Cần có Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn
(Thethaovanhoa.vn) - Trong buổi hội thảo sáng 31/10 về Hoạt động sáng tác lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời hội nhập phát triển hiện nay, thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho hay: Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP tuy là văn bản tương đối đáp ứng hoạt động của lĩnh vực biểu diễn, nhưng trong quá trình vận hành ngắn đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thay đổi.
- Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định 'đủ thẩm quyền dừng lưu hành ca khúc'
- Sẽ có Luật Nghệ thuật biểu diễn
1. “Tình hình buộc chúng ta phải có điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp. Đó là chuyện hết sức bình thường, Luật còn sửa, huống hồ là nghị định” - ông Vương Duy Biên nói.
Hoạt động sáng tác, lưu hành các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc hiện nay có thể thấy là điểm “nóng” diễn ra không chỉ với những nhà chuyên môn nghệ thuật mà với ngay công chúng.
Khi hàng ngày, hàng giờ, những sản phẩm âm nhạc mới luôn “ra lò” từ những cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo yếu tố chất lượng để được phép lưu hành nhưng vẫn được phổ biến.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục NTBD cho hay, thời gian qua, nhiều tác phẩm mới ra đời đáp ứng được đời sống của xã hội thì bên cạnh đó, vẫn có những tác phẩm chưa đạt yêu cầu.
Có những ca từ của những bài hát nhảm nhí như Phiếu bé ngoan, Tan Ka ka, Như cái lò, Em không hối tiếc được dư luận truyền thông phản ánh.
Và trong khi đó, hoạt động lưu hành các tác phẩm nghệ thuật ra công chúng lại vẫn gặp những bất cập bấy lâu nay từ việc xin cấp phép cho đến lưu hành tác phẩm ở nhiều hình thức (trình diễn, phát sóng, thu âm...).
2. Có rất nhiều vấn đề “nan giải” được đưa ra trong hội thảo như: Cần thay đổi việc xin phép lại đối với những tác phẩm sân khấu quá thời hạn một năm, cần xem lại những quy định ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật như việc cấp phép cho tác phẩm công diễn; những tác phẩm xin cấp phép tuy không vi phạm về chính trị nhưng lời lẽ ngô nghê mà vẫn được duyệt.
Ngoài ra, là các đề xuất như những chương trình có sự thay đổi nội dung sau 5 ngày cấp phép, thay vì xin lại giấy phép từ đầu theo quy định thời hạn, có thể nhận quyết định “nóng” của hội đồng duyệt ngay khi tổng duyệt. Đối với các nghệ sĩ quốc tế có giấy phép biểu diễn 6 tháng tại Việt Nam, cũng không cần phải xin phép mỗi lần biểu diễn.
Chưa kể, những quy định cấp phép với các tác phẩm trước 1975 vẫn được cho là cấp phép “chung chung”, khiến người thực thi hiểu không thấu đáo, gây dư luận trái chiều. Và tại sao không xóa bỏ lệnh cấp phép này?
3. Nhưng vướng mắc nhất hiện nay vẫn là bản quyền, thẩm quyền, cam kết sử dụng tác phẩm khi nhiều cam kết phải thực hiện trong quyết định của giấy phép như hợp đồng sử dụng tác phẩm, cam kết sử dụng tác phẩm và thỏa thuận.
Trong đó, đáng nói là các thỏa thuận giữa người thu và người nộp phí bản quyền thuộc về quan hệ dân sự, không được phép đưa vào thủ tục cấp phép vẫn là “mấu chốt” khiến vấn đề bản quyền có thể “nóng” lên bất cứ lúc nào.
Ở lĩnh vực này, còn có hiện tượng “phép chồng phép” khi các nhà hát trung ương vướng một số chương trình biểu diễn tại Hà Nội, đều xin phép Cục rồi lại phải lên Sở xin phép tiếp.
Với những trao đổi trên, thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ: “Chúng tôi muốn có quy định, có thể không gọi là Nghị định sửa đổi mà có Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, trong đó toát lên tinh thần cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể công chúng thưởng thức nhiều hơn sản phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”.
“Bên cạnh đó, là hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, thuận lợi cho công tác quản lý tốt, chặt chẽ nhưng thông thoáng, hạn chế xin nhiều lần, làm nhiều giấy tờ, hồ sơ thủ tục” - ông tiếp lời.
Tuy nhiên, để có thể triển khai được những mong muốn này, thì còn cần có thêm thời gian “trưng cầu ý kiến”, lắng nghe ý kiến tổng hợp để xây dựng dự thảo.
Thanh Tú