chỉ có một cuộc đời để sống'
- Sau catwalk, điều gì chờ đợi Bùi Tiến Dũng ở FLC Thanh Hóa?
Khách mời của Thể thao & Văn hóa tuần này là gương mặt điện ảnh đang lên – diễn viên, người mẫu Nhan Phúc Vinh (Cánh diều vàng cho hạng mục Diễn viên phụ xuất sắc nhất, phim điện ảnh Đảo của dân ngụ cư) và ngôi sao ca nhạc đình đám “King of Remix” Trịnh Tuấn Vỹ.
Showbiz mê hoặc nhiều người
* Thể thao & Văn hóa: Là những người đứng trong showbiz, các anh có thể chia sẻ “showbiz” là gì mà người ngoài, trong đó có cả giới cầu thủ, ai cũng muốn nhảy vào thế?! Bản thân Nhan Phúc Vinh và Trịnh Tuấn Vỹ cũng đang chơi bóng cho một đội nghệ sỹ và tham gia một bộ phim điện ảnh về bóng đá sắp ra rạp?
- Diễn viên Nhan Phúc Vinh: Showbiz chỉ là thuật ngữ để nói về môi trường hoạt động nghệ thuật và những người liên quan đến công việc đó, là nơi mà có lẽ ánh hào quang của sự nổi tiếng cùng thu nhập mơ ước đã tạo hấp lực cho nhiều người muốn tham gia. Đấy là nhu cầu hết sức bình thường của phần đông chúng ta là muốn thể hiện bản thân, bộc lộ hết khả năng của mình với đám đông để chinh phục họ, bên cạnh đó sẽ là danh vọng và tiền tài. Rõ ràng, những giá trị showbiz mang lại là cực kỳ hấp dẫn và rất ít ai có thể cưỡng lại được sức hút của showbiz khi họ nhận thấy bản thân có những tố chất để “lao” vào chốn đầy thị phi và tai tiếng này. Cho nên, rất nhiều “ngôi sao” nổi tiếng nhưng danh chưa hẳn đi liền với thực.
Bản thân Vinh thì lại có suy nghĩ rất ngược đời, làm trong ngành giải trí nhưng sở thích, quan điểm sống lại không hợp với showbiz. Những lúc rảnh rỗi chỉ thích một mình và chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá. Mỗi cuối tuần nếu không phải đi quay thì chắc chắn sẽ ở nhà xem những trận cầu của các giải bóng đá châu Âu hoặc ra sân chơi bóng cho Runam Star FC – nơi tập hợp của nhiều người liên quan đến showbiz và cực kỳ đam mê trái bóng tròn. Thật may mắn khi Vinh được tham gia bộ phim về bóng đá “11 niềm hy vọng” (sẽ rạp ngày 11/5), vừa thỏa sức thể hiện cả 2 niềm đam mê của mình. Đây là một vai diễn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, hy vọng với vai diễn này Vinh có thể truyền lửa cho những bạn trẻ, giúp họ có thể tự tin và kiên định với đam mê của mình.
- Ca sỹ Trịnh Tuấn Vỹ: Khoảng 10 năm trước, tôi đã lao động rất vất vả để có thể chen chân vào thế giới showbiz, dấn thân vào sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Nhưng thời đại công nghệ và mạng xã hội bùng nổ như bây giờ, thì sự việc “vịt bỗng hóa thiên nga” không còn xa lạ. Ý tôi là không ít ngôi sao showbiz, đặc biệt là ca nhạc đột nhiên tỏa sáng nhờ từ những chiếc computer, hoặc màn hình điện thoại thông minh rất nhiều. Có một điều chắc chắn rằng, nếu không có tài năng, thì sẽ không bền vững, chỉ một thời gian rồi vụt tắt. Nó để lại nhiều hệ lụy và nguy hiểm hơn là bệnh lầm tưởng trong một bộ phận chúng ta.
Tôi đã từng đánh mất mình vì lạc lối trong cái thế giới này và đang rất nhọc nhằn để tìm lại hình ảnh của mình trước đây. Thế nên, trước khi cân nhắc bước vào thế giới xa hoa phù phiếm này, thì mỗi người cần trang bị thật kỹ các kỹ năng và rèn luyện bản lĩnh.
Hiện tại Vỹ đang tham gia đội bóng RuNam Star, cũng như một số dự án phim và ca nhạc, games show, như Sao nối ngôi của Đài Truyền hình Vĩnh Long… Vỹ cũng vừa tham gia một phim điện ảnh cùng với Nhan Phúc Vinh và người mẫu Quý Trần. Đó là một phim về đề tài bóng đá với tựa đề là “11 niềm hy vọng”. Phim này nói về những mặt trái cũng như những khó khăn các cầu thủ phải trải qua để đi đến mục tiêu cao nhất của các giải đấu mà các cầu thủ muốn đạt đến: Niềm tự hào cho tổ quốc và dân tộc Việt nam… Một phim mà các tín đồ quả bóng tròn không nên bỏ qua mùa hè này nhé.
Showbiz không đùa với… ngôi sao bóng đá!
* Thể thao & Văn hóa: Nói về mối quan hệ giữa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng với điện ảnh, quảng cáo, đây có phải là xu hướng mới ở Việt Nam, điều mà thế giới đã đi trước hàng chục năm, thưa các anh?
- Nhan Phúc Vinh: Thực ra thì thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam khoảng những năm 2000 cũng đã có nhiều hoạt động liên quan đến phim ảnh quảng cáo rồi. Vinh còn nhớ rõ hình ảnh của anh Hồng Sơn quảng bá cho một sản phẩm nước giải khát đình đám khi anh ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Nếu có sự khác biệt với thời điểm này thì nằm ở chỗ các tuyển thủ lúc xưa chỉ nhận những công việc có nội dung phù hợp và gắn liền với bóng đá.
Nhưng với sự phát triển của truyền thông và internet ngày nay, việc tận dụng sức ảnh hưởng của hình ảnh cá nhân với xã hội cũng được các nhà quản lý và định hướng chiến lược, tận dụng triệt để. Đó là nguyên nhân chúng ta thấy vì sao các siêu sao trên thế giới họ lấn sân rất mạnh mẽ qua nhiều lĩnh vực, các hợp đồng quảng cáo thì chắc chắn là công việc đầu tiên mà mọi cầu thủ đều mong muốn có được, sau đó có thể là phim ảnh, thời trang, và thậm chí là trở thành doanh nhân khi tự khai trương những dòng sản phẩm mang dấu ấn cá nhân như nước hoa, giày thể thao... Nhưng các siêu sao đó luôn được một ekip giỏi tư vấn mỗi khi “lấn sân”, và luôn ý thức chuyện “ăn cây nào rào cây đó” nên phong độ mỗi khi ra sân thi đấu đều rất ổn định.
Có một thực trạng mà chúng ta đều thấy, khi bóng đá Việt Nam xuất hiện “siêu sao”, thì nhân vật đó sẽ được tung hô hết cỡ, được các công ty tổ chức sự kiện và nhãn hàng săn đón để quảng bá cho sản phẩm của họ, thậm chí là được các đạo diễn mời “lướt” qua màn hình để tăng độ nhận biết cho phim. Cái được thì rất rõ là mức thù lao khủng, thậm chí các cầu thủ được nhận rất nhiều tiền, nhưng không phải cầu thủ nào cũng đủ tỉnh táo để cân nhắc việc nào nên làm, việc nào nên từ chối để còn dành thời gian để tập luyện thi đấu, giữ vững vị trí và phong độ, đáp lại sự kỳ vọng của khán giả.
- Trịnh Tuấn Vỹ: Những gương mặt nổi tiếng, ở nhiều lĩnh vực, được mời làm đại diện nhãn hàng, là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ngoài lợi nhuận mà nó mang đến ra thì chúng ta cần xem xét thật kỹ trước khi quyết định quảng cáo cho dòng sản phẩm ấy, vì nó liên quan đến người sử dụng. Vỹ không phản đối, thậm chí còn khuyến khích, bởi đó là xu hướng thời đại.
