Câu chuyện tiết hạnh
Sòng phẳng nhìn nhận thì người Việt xưa, với chuyện tiết hạnh, vốn không hà khắc như Trung Quốc, Triều Tiên…, còn vài thế kỷ gần đây cũng cởi mở hơn nhiều quốc gia có tinh thần tôn giáo cực đoan, thủ cựu. Ở đây, chúng tôi xin nhắc lại một vài (trong vô số kể) trường hợp có liên quan đến tiết hạnh trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam để thấy rằng danh tiếng, giá trị của người phụ nữ không hoàn toàn phải chịu ràng buộc vào khái niệm này.
Phụ nữ “tự sinh” nên mình
Bà tổ trong truyền thuyết là Âu Cơ, sau “ly hôn” không chia gia tài với Lạc Long Quân, đã ở vậy nuôi 50 con trai (vì không thấy kể chuyện bà tái giá) có thể xem là một siêu điển hình về tiết hạnh và chu toàn kinh tế gia đình.
Năm 40, để trả thù cho chồng, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị nổi binh đánh Tô Định, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, lập quốc xưng vương (Trưng Nữ Vương/Trưng Vương). Xét trong giai đoạn phong kiến của nhân loại, sự tiết hạnh của Trưng Trắc còn tiền phong mở ra kỷ nguyên mới về nữ quyền và nữ quốc.
Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ 10) có công lớn với Việt Nam, được đặt tên đường tại nhiều tỉnh thành như Ninh Bình, Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, TP.HCM, Thanh Hóa… Bà được ca ngợi về nhiều mặt, trong đó có cả tiết hạnh, dù đã lần lượt trở thành vợ của ba vị vua là Ngô Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; từng trở thành thái hậu nhiếp chính.
Năm 1306, Huyền Trân công chúa (1287 - 1340) được gả cho quốc vương Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Năm 1307, Chế Mân băng hà, Trần Khắc Chung nhận lệnh cứu Huyền Trân. Cuộc hải hành từ Chiêm Thành về Đại Việt kéo gần một năm, Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng Trần Khắc Chung đã tư thông với Huyền Trân. Thế nhưng, các triều đại sau đều phong bà là thần hộ quốc; triều Nguyễn còn tôn xưng bà là Trai tĩnh trung đẳng thần.
Nguyễn Thị Lộ là vợ thứ của Nguyễn Trãi, một nữ quan nhà Hậu Lê, bà nổi tiếng bởi tài sắc và tiết hạnh, cánh tay đắc lực của chồng trong nhiều việc triều chính. Vì bà đẹp và tài năng, nên năm 1442, khi đã ngoài tứ tuần, nhiều người vẫn mê, trong đó có vua Lê Thái Tông, vốn là người ham sắc. Sự thật về thảm án Lệ Chi viên vẫn là bí mật, nhưng đến nay vẫn có hai quan điểm, một đằng nghi ngờ, một đằng bảo vệ tiết hạnh của bà Nguyễn Thị Lộ.
Một trường hợp oan trái khác, cô Vũ Thị Thiết (sau này gọi là thiếu phụ Nam Xương, đời Lê Thánh Tông) phải nhảy sông tử tự vì chồng hiểu lầm tiết hạnh của mình. Dân chúng thì lập miếu thờ ngay sau đó; vua Lê Thánh Tông vi hành ngang miếu đã làm thơ ca ngợi, được khắc vào bia đá năm 1471, còn truyền tụng đến ngày nay.
Ngọc Hân công chúa là vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), khi chồng mất, bà quyết ở vậy thờ chồng nuôi con, rồi mất ở tuổi 29. Bài tế Ai tư vãn đưa tên tuổi của Ngọc Hân vào hàng tiết hạnh xưa nay hiếm và trở thành nhà thơ nổi tiếng. Chỉ hai câu này: “Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng/Nỗi đoạn trường còn sống còn đau” đã làm cho thiên hạ tiếc thương bà mãi mãi. Trong khi đó, em gái của Ngọc Hân là Lê Ngọc Bình thì khác, trước làm vợ của vua Cảnh Thịnh, thành vợ vua Gia Long, nên dân gian mới có câu: “Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng làm vua”.
