Cảm hứng lan tỏa từ tấm lòng của họa sĩ Đặng Ái Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 9h ngày 27/7 tại Đường sách TP.HCM, ngoài trưng bày 100 bức tranh chân dung vẽ 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, họa sĩ Đặng Ái Việt còn có buổi giao lưu về hành trình vẽ gần 1.500 bức chân dung như vậy. Công việc của nữ họa sĩ tuổi đã “cổ lai hy” này tưởng chừng như thong dong, nhưng thực tế lại cần sự nhẫn nại và ý chí rất lớn. Đây là hành trình mang tính biểu tượng, tạo được cảm hứng và ý nghĩa sâu lắng với đời sống.
- Họa sĩ Đặng Ái Việt và hạnh phúc từ hơn 1000 nụ hôn
- Họa sĩ Đặng Ái Việt tái xuất trong 'Những người con bất tử' lần 3
- Họa sĩ Đặng Ái Việt: Vẽ Mẹ VN anh hùng, dành tiền tặng Trường Sa
Tính đến hết năm 2012, đã có 49.609 mẹ được nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó số mẹ ở miền Nam nhiều gấp đôi miền Bắc; tính đến ngày 1/1/2013, có 3.923 mẹ còn sống.
Nhắc lại con số này để thấy sức làm việc của họa sĩ Đặng Ái Việt thật đáng nể, mỗi năm chạy xe hàng ngàn cây số, chụp hơn 200 bức ảnh chân dung đã khó, huống chi ký họa và vẽ chân dung. Trong suốt 7 năm bà đã vẽ được khoảng 1/3 số mẹ còn sống, ước nguyện của bà là có thể vẽ hết các mẹ còn lại.
Việc làm của Đặng Ái Việt không đơn thuần là vẽ cho nhanh cho đủ số lượng, mà còn muốn gặp từng mẹ để trò chuyện, để lắng nghe nỗi lòng của từng người. Nữ họa sĩ kể rằng, đâu phải lúc nào cũng đến kịp, có khi đến kịp thì mẹ không còn đủ minh mẫn, tỉnh táo để trò chuyện. Có nhiều mẹ hy sinh mà không kịp có hình chân dung; có mẹ bị thương quá nặng; có mẹ đã qua đời vì tuổi già, bệnh tật… Vẽ cho đẹp, cho viên mãn một chân dung là việc không hề đơn giản, không thể vội vàng, trong khi thời gian thì đang cạn dần...
Việc tri ân sự đóng góp, hy sinh của các bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh là nghĩa cử cao đẹp, điều này dễ được nhận thấy hơn vào các dịp lễ Tết. Những mẹ tiêu biểu đã được tạc tượng, dựng tượng đài, được đặt tên trường, tên đường… Như Mẹ Thứ (mẹ Nguyễn Thị Thứ) đã có tên đường tại Quảng Nam từ tháng 12 năm 2011. Mẹ Thứ (quê ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam) có chồng, 9 người con ruột, 2 cháu ngoại và một người con rể đã hy sinh cho cách mạng. Hồi mẹ còn sống và minh mẫn, khi báo đài đến phỏng vấn, mẹ tâm sự những người như mẹ nhiều lắm, hãy chịu khó tìm đến đó, đừng phỏng vấn hoài một vài người.
Mà thật như vậy, sau này khi việc phong tặng và truy tặng diễn ra, ngay cùng thôn với Mẹ Thứ còn có Mẹ Lê Thị Tự, người cũng có 9 con là liệt sĩ, nhưng ít báo đài nhắc tên. Cho nên những việc làm tưởng chừng như âm thầm, nhưng thường xuyên của Đặng Ái Việt lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta - không chỉ vào các dịp lễ Tết - rằng xung quanh vẫn còn nhiều những chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đáng ghi nhớ, đáng nhắc lại.
Gọi việc làm của Đặng Ái Việt là cách để tạo cảm hứng, vì tự mỗi người, mỗi ngành nghề - đặc biệt quay phim tài liệu - đều có cách để ghi nhớ, để tôn vinh thật sống động. Vấn đề còn lại là sự rung cảm, ý chí, sự kiên trì của mỗi người đến đâu mà thôi. Nếu muốn mà chưa có dịp để thực hiện, thì ít nhất cũng cùng chia sẻ, cùng hy vọng lão họa sĩ này sẽ được chân cứng đá mềm để đi đến cuối hành trình.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa