Khán giả quyết định chất lượng sản phẩm bóng đá!
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF, đang cần nhiều kinh nghiệm với tư cách một nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thì nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, gần như "ôm trọn" hệ thống các giải bóng đá trẻ Việt Nam từ hàng chục năm qua với các VCK U19 và U21 quốc gia, lẫn quốc tế. Họ sẽ là khách mời của Thể thao & Văn hóa tuần này, với những kiến giải cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, bằng những chia sẻ thẳng thắn.
- Chủ tịch VPF Trần Anh Tú: 'Các CLB cần điều chỉnh ý thức và hành động'
- Chủ tịch VPF Trần Anh Tú: 'Thương hiệu V-League vô cùng giá trị'
- Chủ tịch VPF Trần Anh Tú: 'Tổ chức và điều hành V-League là việc quá khó khăn'
* Thể thao & Văn hóa: Trong nhiều năm qua, dưới sự điều hành của VPF, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều sạn và thực sự chưa lấy lại được niềm tin của người hâm mộ, thậm chí là niềm tin từ chính những người tham gia cuộc chơi. Nó trái ngược với hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia luôn được đón nhận. Chân đế tốt, nhưng tại sao đầu ra là bóng đá chuyên nghiệp và cao hơn là các ĐTQG lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Các ông nhận xét gì về thực trạng này?
- Ông Nguyễn Công Khế: Sự nở rộ của các lò – các Trung tâm đào tạo trẻ giúp nền bóng đá tạo được một chân đế khá vững và thực tế, bóng đá trẻ Việt Nam đã bắt đầu gây được tiếng vang trên trường quốc tế từ vài năm qua. Chất lượng đào tạo như của HAGL, Hà Nội, SLNA, Viettel và PVF…, là rất tốt, tất nhiên, nó chỉ tốt so với chính chúng ta trước đó thôi, chứ so với Thái Lan thì chưa là gì cả, đó là chưa kể đến châu lục và thế giới. Tôi nghĩ, một mảng đào tạo quan trọng nữa mà nền bóng đá Việt Nam còn khiếm khuyết, đấy là bóng đá học đường. Những ngày VCK U19 quốc gia diễn ra ở Huế, tôi cảm nhận được nếu bạn mang đến một sản phẩm bóng đá sạch và tốt, thì sẽ được đón nhận. Có đến 10 ngàn khán giả phủ gần kín sân Tự Do và nó là con số biết nói, là tín hiệu rất đáng mừng. Chúng ta chưa hoặc không tiếp nối được thành công từ bóng đá trẻ, đấy là do phương pháp làm và phương pháp huấn luyện mà thôi.
Tôi đã hỏi ý kiến của các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam vừa trở về từ Trung Quốc, họ đều có chung một nhận xét là: HLV và phương pháp huấn luyện giữ vai trò quyết định. Về mặt kỹ thuật và tư duy chơi bóng của cầu thủ Việt Nam là khá ưu việt, nhưng tâm lý chiến hay dễ hiểu hơn là tinh thần còn kém ở một vài thời điểm. HLV Park Hang Seo đã giải quyết triệt để được điều này, để đội bóng chơi như lên đồng ở VCK giải U23 châu Á như đã thấy.
- Ông Trần Anh Tú: Tôi nghĩ, từ nhiều năm qua, VPF và BTC các giải đấu chưa thực sự minh bạch, chưa dám đối diện với những tồn tại, thiếu tính phản biện và đối thoại để tìm ra kiến giải.
V-League về cơ bản đang vướng phải 3 tồn tại chính: Thứ nhất là khâu điều hành yếu kém của trọng tài; Thứ 2 là khâu khen thưởng kỷ luật và thứ 3 là một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, hấp dẫn. Tôi chưa nói về chất lượng chuyên môn, vì chúng ta đều thấy, kể từ khi xiết lại các suất đăng ký ngoại binh, chất lượng đội hình của các CLB kém đi và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các trận đấu và giải đấu nói chung.
Để từng bước giải quyết những vấn đề này, VPF thường xuyên có các cuộc trao đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ với Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật, để có thể đưa ra được giải pháp tối ưu trong việc nâng cấp, cũng như phân công công việc. Trong khi đó, chúng tôi cũng đã và sẽ ngồi lại với các đội bóng, trong việc xử lý khủng hoảng các vấn đề với CĐV, như trường hợp đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy vửa qua. Tôi tin rằng, các án phạt chỉ mang tính răn đe, không giải quyết được triệt để vấn đề và chúng ta không thể chỉ biết phạt và phạt. Chất lượng các trận đấu có được nâng lên hay không, việc nuôi dưỡng và cấy CĐV như thế nào, giảm bạo lực sân cỏ…, phụ thuộc vào các CLB, nhưng VPF không đứng ngoài chuyện đó.
Khi bạn đem đến một sản phẩm bóng đá chất lượng và sạch, niềm tin nơi khán giả sẽ quay trở lại. Tín hiệu từ các khán đài ở lượt trận mở màn Nuti Café V-Leagu 2018 là rất khả quan.
Bóng đá Việt Nam thừa tiềm lực để phát triển
* Thể thao & Văn hóa: Việc giải quyết những tồn tại của hệ thống các giải đấu, không phải là chuyện một sớm một chiều. Song chúng tôi cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất với nhà tổ chức là huy động nguồn lực, trong đó có công cuộc tìm kiếm nhà tài trợ để nuôi và phát triển giải đấu, không dễ dàng chút nào.
Rồi chúng ta làm ra một sản phẩm, nhưng sản phẩm ấy không thể bán được, thì cũng coi như là công cốc. Đại hội VFF khóa VIII sẽ diễn ra vào thời gian tới đây, theo các ông, các vấn đề nhân sự ở thượng tầng của nền bóng đá ảnh hưởng thế nào đến những giải đấu và sự phát triển chung?
- Ông Nguyễn Công Khế: Tôi khẳng định, không ở đâu việc huy động vốn, huy động đầu tư – tài trợ cho bóng đá dễ như ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp muốn chung tay vì sự phát triển của nền bóng đá, cũng như các giải đấu, nhưng họ còn hoang mang về chất lượng sản phẩm, về việc sản phẩm ấy ảnh hưởng thế nào đến uy tín của nhà tài trợ. Việc quảng cáo với doanh nghiệp chỉ là yếu tố phụ mà thôi.
Tôi lấy ví dụ, nếu như cứ đá như đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á, thì ai lại không muốn gắn bó, ai không muốn tài trợ cho đội bóng. Với kinh nghiệm tổ chức các giải bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam từ mấy chục năm qua, các vấn đề về tài lực, theo tôi không phải bài toán khó.
VFF là tổ chức đứng đầu nền bóng đá, chịu trách nhiệm trực tiếp với sự hưng suy của nó, cũng như hệ thống các giải đấu, nên VFF được ví như cái xương sống trên cơ thể con người vậy. Khi xương sống khỏe, thì cơ thể con người cũng sẽ khỏe và việc tập hợp, thu hút nguồn lực trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Khi làm bóng đá, bạn không bao giờ được phép quan tâm đến tiền sẽ về túi mình bao nhiêu. Đó là công cuộc dấn thân và hy sinh rất lớn. Và tôi xin nhắc lại, người hâm mộ sẽ quyết định chất lượng sản phẩm bóng đá.
- Ông Trần Anh Tú: Tại lễ ký kết hợp đồng tài trợ V-League 2018 với NutiFood, tôi đã khẳng định, bóng đá Việt Nam sẽ vẫn bán được giá, sẽ vẫn có nguồn thu từ bản quyền truyền hình. Toyota không tiếp tục gắn bó với chúng ta, không phải vì chất lượng V-League thấp đến độ họ không muốn tài trợ, mà chính VPF đã chủ động từ chối các điều khoản mà họ đưa ra. Chúng tôi không chấp nhận một giá bán thấp như thế, cho một sản phẩm ưu việt bậc nhất của nền bóng đá. Chúng ta nếu chưa thể bán với giá cao, thì cũng phải giữ giá. Và tôi cũng nói luôn là, rất nhiều các đơn vị muốn tài trợ cho V-League, muốn đầu tư cho bóng đá Việt Nam, từ cấp CLB đến các ĐTQG. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, sẽ không bao giờ để cho bóng đá phải "chết yểu", hoặc tệ hơn trở thành sản phẩm cho không biếu không.
VPF đã và đang còn rất nhiều việc phải làm trong năm cuối của hợp đồng chuyển giao với VFF, cho việc tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Việc xử lý các tồn tại và nâng cấp V-League là rất cấp thiết, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt nền bóng đá, với đầu ra là ĐTQG. Tôi thân là Ủy viên Thường trực VFF và cũng có tiếng nói nhất định ở tổ chức này, giờ trong vai trò của nhà tổ chức V-League sẵn sàng đối thoại và minh bạch hóa tất cả.
Khán giả, người hâm mộ sẽ không muốn đón nhận một sản phẩm bóng đá thiếu minh bạch, không sạch. Cần phải vực dậy niềm tin nơi họ và chứng minh rằng, họ đã không đặt niềm tin sai chỗ. Bóng đá Việt Nam rất nhiều tiềm năng phát triển.
* Xin cảm ơn hai ông về cuộc đối thoại thẳng thắn!
Thể thao & Văn hóa