Câu chuyện rác thải và ý thức cộng đồng
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một tháng qua, một nhóm du khách Nga đã đều đặn nhặt rác dọc bãi biển Nha Trang vào 6-7h sáng hàng ngày. Hành động của họ đã gây ảnh hưởng tới nhiều người dân địa phương và cả các du khách khác.
- CĐV Nhật Bản nén nỗi buồn, nhặt rác trên khán đài khiến cộng đồng quốc tế thán phục
- CĐV Việt Nam nán lại nhặt rác ở Thường Châu, CĐM kêu gọi hãy lan tỏa hành động đẹp
- Đề cử Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: 4 năm nhặt rác Hồ Gươm
Nói về việc người nước ngoài tới Việt Nam nhặt rác “hộ”, đây không phải câu chuyện cá biệt. Một người Mỹ đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Việc làm vì tình yêu Hà Nội năm 2016 của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) bởi hành động tự nguyện dọn dẹp mương rác thối tại phường Yên Hoà, Cầu Giấy. Những hình ảnh này cũng đã dậy sóng mạng xã hội thời điểm đó.
Gần đây, một người Mỹ khác cũng được biết đến với hành động đi khắp các con đường trong phố An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng để nhặt rác. Một doanh nhân người Nhật đến nay đã có “thâm niên” 6 năm kinh nghiệm tình nguyện nhặt rác Hồ Gươm và các khu vực hồ khác tại Hà Nội. Việc người nước ngoài tới “giúp” chúng ta bảo vệ môi trường đã dần trở nên quen thuộc.
Còn nhiều người trong chúng ta thì sao?
Không biết bao nhiêu lần chúng ta đọc được những tin tức về “bãi hoang tàn” để lại sau mỗi dịp bắn pháo hoa, đón giao thừa, đại nhạc hội... tại bãi biển, công viên, phố đi bộ. Dọc bờ biển Việt Nam không biết bao nhiêu nơi đã biến thành bãi rác. Thậm chí trong đó có cả những điểm du lịch... Không khó để tìm những hình ảnh xấu xí trên ở trên mạng.
Đầu tháng 7, Lãnh đạo TP.HCM đã phải nghẹn ngào xin lỗi một người công nhân thoát nước trong một buổi toạ đàm. Ai mà không uất nghẹn khi nghe tâm sự của người công nhân: “Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu đau đến thấu tim. Nhưng vì công việc tôi cắn răng mà chịu, mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa”.
Đó là những dẫn chứng chứng minh cho ý thức cộng đồng của một bộ phận người Việt Nam đang thấp đến như thế nào. Dường như rác thải chỉ đáng quan tâm khi chúng ở trong nhà ta, còn một khi đã ra đến cửa thì vứt ở đâu cũng được. Đương nhiên với rác của mình còn thiếu trách nhiệm thì rác của người khác càng chẳng đáng để tâm. Đó là lý do vứt rác bừa bãi đã nhiều, song việc thiếu ý thức dọn dẹp không gian chung có thể còn phổ biến hơn.
Việc vứt và dọn rác chung chỉ là một khía cạnh. Có những người sẵn sàng leo lề, lấn làn, đi ngược chiều chỉ vì muốn nhanh hơn một chút khi tham gia giao thông. Có những nhân viên công sở sẵn lòng bật máy lạnh, bóng đèn sáng choang dù không có ai ngồi ở đó, chỉ vì điện của công ty, Nhà nước, mình không có nghĩa vụ phải trả thì cứ mặc sức tiêu xài thôi. Những nhà vệ sinh công cộng bốc lên những mùi khó chịu bởi đi tiểu tiện bừa bãi, không xả nước sau khi sử dụng. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho việc thiếu ý thức cộng đồng đang phổ biến ra sao.
Giải pháp khả thi nhất hiện tại đó là mỗi người trong số chúng ta phải tự nhận thức được trách nhiệm cộng đồng của bản thân để thay đổi. Đơn giản nhất từ những việc như nhặt rác…
Hạ Hồng Việt