Cần trả lại cho VPF sứ mệnh lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Sự ra đời của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) là tất yếu. Nhưng việc công ty này hoạt động không thoát ra được khỏi tầm kiểm soát quá lớn của VFF-đơn vị tổ chức giải chuyên nghiệp lâu nay, khiến dư luận mong muốn VFF phải tạo mọi điều kiện để VPF phát triển như một doanh nghiệp đích thực, như sứ mệnh tốt đẹp của nó.
Ngày mai (28/10), VPF sẽ tổ chức cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) thường niên 2015. Dự đoán của giới chuyên môn là sẽ có "biến ở thượng tầng", dù đây không phải là Đại hội cổ đông (bầu HĐQT, để từ đó sẽ chỉ định các chức danh trong Ban Tổng giám đốc, Ban Tổ chức giải, các phòng).
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hoá, VFF (cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,4% cổ phần, chưa tính các cá nhân và việc sang nhượng, thâu tóm cổ phiếu, cổ phần vẫn diễn ra âm ỉ) sẽ tiếp tục “đẩy” người của mình vào Ban Tổng giám đốc, để chi phối hoat động của VPF, đương kim PCT VFF Trần Quốc Tuấn vẫn được xem là “minh chủ”.
Dự đoán Phó TTK VFF phụ trách tài trợ là ông Nguyễn Minh Châu sẽ được giới thiệu, để cùng với ông Nguyễn Minh Ngọc (một người cũ của VFF, từng ngồi nghế trưởng phòng tổ chức thi đấu và mùa giải vừa rồi được nhấc lên ghế Trưởng BTC các giải đấu, kiêm Phó TGĐ) ứng cử chức danh TGĐ VPF, vị trí mà ông Phạm Ngọc Viễn đang nắm giữ.
Sự xuất hiện của ông Phó TTK VFF phụ trách tài trợ, cũng có thể là báo hiệu của một cuộc chia ly khác: Ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ phụ trách tài trợ và truyền thông, người vừa bị chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng “đấu tố” tại buổi tổng kết mùa giải 2015.
Tất nhiên, đây chỉ là những dự cảm – tiên liệu cho một cuộc chuyển dịch nội bộ đã và đang diễn ra trong lòng VPF, kiểu “sóng ở đáy sông”. Còn việc quyết các chức danh như TGĐ phải phụ thuộc vào Đại hội cổ đông. Mà chắc gì các CLB (những cổ đông dù cổ phần ít nhưng lại là các nhân vật chính của cuộc chơi, của giải chuyên nghiệp) đã “chịu” người VFF dựng lên?
Kể từ khi ông Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý, có thể thấy những biến chuyển ở VPF đã không diễn ra như mong đợi, khi ngay cả ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT kể từ khi VPF ra đời cho đến thời điểm này, cũng nhiều phen phải nhún nhường, nhợt nhạt cá tính. Trong thâm tâm, ông Thắng vẫn muốn ông Viễn và ông Trần Duy Ly làm tốt hơn nữa. Vậy mà, ông Viễn, "cha đẻ" của đề án bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ông Ly- người từng rất mạnh tay thời còn làm trưởng giải trước đây, đã không đáp ứng mong mỏi của nhiều người.
Nhưng cuộc cạnh tranh quyền bính sắp tới ở thượng tầng VPF, không biết chừng vị trí của ông Phạm Phú Hoà lại “yểu mệnh” hơn cả. Bầu Thắng dù nhiều lần đứng ra “bảo kê” cho thuộc cấp cũ ở ĐTLA trước đây, đồng thời cũng có chút quan hệ gia đình, nhưng khó thể chống được, khi ngay chính nhiều cô đông VPF cũng không đồng tình ông Hòa.
Tại buổi tổng kết mùa giải 2015, chủ tịch Trần Mạnh Hùng đã đăng đàn và rằng, ông Hoà dù với vai trò Phó TGĐ phụ trách tài trợ - truyền thông, đã không kiếm nổi một xu, nhưng vẫn hưởng lương bạc tỷ, cùng các chế độ như vé máy bay, xe cộ khác. Ông Hoà hẹn ông Hùng đến cuộc họp HĐQT lần này sẽ “quyết đấu”.
Phim hay đoạn kết.
Ngoài ông Trần Mạnh Hùng của Hải Phòng, hiện người ta vẫn đang chờ tiếng nói của đại diện các CLB khác (cả V-League và hạng Nhất), bởi cuộc chơi là do họ tạo ra và phải thuộc về họ.
Chiến thắng quyền lực thuộc về phe nào, thì người hâm mộ cũng chỉ mong VPF thực sự là công ty có lãi, công tác tổ chức, điều hành giải chuyên nghiệp tử tế hơn, nếu không thì nên giải tán để khỏi tránh bệnh hình thức.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa