Cảm ơn 'Thượng đế'
(Thethaovanhoa.vn) - Khách hàng là "Thượng đế"! Từ Thống Nhất đến Bình Dương, Lạch Tray, Thiên Trường..., hai ngày cuối tuần qua, khán giả nườm nượp kéo đến sân bóng ở lượt trận thứ 5, Nuti Cafe V-League 2018, tiếp tục tạo nên hiệu ứng tuyệt vời cho giải đấu. Để công bằng hơn, nhà tổ chức phải nói lời cảm ơn họ, những "Thượng đế" của thời kinh tế thị trường. Tại sao?
- Khán giả quyết định chất lượng sản phẩm bóng đá!
- Khán giả V-League đã đến sân, nhưng 'sao' U23 Việt Nam im lặng
- Khán giả là thước đo chuẩn xác nhất tại V-League
Cuộc đối đầu giữa CLB Sài Gòn và HAGL - đội bóng tập hợp rất nhiều những “thần tượng” chỉ có chất lượng chuyên môn trung bình thấp. Đội đồng chủ sân Thống Nhất có chiến thắng đầu tay 3-1 khá dễ dàng, khi “những đứa trẻ nhà bầu Đức” không đánh mà hàng, công cùn thủ mỏng, hệt như năm đầu tiên họ bước lên vũ đài V-League (2015).
Tức là gần như không có sự tiến bộ đáng kể nào về mặt lối chơi, kỹ chiến thuật..., dù đội bóng đã vắt qua nhiều đời HLV khác nhau, hết ngoại đến nội, lại ngoại... Vẫn một lối đá cũ, rối rắm và không hiệu quả trên tuyến đầu, quá dễ để bắt bài mà nói theo ngôn ngữ bóng đá phủi là “không có đường đâm”, trong khi hàng phòng ngự vừa yếu, lại vừa thiếu, sai số nhiều.
Nhưng, thật kỳ lạ, CĐV dường như không có đòi hỏi nào về mặt thành tích hay một lối chơi tận hiến, đẹp mắt của các thần tượng, đặc biệt là các khán giả nhí và những cô gái tuổi ô mai. “Ba ơi sao đội bóng của chú Xuân Trường, chú Công Phượng..., đá hay thế mà lại thua nhỉ?”, đấy là một thắc mắc của cậu bé đi cùng người cha, lúc rời sân Thống Nhất, mà chúng tôi nghe được.
“À, vì hôm nay các chú ấy không gặp may con à”, người cha đành phải “nói dối” đứa con của anh, bởi anh không muốn thần tượng trong con sụp đổ. Đấy có thể là lời nói dối dễ thương, để rồi lớn lên một chút, đứa trẻ chắc cũng quên mau thôi, chẳng nỡ bắt tội ba mình.
Trước đó, tại khu vực sảnh thoát hiểm và cửa ra xe bus, rất nhiều các em gái xinh tươi, có lẽ là sinh viên học sinh, với cây bút và cuốn sổ, chờ những thần tượng của mình để xin chữ ký. Đông lắm luôn.
Bóng đá đẹp và nhân văn là thế. Nếu hôm nay chúng ta “cấy” được một tình yêu, ngày mai đội bóng sẽ có thêm một CĐV trung thành, rồi nhân bản tiếp theo. Vì yêu và trung thành, nên những thứ khác như thành tích hay trách nhiệm chẳng hạn, không còn quan trọng nữa! Có thể.
Song khổ nổi, tình yêu và sự trung thành nơi người hâm mộ bóng đá Việt Nam, hơi xa xỉ, chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. Tình cho không biếu không thường không trường tồn. Chỉ khi đội bóng trở thành sở hữu của một cộng đồng người, với trách nhiệm cao nhất, cộng đồng ấy mới không bỏ rơi, mới sát cánh suốt đời. Nhưng HAGL là của bầu Đức, và ông thậm chí còn dọa bỏ V-League, dọa chia tay bóng đá bất cứ lúc nào, nếu muốn.
***
Về điều này, những CLB giàu tính bản địa như FLC Thanh Hoá, SLNA, Nam Định hay Hải Phòng..., mang nhiều cơ sở để được cổ vũ hơn, dù tài chính có đôi lúc eo hẹp. Chiều qua, CĐV xứ Thanh thực sự đã nhuộm vàng SVĐ Bình Dương, tạo nên những cuộn sóng từ khán đài xuống mặt cỏ.
Được tựa lưng vào khán đài để thi đấu và chiến đấu, không khác gì trên sân nhà, cầu thủ FLC Thanh Hoá đá như lên đồng, cùng B.Bình Dương tạo nên cuộc rượt đuổi tỷ số ngoạn mục (tỷ số 3-3). Vẫn có những sai số nơi hệ thống phòng ngự của 2 đội, nhưng đây có lẽ là trận đấu có chất lượng chuyên môn cao nhất kể từ đầu giải. Nó khác hoàn toàn với những gì diễn ra ở Thống Nhất, một ngày trước đó.
Khán giả, hay tốt hơn là các Hội CĐV mặc áo chính thức của Hội, là cảm hứng, là hơi thở của bóng đá. Về mặt doanh số hay doanh thu, họ cũng đóng góp một khoản đáng kể để duy tu, nâng cấp đội bóng, thông qua việc mua vé và áo đấu chính thức của CLB. Nhưng, như đã nhắc ở trên, đối tượng người hâm mộ bóng đá không mãi “ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng được”.
Từ lâu nay, những người làm bóng đá vẫn mặc định, đội bóng sinh ra đã sở hữu tình yêu của khán giả, mà quên mất khâu chăm bẵm, cấy ghép và nâng cấp CĐV. Đấy là một lối nghĩ sai lầm, kể cả với cả cấp độ các ĐTQG.
Bóng đá trở thành môn thể thao số 1 hành tinh, từ số lượng người chơi, tổ chức tham gia, doanh thu và đương nhiên là điều kiện bắt buộc: Tính hấp dẫn, bất ngờ của nó. Về thuộc tính cuối cùng quan trọng này, bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, vẫn chưa đáp ứng được.
Cụ thể, người xem dù không am tường lắm, cũng dễ đoán trước được kết quả, không chỉ trong các trận đấu khuôn khổ giải đấu, mà cả những “cuộc đua” khác ở thượng tầng nền bóng đá. Đấy là điều chúng ta phải lưu tâm.
TUỲ PHONG