Cầu thủ Malaysia từ chối giảm lương vì Covid-19
(Thethaovanhoa.vn)- Hiệp hội Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Malaysia (PFAM) do Chủ tịch Safee Sali đứng đầu đã tuyên bố không thoả thuận với các CLB để giảm lương cầu thủ theo đề xuất của Liên đoàn bóng đá Malaysia. Trong khi đó ở V-League, có CLB đã rục rịch muốn cắt giảm quỹ lương.
Safee Sali là chân sút hàng đầu của ĐTQG Malaysia những năm 2009 đến 2017 và sau khi giã từ sự nghiệp, triệu phú bóng đá danh tiếng bậc nhất Malaysia đã được bầu giữ chức vụ chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Malaysia (PFAM).
Đây là tổ chức được lập nên để bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ Malaysia và điều này thực sự là có ích cho nhiều cầu thủ. Cơ quan này cũng chứng tỏ bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào cũng cần tổ chức này để đứng ra bảo vệ cầu thủ.
Nhiều năm trước, không ít chuyên gia bóng đá Việt Nam cũng lên tiếng cần có một đơn vị như thế để bảo vệ cầu thủ Việt.
Trả lời đề xuất của Liên đoàn bóng đá Malaysia về việc đề nghị cầu thủ các CLB giảm lương để chia sẻ gánh nặng cho đội bóng trong hoàn cảnh dịch Covid-19 hoành hành, giải đấu không thể diễn ra và CLB thất thu tài chính, ông Safee Sali nói: “Các cầu thủ của chúng tôi có thêm một khoản chi phí phát sinh hàng ngày do đại dịch gây ra.
Một số người còn phải chi tiêu để nuôi sống nhiều người thân trong gia đình không có thu nhập do phải ở nhà. Không phải tất cả các cầu thủ đều kiếm được mức lương lớn và thu nhập rất quan trọng trong thời điểm này”.
Điều đáng nói ở Malaysia hiện tại, giải vô địch quốc gia nước này giúp các cầu thủ có thu nhập hàng đầu Đông Nam Á. Theo thống kê khi còn thi đấu, Chủ tịch đương thời Safee Sali đã nhận hơn 700 triệu đồng/tháng khi khoác áo CLB hàng đầu Malaysia là Johor Darul Takzim.
Safee Sali nằm trong Top ngôi sao thể thao thu nhập hàng đầu ở Malaysia. So với chân sút số 1 ĐTQG Việt Nam Lê Công Vinh hồi năm 2016, Sali nhận mức lương cao hơn chục lần tiền đạo xứ Nghệ.
Hiện tại, Malaysia cũng là nơi cầu thủ sống dư dả với mức lương khi gần như tất thảy chỉ chơi bóng trong nước. Mức lương trung bình của cầu thủ chơi ở giải VĐQG Malaysia cách đây 5 năm đã lên tới gần 60 ngàn USD/người/năm.
Cách đây 2 năm, có CĐV Malaysia cũng đã gây bão dư luận khi đặt câu hỏi: “Dường như có gì đó sai sai và tôi muốn mọi người trả lời hộ suy nghĩ của mình rằng, có phải Chính phủ Malaysia trả tiền cho các cầu thủ mức lương trung bình lên tới hơn 30 ngàn Ringgit/người/tháng (gần 170 triệu VNĐ-PV) hay không?
Tôi nghĩ môn thể thao này được trả tiền bởi các nhà tài trợ hoặc bán vé… Ví dụ, các giải đấu hàng đầu như Ngoại hạng Anh được thanh toán bằng cách phát sóng, bán hàng hóa và bán vé. Tại sao người nộp thuế phải trả lương cho các cầu thủ Malaysia khi họ thậm chí không thể đủ điều kiện để bước tới World Cup?”.
Trở lại với V-League, hiện tại đa số các CLB đều án binh bất động để hưởng ứng chủ trương của Nhà nước. Và nhiều CLB vẫn chưa đưa ra đề xuất giảm lương cầu thủ bởi cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm.
Như Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành phát biểu quỹ lương của CLB đã được tính toán từ đầu mùa nên rất ổn định và khó thay đổi: “Nguồn tài chính thu vào của các đội bóng sẽ bị ảnh hưởng một cách đáng kể nếu tình hình dịch bệnh kéo dài.
Trước mắt, các CLB ở V-League chưa muốn việc giảm lương tạo ra hiệu ứng nhạy cảm. Nếu tình hình còn tiếp diễn lâu hơn thì chi phí trả lương, cũng như các chi phí khác của các CLB phải đội lên thêm một khoản đáng kể”.
Tổng giám đốc CTCP thể thao – bóng đá Bình Dương Lê Hồng Cường cũng tuyên bố vẫn trả lương bình thường thời gian tới để cầu thủ yên tâm tập luyện.
Nhưng có thể với SLNA, đội bóng này sẽ tính toán khác khi Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh phát biểu: “Khi cả xã hội đang cùng nhau chống dịch thì việc giảm lương không khó khăn, cầu thủ sẽ đồng cảm. Riêng với cầu thủ ngoại có tiền chuyển nhượng rồi thì thôi”.
V.H