Cải lương thể nghiệm và lối ra cho nghệ sĩ trẻ
Vài tuần trước, tại sân khấu Sen Việt, buổi diễn tốt nghiệp khoa đạo diễn của Huỳnh Thanh Khang - vở Ai là thủ phạm - đã được tổ chức với sự hóa thân của ba nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo và Bảo Trí. Vở diễn được đánh giá tốt về cách thể hiện và nội dung nên đã tổ chức trình diễn phục vụ khán giả vào các ngày 14 - 15/5 vừa qua, cũng tại địa điểm trên.
Giáo viên hướng dẫn cho Huỳnh Thanh Khang là NSƯT Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM. Anh cũng đồng thời là ông bầu của sân khấu Sen Việt.
Làm mới cải lương
Một tuồng cải lương thông thường sẽ có sự tham gia hóa thân của nhiều diễn viên (từ 6 diễn viên trở lên), cảnh trí phong phú đa dạng, dung lượng thời gian trung bình 2 - 2h30. Nhưng dưới góc nhìn của NSƯT Lê Nguyên Đạt, cải lương cần có những sáng tạo mới. Vì vậy, anh thường chọn những kịch bản rất ít nhân vật, có dung lượng thời gian trung bình từ 60 - 90 phút. Nội dung các vở xoáy sâu hoặc phảng phất hơi thở thời đại, dù là đề tài lịch sử, dân gian hay xã hội đương đại.
Nói về điều này, NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Với thể nghiệm này chúng tôi khó tìm kịch bản và khó chọn diễn viên. Tính hiện đại trong tuồng đòi hỏi ê-kíp phải vất vả hơn trong sáng tạo. Ngược lại nó đòi hỏi nghệ sĩ phải nâng cao tay nghề, tính chi tiết và chân thật, thách thức tìm kiếm chủ đề tư tưởng hay và có ý nghĩa. Chúng tôi đã quyết định đi trên con đường riêng đầy gian nan nhưng quyết tâm đi đến cùng”.
Anh nói thêm: “Chưa biết thành công hay không nhưng chúng tôi hy vọng sẽ giúp người làm nghề và khán giả yêu sân khấu có cách nhìn và cách nghĩ khác về cải lương đương đại có tính chất thể nghiệm. Theo thời gian, khán giả dần nhận biết phong cách Sen Việt, dĩ nhiên có sự chọn lọc đối tượng khán giả”.
Thực ra, cải lương vốn dĩ là sự cải tiến và cập nhật từ đời sống đương đại. Tiền thân của cải lương là đờn ca tài tử với sàn diễn là khoảng đất trống trong làng hay sân đình. Lúc này nghệ nhân chỉ đàn và hát chứ chưa có tuồng tích và diễn xuất. Theo thời gian, họ đã sáng tạo nâng cấp lên thành kịch hát với một kịch bản lớp lang, người hát biết diễn xuất và hóa thân vào các nhân vật. Lúc đầu chỉ hát tích xưa của Trung Hoa. Dần dà, các thầy tuồng đã mượn câu chuyện lịch sử Việt Nam để dựng tuồng cổ, hay là viết tuồng xã hội tân tiến. Rồi, vào thập niên 1960, tại Sài Gòn phim kiếm hiệp Hong Kong áp đảo rạp chiếu bóng khiến cải lương bị cạnh tranh gay gắt. Nhiều đoàn đã sáng chế ra tuồng kiếm hiệp với kỹ thuật bay trên không đẹp mắt, đánh kiếm điêu luyện.
Điều này cho thấy, cải lương không có một sự giới hạn trong khuôn mẫu cố định mà luôn biến đổi. Tất cả mọi thể nghiệm đều có cơ hội nhưng quan trọng là nó có được khán giả đón nhận hay không.
Bến đỗ cho người trẻ
Trước khi trở thành một người thầy, một ông bầu, NSƯT Lê Nguyên Đạt từng là kép hát. Anh đã đi qua rất nhiều đoàn khác nhau trong cảnh thiếu thốn và khó khăn, bởi vì, giai đoạn ấy cải lương đã thoái trào. Chính vì vậy, anh hiểu rõ khát khao của những sinh viên trẻ luôn cần đất để dụng võ. Tại khoa Kịch hát dân tộc, mỗi khi phát hiện ra nhân tố tìm năng, anh lập tức tạo điều kiện để các bạn phát huy. Lý do: Ngày nay số lượng các bạn trẻ theo học cải lương rất ít ỏi.
Và Huỳnh Thanh Khang là một trong số đó. Ở Khang có một niềm đam mê cải lương cháy bổng, Khang đã từng tình nguyện phụ việc cho nhiều đạo diễn cải lương thành danh, nên đã quyết định dựng cải lương cho bài thi tốt nghiệp của mình. Vì khả năng tài chính có giới hạn, nhưng có sự sáng tạo và tìm tòi nên Khang đã quyết định theo phong cách cải lương thể nghiệm.
- Nghệ sĩ bán vé cải lương: Không van xin lòng thương hại
- Quanh quẩn 'cơn khát' kịch bản cải lương
- Nhà hát Trần Hữu Trang: Đa dạng cải lương để tìm khán giả
Vở Ai là thủ phạm (kịch bản: Thanh Hoàng, chuyển thể cải lương Nguyên Phương) là câu chuyện xảy ra giữa 3 người. Khang đã thể hiện tốt qua cách dựng tình huống kịch, sử dụng cảnh trí có ý nghĩa chuyển tải thông điệp, dù tối giản. Trong vòng 90 phút, 3 nhân vật của Khang đã khiến người xem suy nghĩ nhiều về giá trị hạnh phúc và ý nghĩa của hai từ gia đình. Ông bầu Lê Nguyên Đạt đã quyết định chọn vở này bán vé phục vụ khán giả mê cải lương tại sân khấu Sen Việt vì anh nhận thấy nó có thể chinh phục được người xem. Đây là đầu ra tuyệt vời cho một đạo diễn sân khấu, bởi thực tế, có rất nhiều đạo diễn tốt nghiệp nhiều năm vẫn loay hoay chưa tìm thấy cơ hội.
Lê Nguyên Đạt tin rằng khi các bạn trẻ được va đập với thực tế liên tục và thường xuyên, đó là cách hay giúp họ trưởng thành. Ngay cả diễn viên giàu kinh nghiệm như Lê Trung Thảo khi cộng tác với Lê Nguyên Đạt qua vở Nhật thực cũng tạo nên đột phá nhất định trong diễn xuất.
Cải lương đang hấp hối là điều đã, đang và sẽ tiếp tục được nhắc đến. Nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều ý kiến được nêu ra nhưng không có nhiều ý tưởng được biến thành thực tế để đảo ngược nỗi lo này. Vì vậy, thử nghiệm của Lê Nguyên Đạt rất đáng được khích lệ - cho dù, nhiều năm qua anh vẫn móc tiền túi bù lỗ cải lương.
Nguyễn Huy