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ 18) từng là phi tần khi mới 16 tuổi, nhưng sau đó xin về, rồi kết hôn với tiến sĩ Nguyễn Kiều, thời bấy giờ mà hành động như thế này thì bị xem là lỗi đạo, thất tiết, vì phi tần gần như vĩnh viễn không được lấy chồng khác. Thế nhưng nhờ tài năng, bà lại được vào cung cấm làm chức Giáo thụ, dạy con cháu vua quan. Trước tác văn chương đã bảo đảm vị thế danh giá của Đoàn Thị Điểm trong lịch sử văn học. Trong khi đó, Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) lại hành động khác, sau khi chồng mất (năm 1847), bà ở vậy nuôi con. Dưới triều vua Minh Mạng, bà được mời vào triều làm Cung trung giáo tập, dạy cung phi và công chúa. Nhưng cũng như Đoàn Thị Điểm, thơ mới đưa bà trở thành tên tuổi bất tử, chứ không phải tiết hạnh.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư của thi hào Nguyễn Đình Chiểu, nổi tiếng bởi nhan sắc, tài văn chương và sự đoan trang. Hơn 25 tuổi bà mới lấy chồng, sinh một gái thì chồng chết, bà ở vậy nuôi con. Bút hiệu là Sương Nguyệt Anh cũng có nghĩa là người sương phụ, thủ tiết thờ chồng. Đời tư là vậy, nhưng việc xã hội thì khác, bà làm chủ bút tuần báo Nữ giới chung ở Sài Gòn, bênh vực nhiều quyền cho phụ nữ, trong đó có tự do tái giá.
Đầu thế kỷ 20, bà Phan Bội Châu (Thái Thị Huyên) lấy chồng lúc 23 tuổi. Chồng xuất dương và đi tìm đường cứu nước hơn 20 năm, bà vẫn vẹn lòng thủy chung. Khi ông Phan Bội Châu bị bắt và đưa về nước năm 1925, bà chỉ được gặp lại chồng lần chót trong 30 phút, rồi lại cách biệt tới khi ông qua đời năm 1940. Bà có câu nói được lan truyền: “Vợ chồng ly biệt hơn 20 năm, nay được một lần giáp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong thầy giữ được lòng xưa”. Chính tiết hạnh của bà đã giúp chồng củng cố thêm tinh thần trên bước đường cứu nước.
Vài chuyện đáng nhớ
Điều 308 trong Luật Hồng Đức thời Lê sơ (1428-1527) quy định rõ: “Chồng xa cách vợ không lui tới suốt 5 tháng thì vợ được phép trình quan sở tại, quan xã làm chứng thì chồng đó mất vợ. Nếu đã có con thì gia hạn 1 năm. Những người công sai đi xa không áp dụng luật này. Nếu đã thôi vợ mà cản trở người khác cưới vợ cũ thì xử biếm”. Còn điều 320 thì quy định: “Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị. Trả người đàn bà về chồng cũ…”, hoặc: “những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì xử phạt, biếm hay đồ” (điều 338). Bộ luật tiền phong này cho phụ nữ có quyền về tài sản riêng, có quyền xin ly hôn trong một số trường hợp.
Trong quyển 7, mục “Hộ luật/Hôn nhân/Xuất giá” thuộc Hoàng Việt luật lệ (ban hành năm 1815) quy định: “… Chồng bỏ trốn 3 năm không về thì cho phép trình báo lên quan ty chiểu theo luật lệ cho cải giá, cũng không bắt truy hồi tiền sính lễ”. Còn nhớ trên Phụ nữ tân văn số 95 (Sài Gòn, 13/8/1931), Phan Khôi từng mở ra cuộc tranh luận nảy lửa về tiết hạnh, mà quan điểm của ông càng về sau này càng thấy cấp tiến: “Tôi lấy làm lạ, cái kêu bằng cái tiết đó, không phải tánh trời sanh, thì sao lại đem nó để càn lên trên cái do tánh trời sanh? Tôi thì cứ giữ mực quê quê thiệt thiệt, căn cứ ở câu thực sắc thiên tánh của Mạnh Tử mà nói rằng: Hễ đàn ông chết vợ thì lấy vợ khác, đàn bà chết chồng thì lấy chồng khác. Còn như cặp vợ chồng nào có cái ái tình đặc biệt, một người chết đi, một người đành ở vậy, cái thì tùy ý họ, xã hội không ép buộc gì. Đến như, nói cái thứ hai của tánh trời, gặp lúc đáng bỏ phải bỏ, thì, đã cấm đàn bà cải giá, xin cũng cấm đàn ông tái thú luôn.
Trong phụ nữ ta có nhiều người chồng chết, ở trong cái cảnh ngộ rất đáng thương, buồn rầu đủ một trăm thứ, vậy mà nói đến chuyện cải giá, sợ mang tiếng, nhứt định không thì không. Có người bóp bụng cắn răng cũng giữ được trót đời; nhưng có người khôn ba năm dại một giờ, thành ra mang cái xấu lại còn hơn cải giá. Lại thường thấy bà góa nào có máu mặt thì bọn điêu thoa trong làng trong họ lập mưu mà vu hãm cho, để mong đoạt lấy gia tài. Những sự đó đều là chịu ảnh hưởng của cái luật cấm cải giá mà ra; vậy thì nó chỉ làm hại cho phong hóa thì có, chớ có bổ ích gì đâu? Bởi vậy ta nên phế trừ cái luật ấy đi; từ rày về sau, trong óc chúng ta - cả đàn bà và đàn ông Việt Nam - đừng có cái quan niệm ấy nữa”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần