Cầu thủ nhập tịch hay sự kỳ thị
(Thethaovanhoa.vn) - Tám năm vẫn một câu hỏi tại sao cầu thủ ngoại sau khi trở thành công dân Việt Nam rồi vẫn không thể khoác áo đội tuyển Việt Nam?
- Tuyển Việt Nam: Đến thời cầu thủ trẻ và ngoại binh nhập tịch
- 'Hạn chế ngoại binh nhập tịch để tạo cơ hội cho cầu thủ nội'
- Đồng Nai sẽ có ngoại binh nhập tịch
Tất nhiên, quay trở lại một vấn đề sau tám năm không phải để chờ câu trả lời là vì theo quy định FIFA nếu những ai đã từng khoác áo đội tuyển của quốc gia khác trước đó.
Thật khó để chối cãi một kết luận là hầu hết các cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam đa phần là những cầu thủ đã thể hiện và được đánh giá cao về mặt chuyên môn khi chơi ở V-League. Vì nếu không giỏi thì họ khó lòng trụ lại được ở Việt Nam từ năm mùa trở lên (để đáp ứng quy định 5 năm sống ở Việt Nam theo luật) hoặc các CLB cũng không phải hao tốn cả tài chính và công sức để đưa một cầu thủ nào đó nhập quốc tịch.
Đúng thế, một số CLB, một số ông bầu và cả một số cầu thủ ngoại nhập tịch khó có thể chối bỏ thực tế là có một vài trường hợp từ bỏ quốc tịch gốc của họ để trở thành công dân Việt Nam là để đổi lấy một số tiền nhất định (thường là vài trăm ngàn USD) sau khi họ đã đáp ứng được một tiêu chí (trong số vài tiêu chí) bắt buộc như đã ở Việt Nam 5 năm trở lên.
Huỳnh Kesley chỉ được khoác áo đá giao hữu cho tuyển Việt Nam một lần năm 2008 - Ảnh: Quốc Khánh (TTXVN)
Các CLB thấy đó là việc có nhiều lợi ích: 1, số tiền vài tỉ bỏ ra ở thời điểm mà một tiền đạo như Quang Hải cũng có giá 9 tỉ đồng thì đổi quốc tịch cho một cầu thủ ngoại là kinh tế hơn nhiều; 2, đổi quốc tịch cho cầu thủ ngoại dễ hơn việc đào tạo nên một ngôi sao, vì nhiều người đi giày rách khi tới Việt Nam tìm việc thì được đề nghị lót tay cả trăm ngàn USD là rất khó từ chối.
Đầu tư làm quốc tịch cho các cầu thủ ngoại là con đường nhanh nhất để tăng cường sức mạnh CLB. Đến một người như bầu Kiên cũng từng mang về hai cầu thủ nhập tịch trong khi họ cũng như các CLB vẫn được đưa ra sân cùng lúc ba cầu thủ ngoại ở thời điểm cách nay 5-7 mùa.
Nhưng thực tế ấy khó có thể che mờ những cầu thủ ngoại nay mang quốc tịch Việt Nam vì những lý do phi kinh tế.
Trên sân Hàng Đẫy, vợ và những đứa trẻ nhà Hoàng Vũ Samson hay ngồi xem bố chúng thi đấu. Những đứa trẻ da nâu vì bố của chúng là người da màu còn mẹ là người Việt Nam.
Có gần chục cầu thủ đến từ các quốc gia khác nhau, với màu da khác nhau đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam, sinh con và mang tên Việt Nam. Danny Van Bakel có vợ là nghệ sĩ tên Ngọc My. Kesley có vợ là một doanh nhân người Việt thành đạt. Dio Prayer có vợ là một phụ nữ Việt rất yêu bóng đá…
Nếu những đứa trẻ của họ viết thư hỏi chúng ta rằng tại sao cha của chúng cũng là người Việt Nam mà không được khoác áo đội tuyển Việt Nam. Ai có thể giải thích và cặn kẽ cho chúng về nghịch lý ấy?
2. Quốc hội Việt Nam sau một thời gian đã thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Có một điều không suy suyển mà được củng cố so với Hiến pháp cũ là về sự bình đẳng và quyền của mọi công dân Việt Nam.
Điều 17 Hiến pháp ghi “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.
Điều 14 Hiến pháp ghi: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Và Điều 16 lại ghi: 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đã là Hiến pháp quy định rõ ràng và chuẩn mực như thế, thiết nghĩ chẳng cần phải bình luận nhiều hơn ngoài việc xem xét các quy định và ứng xử liên quan tới việc ứng xử với các cầu thủ ngoại nay đã là công dân Việt Nam có đúng đắn hay không?
3. Mất hàng thập kỷ rồi cuối cùng thì hầu hết các khách sạn ở Việt Nam đều đưa ra một mức giá đặt phòng chung cho cả khách nước ngoài và nội địa. Trước kia thì cứ là người Việt Nam và thậm chí Việt kiều phải chịu một cái giá cao hơn. Trong khi ấy, nếu làm trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng thì sẽ thấy một bộ phận khách người Việt đôi khi còn đáng bị “chạc” tiền nhiều hơn vì nhiều thói xấu: ở đông người, ở bẩn, và không có “bo”.
Bây giờ, việc phân biệt đối xử đã bị dẹp bỏ ở nhiều ngành, lĩnh vực và đây là sự tiến bộ đáng kể được coi như thành quả sau nhiều năm hội nhập.
Nó cho thấy sự thận trọng của BĐVN, nếu không muốn nói là kỳ quặc mà việc không gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển chưa phải là tất cả.
Cầu thủ nhập tịch không được phép chơi ở giải Hạng Nhất và mỗi CLB chỉ được đăng ký một cầu thủ nhập tịch khi chơi ở V-League. Nếu như việc không gọi lên tuyển là VFF phải thực hiện chỉ đạo từ rất cao đưa xuống thì hạn chế ở các giải VĐQG được quy định hẳn bằng văn bản, trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và điều lệ giải là chuyện của riêng của những người làm bóng đá.
Đầu tiên, năm 2009, một Hội nghị BCH của VFF tổ chức dịp cuối năm đã đưa ra một quyết định là mỗi CLB chỉ được sử dụng trên sân một cầu thủ nhập tịch.
Và tháng 2014, một Hội nghị BCH khác đã siết chặt hơn: Mỗi CLB ở V-League chỉ được đăng ký 1 cầu thủ dạng này, và họ bị cấm cửa hoàn toàn ở giải hạng Nhất.
Đã từng bị phản đối, bị cả các cơ quan chức năng nhà nước tuýt còi vì quy định đi ngược lại Hiến pháp, Luật Quốc tịch, Luật Lao động, nhưng lý lẽ vì sự phát triển của bóng đá bền vững đã thắng thế.
4. Công Vinh không có phong độ tốt. Anh Đức không lên tuyển. Các tiền đạo trẻ chưa kịp trưởng thành. Cách tốt nhất là gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Đó là vấn đề của bài toán thành tích thuần tuý, trong khi những yêu cầu về một sự công bằng, loại bỏ sự kỳ thị với cầu thủ nhập tịch là chính đáng.
Đào tạo trẻ của BĐVN gặp vấn đề có nguyên nhân nhiều doanh nghiệp làm bóng đá vì bị ép buộc nên chỉ cần gặt hái thành tích trong giai đoạn ngắn. Nhưng tồn tại hàng chục năm qua khi nhìn rộng ra còn là thiếu cơ sở vật chất, và bóng đá học đường không phát triển.
Liệu dỡ bỏ quy định hạn chế cầu thủ nhập tịch trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp, đặt lên bàn tất cả những hạn chế trong đào tạo trẻ của cả nền bóng đá có phải là việc cần làm trước khi VFF đi thuyết trình xin mở cửa cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển?
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần