Cần xốc lại 'tinh thần Chu Văn An' trong giáo dục
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam đang xây dựng hồ sơ khoa học để vận động UNESCO cùng tổ chức tưởng niệm 650 năm mất của thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) vào năm 2020. Kết quả thế nào thì cần chờ thêm thời gian, nhưng dư luận đã râm ran các ý kiến khác nhau.
Một bên ủng hộ nhiệt thành, cho rằng Chu Văn An xứng tầm danh nhân văn hóa thế giới, UNESCO vinh danh là bình thường. Một bên cho rằng Chu Văn An đã là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) của người dân Việt Nam, đức cao vọng trọng như thần, chẳng cần khoác thêm danh hiệu thế tục nào nữa…
Khoan hãy bàn ý kiến bên nào xác đáng hơn, mà hãy nhân đây nhớ về cốt cách tinh thần của thầy Chu Văn An. Ông từ nhỏ đã học rất giỏi, nhưng lớn lên không có ý định thi làm quan, chỉ mở lớp dạy học tại quê nhà.
Thời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được mời ra kinh đô Thăng Long dạy tại Quốc Tử Giám và dạy hoàng thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Đến thời vua Trần Dụ Tông, chính trị bị lũng đoạn, nịnh thần và tham quan khuynh loát đất nước, Chu Văn An liền dâng “Thất trảm sớ” đề nghị chém bảy gian thần, nhưng vua không nghe theo, ông xin về ở ẩn tại Hải Dương.
Chu Văn An cùng với Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn… là những danh sư của Việt Nam. Họ được đời đời ngưỡng mộ không phải vì sự thành đạt, mà vì tâm, tầm và tài luôn xán lạn. Họ còn lưu danh bởi sự chính trực, luôn đấu tranh với cái xấu, không màng danh lợi và không ngại hiểm nguy. Chính vì vậy, hãy xem việc tưởng niệm 650 năm mất của ông như là dịp để xốc lại “tinh thần Chu Văn An” trong giáo dục hiện nay.
Tại sao vậy? Vì tình trạng thực dụng đang chi phối khá nhiều nền giáo dục hiện nay, khiến cho nhiều giá trị cốt lõi và tốt đẹp bị thách thức. Cái xấu vì thế mà có cơ hội nảy nở, nhiều trường hợp cái xấu trở nên lấn lướt.
Tình trạng “đổi tình lấy điểm”, “mua điểm” “mua bằng”, “mua chỗ dạy”,… đang khá phổ biến. Cái xấu xâm nhập môi trường giáo dục khiến nhiều thầy không ra thầy, nhiều trò không ra trò, thật đáng lo.
Giáo dục còn là nguồn cội của những giá trị tốt đẹp và giúp xã hội thượng tôn pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà trên mạng cho rằng sự dũng cảm, chính trực của nữ sinh Phạm Song Toàn (TP.HCM) là một cách tiếp nối tinh thần của Chu Văn An. Trong xã hội nhiễu nhương thời xưa, một tham quan nịnh thần đã đáng sợ, vậy mà một thầy giáo dám dâng sớ xin chém đến bảy tham quan nịnh thần. Tai họa và sự trả thù từ tay chân của họ chắc chắn là kinh khủng, nhưng vì đạo lý, vẫn có những tấm gương dũng cảm.
Ngành nghề nào cũng cần có thần tượng để noi gương. Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thế kỷ 11 tại Thăng Long, trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng thuộc nhóm những trường đại học lâu đời trên thế giới.
Văn Miếu trở nên đáng ngưỡng mộ và lưu danh thiên cổ, vì nơi đó, ngoài danh sư Chu Văn An, còn có những danh sư như Nguyễn Phi Khanh, Ngô Sĩ Liên, Thân Nhân Trung, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Tuệ, Lê Quý Đôn… giảng dạy. Tinh thần, cốt cách của họ trở thành thần tượng tốt đẹp của muôn đời. Chính vì vậy, hãy nhân dịp tưởng niệm Chu Văn An, chúng ta thử tìm thêm phương cách để tạo dựng cho hiện tại và tương lai những thần tượng mới trong ngành giáo dục. Giáo dục mà vững vàng, xã hội sẽ xán lạn.
Văn Bảy