Cần dung hòa lợi ích cá nhân và đội bóng
* Khi Thể thao & Văn hóa đặt vấn đề có lời khuyên gì cho Bùi Tiến Dũng cũng như các idol mới nổi của U23 Việt Nam nếu muốn dấn thân vào showbiz, các khách mời đã nói…
- Nhan Phúc Vinh: Việc các tuyển thủ U23 của chúng ta trở thành “idol” và có sức ảnh hưởng lớn với người hâm mộ sau khi tạo ra kỳ tích ở U23 châu Á vừa rồi là hoàn toàn xứng đáng. Những hợp đồng quảng cáo, những dự án điện ảnh và show diễn thời trang, những bữa tiệc tùng của nhãn hàng để quảng bá sản phẩm đều muốn mời-cho-bằng-được những người có sức ảnh hưởng như các cầu thủ U23 tham gia. Đó là cơ hội do chính các em, nhưng hy vọng các cầu thủ luôn giữ được sự tập trung, niềm đam mê với trái bóng, luôn giữ được khát vọng cống hiến cho đội tuyển. Showbiz đôi khi là mê cung không lối thoát, những ai “lỡ dại” rơi vào đôi khi sẽ khó thoát được bởi những cám dỗ vô hình mà môi trường này tạo ra thực sự rất khủng khiếp.
- Trịnh Tuấn Vỹ: Về trường hợp của Dũng thì Vỹ xin nói một câu là: Vui thôi nhưng đừng quá đà! Làm gì cũng phải ưu tiên cho tập luyện và tập trung vào chuyên môn, vì ngành showbiz, Vỹ nhìn thấy nó không dành cho những người bản chất hiền lành. Cái này nói thật và khuyên thật! Hãy giữ sự chân chất mà Dũng đang có và hãy dành hết tình yêu của mình cho quả bóng tròn. Niềm tin của hàng triệu người Việt Nam đã từng dành cho e thời gian vừa qua, không dễ gì có, nên đừng đánh mất vì điều không đáng. Showbiz chỉ là ảo, còn công việc đá bóng của Dũng và các cầu thủ mới là thật, mới là cuộc sống!
Lê Công Vinh: “Phải dung hòa giữa lợi ích cá nhân và đội bóng” “Tôi là một người có tự trọng và quan điểm sống khá rõ ràng. Tôi không muốn xen vào chuyện người khác, ngay cả việc đưa ra lời khuyên, bởi suy cho cùng chúng ta đều có cuộc sống và công việc riêng, phải chịu trách nhiệm với nó. Sự nghiệp thi đấu cũng như sau giải nghệ của tôi, từng là gương mặt đại diện cho rất nhiều nhãn hàng như Audi, Mizuno, WeCare, Pepsi, Revice hay Panasonic, sữa Milo…, nhưng trước đó, tôi phải được sự đồng ý của CLB – đội bóng chủ quản”, Lê Công Vinh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. “Trên thực tế, việc quay các clip quảng cáo không tốn nhiều thời gian, chỉ từ 1 – 2 ngày, tất cả chúng ta đều có thể sắp xếp được. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo nó không ảnh hưởng đến lịch tập luyện và thi đấu của đội bóng. Tức là quyền lợi của CLB phải đặt ở nơi cao nhất, rồi mới tính đến quyền lợi bản thân. Tôi không nhận một hợp đồng quảng cáo, khi nó ảnh hưởng đến cái chung. Việc khai thác cá giá trị hình ảnh, phải bắt đầu từ đối tác – khách hàng, chứ tự mình không mang đến các bản hợp đồng đó. Tôi cho rằng, trước khi nhắm đến một gương mặt đại diện, khách hàng đã tìm hiểu về nghiên cứu rất kỹ, thông qua một quá trình. Họ tìm một gương mặt ăn khách, nhưng cũng phải đủ an toàn. Thế nên, hình ảnh và phong độ trên sân có ý nghĩa quan trọng – quyết định. Nếu bạn mất phong độ, khách hàng sẽ bỏ đi ngay. Công Vinh cho biết đang dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho bóng đá. Ngoài quan tâm đến Đại hội VFF niệm kỳ VIII, sắp tới anh sẽ mở một Trung tâm bóng đá cộng đồng (Social Of Football Academy) dành cho đối tượng là học sinh tại các trường quốc tế tại TP.HCM. Đây không phải là học viện bóng đá chuyên nghiệp, mà thông qua hợp tác với các trường học, Vinh “còm” muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em, sau những giờ học căng thẳng. Về mặt danh tiếng trong và ngoài sân cỏ, không ngoa khi nói Công Vinh là cầu thủ Việt Nam duy nhất đạt đến tầm ngôi sao và giữ được “phong độ”, ngay cả sau giải nghệ. Việc tham gia showbiz của Công Vinh cũng không để lại tai tiếng đáng kể. “Tôi không muốn người ta nhầm lẫn và càng không muốn trở thành hình mẫu của ai cả”, đấy là khẳng định của Công Vinh. |
Tùy Phong (Thực hiện)