Cải lương tính chuyện dài hơi
Năm 2021, sân khấu cải lương đóng cửa hoàn toàn, đến giữa năm nay 2022 này, có vài hoạt động mới mẻ. Nhìn vào các dự án, các vở diễn đang được triển khai, thấy nỗ lực duy trì sức sống của cải lương đang có những động thái mang tính thực tiễn và có tầm nhìn lâu dài hơn.
Nếu như trước đây, các sân khấu luân phiên nhau sáng đèn một vài đêm, sau đó là khoảng lặng, thì giờ đây các hoạt động vừa được bổ sung sẽgiúp cho tần suất tiếp cận của nghệ thuật cải lương với mọi đối tượng khán giả ngày càng dày thêm.
Từ sân khấu thiếu nhi
Vào tối ngày 30/7/2022, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt Sân khấu tài năng thiếu nhi. Đây là sân chơi dành cho các em nhỏ từ 6 - 13 tuổi. Tại đây, các em sẽ được những nghệ sĩ tiền bối dạy dỗ, rèn giũa các bài bản cải lương để có thể hóa thân vào các nhân vật trong kho tàng dân gian, lịch sử dân tộc. Lực lượng diễn viên nhí đầu tiên là tập hợp hậu duệ của nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi, lẫn không nổi danh.
Trong đêm diễn ra mắt vở Vương quốc thú nhồi bông (kịch bản: Biển Kiện Tùng Phi, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Quỳnh Khôi) có sự tham gia của Tú Quyên - Hồng Quyên (con NSƯT Tú Sương), Thảo Trâm - Thảo Trúc (con nghệ sĩ Điền Trung và Lê Thanh Thảo), Kim Thư (con nghệ sĩ Ngọc Nga), Anh Thư (con nghệ sĩ Thy Trang), Trúc Vy (con Trọng Hiếu - Trúc Phương)...
Tuy nhiên, dự án này hướng tới mục tiêu tạo ra thế hệ nghệ sĩ tương lai cho cải lương, nên nhà hát còn thu hút và chiêu mộcác em thiếu nhi có năng khiếu và muốn được hát cải lương từ mọi tầng lớp xã hội.
Thực ra hơn 20 năm trước, sân khấu cải lương thiếu nhi đã từng có Đoàn Đồng ấu Bạch Long hoạt động rất hiệu quả, tạo ra nhiều ngôi sao của hiện tại như NSƯT Tú Sương, NSƯT Quế Trân, Bình Tinh... Nhưng vì lý do khách quan, ông bầu Bạch Long đã không thể tiếp tục duy trì. Sân khấu cải lương thiếu nhi bị đứt gãy và gián đoạn gần 2 thập niên, thì NSƯT Hoa Hạ đã gầy dựng một sân khấu thiếu nhi khác, có tên Bầu trời xanh. Dẫu có nhiều hoài bão, nhưng vì khó khăn khách quan, sân khấu này tạm ngưng hoạt động.
Vì vậy, vào lúc này, việc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái tạo sân khấu cải lương thiếu nhi là một nỗ lực rất đáng trân trọng và thể hiện ý chí xây dựng mang tính dài lâu. Hy vọng là trong số các bạn nhỏ diễn viên sẽ xuất hiện những viên kim cương quý, còncải lương thiếu nhi với sự hồn nhiên của mình, sẽ tiếp cận được với đối tượng khán giả nhí, khán giả tiềm năng của cải lương về sau.
Đến thi tài năng và viện nghiên cứu
Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương sân khấu Trần Hữu Trang lần thứ hai đã khởi động. Cuộc thi này được tổ chức lần đầu tiên năm 2020, như một sự trở lại, tiếp nối và mở rộng Giải Cải lương Trần Hữu Trang danh giá trước đó,vốnđã tạm ngưng vào năm 2014. Nói là mở rộng, vì trước đây giảigiới hạn độ tuổi thí sinh, nội dung tập trung vào thể loại kép mùi/ đào thương,quy mô cuộc thi thìgiới hạn trong phạm vi phía Nam,nên không được công nhận điểm để xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND.Từ năm 2020, khi mang tên Tài năng diễn viên sân khấu cải lương sân khấu Trần Hữu Trang, cuộc thi mở rộng cho mọi độ tuổi, nâng lên quy mô toàn quốc, nội dung dự thi thìbên cạnh kép mùi/đào mùi, còn mở ra thêm kép độc/đào lẳng, kép lão/đào mụ, kép hài/đào hài. Các diễn viên đoạt huy chương vàng sẽ được tính điểm để xét duyệt danh hiệu NSƯT và NSND.
Sau các vòng sơ tuyển tại TP.HCM (từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM), Hà Nội, Cần Thơ từ tháng 8 đến tháng 9/2022, vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 10/2022, nên từ đầu năm, rất nhiều thí sinh khắp ba miền, thuộc nhiều thế hệ, đã lao vào học hỏi, tập luyện hăng say, tạo nên một không khí sôi nổi cho cải lương.
Sự trở lại của cuộc thi cải lương danh giá này sau thời gian dài gián đoạn cũng cho thấy sự quan tâm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đối với nghệ sĩ, cuộc thi là một thước đo tài năng nên tạo động lực để họ nâng cao và trau chuốt kỹ năng ca diễn. Đối với công chúng thì đây là một kênh tiếp cận tốt, vì các buổi thi mở cửa khuyến khích khán giả dự khán.
Vào ngày 28/7/2022, NSƯT Linh Trung trong vai trò người sáng lập,cùng ông Lê Văn Tiếp (cán bộ Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam) đã tuyên bố thành lập Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á.
Chức năng của viện này là nghiên cứu các đặc trưng văn hóa của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á; nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cổ; nghi thức, nghi lễ cổ truyền; nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn và thực hiện các đề tài, dự án trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian, vật thể, phi vật thể và văn hóa âm thực tại các vùng miền của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á.
- Chờ cải lương 'có nhà để hát'
- Cải lương thể nghiệm và lối ra cho nghệ sĩ trẻ
- Quanh quẩn 'cơn khát' kịch bản cải lương
Với chức năng của viện này, Linh Trung cho biết sẽ có cơ hội triển khai các dự án vớicải lương rất tâm huyết như khai trương sân khấu cải lương dành cho nghệ sĩ tài danh một thời, thực hiện phim truyện cải lương và khởi động chương trình cải lương học đường. Hoạt động đa dạng của ông bầu Linh Trung sẽ góp thêm vào sự nhộn nhịp của đời sống cải lương năm 2022.
Bên cạnh đó, các sân khấu như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn Cải lương Đại Việt, Đoàn Cải lương Chí Linh - Vân Hà, Đoàn Cải lương Kim Ngân, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đoàn Cải lương xã hội hóa Vũ Luân… cũng đang ráo riết tập luyện và luân phiên trình diễn vở mới. Đặc biệt, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long sau nhiều suất diễn cháy vé, đã thực hiện chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào miền Trung.
Sau một năm 2021 tê liệt vì dịch bệnh, tới bây giờ cải lương vẫn còn đầy ắp khó khăn, nhưng nhìn vào không khí nhộn nhịp của năm 2022, nhiều người khấp khởi hy vọng hồi sinh.
Nguyễn Huy