Cái giá của thu nhập cao: Chẳng có thời gian tiêu tiền vì sức khỏe và thời gian đã bị vắt kiệt ở nơi làm việc
Mức lương cao là ước mơ của nhiều dân văn phòng. Thế nhưng, để có thu nhập tốt, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, bao gồm cả sức khỏe, tinh thần và cuộc sống riêng tư hàng ngày.
Những ông hoàng đội lốt "xác sống" nơi công sở
Trong những năm làm nghề, nhà báo Sarah O'Connor của Financial Times từng nhiều lần nghe các câu chuyện buồn phiền nơi công sở. Nhất là sự bất mãn về lương hay thời gian nghỉ ngơi, chế độ đãi ngộ từ công ty.
Nếu trước đây, cô thường chỉ dành phần lớn thời gian để lắng nghe lời phàn nàn, than thở từ những tài xế lái xe chở hàng nặng (HGV), nhân viên giao hàng, nhân viên y tế, công nhân nhà máy hay người dọn dẹp văn phòng. Nữ nhà báo chưa từng nghĩ những luật sư hay nhân viên ngân hàng với mức lương cao cũng mệt mỏi đến vậy.
Có thể nói, trong 2 thế kỷ qua, người thu nhập thấp thường phải làm việc nhiều giờ và vất vả hơn so với người thu nhập cao. Nhưng giờ đây, khái niệm này không còn đúng.
Chẳng hạn như trường hợp của Ruwan Subasinghe. Anh cho biết, khi còn là luật sư tập sự tại một trong những công ty lớn nhất London (Anh), Subasinghe luôn làm việc quá sức, có lần ở lì văn phòng đến 3 ngày. Gầm bàn làm việc là nơi mà Subasinghe và đồng nghiệp chợp mắt. Tuy vậy, họ bị công ty yêu cầu phải đặt điện thoại lên ngực để có thể cảm nhận được tiếng rung khi có ai gọi đến.
"Đối với tôi, người được trả lương cao vẫn gặp những vấn đề trầm trọng như người làm công việc tay chân. Chúng ta nên mong đợi rằng bất kỳ nơi làm việc nào cũng sẽ tuân thủ luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động hiện hành, bất kể họ trả mức lương thế nào. Đối với tôi, mối quan tâm lớn nhất trong công việc là an toàn và sức khỏe nghề nghiệp", anh nói.
Theo Bloomberg, mức lương 4 tỷ đồng/ năm là con số nhiều nhân viên ngân hàng ao ước có được. Và đó cũng là mức lương lý tưởng với nhiều ngành nghề.
Thế nhưng tại Mỹ, các nhân viên ngân hàng cảm thấy mệt mỏi và "khó chịu".
Mỗi sáng mở mắt dậy, anh Maninder Sachdeva đã cầm điện thoại lên và đọc email. Anh nhanh chóng bật dậy, đến chiếc bàn nhỏ cạnh giường và bắt đầu ngày làm việc của mình. Anh Sachdeva là một chuyên viên phân tích mới của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase & Co. Năm 2021, anh phải làm việc tại nhà do dịch Covid-19 bùng phát.
Ngày làm việc của anh Sachdeva kéo dài tới 16 tiếng. Anh bắt đầu bằng việc trả lời email, ghi danh sách việc cần làm và gọi điện cho đồng nghiệp. Những người như anh Sachdeva được gọi là Thế hệ P Phố Wall, chữ P trong "Pandemic", nghĩa là đại dịch. Nếu đủ thông minh và may mắn, một ngày nào đó, họ có thể bước chân vào giới tinh hoa. Nhưng giờ đây, những gì anh Sachdeva và các đồng nghiệp nhận được là những giờ làm việc điên cuồng, kiệt quệ về sức khỏe tinh thần và vật chất.
Một cuộc khảo sát nội bộ hồi tháng 2 với 13 chuyên viên phân tích đầu tư của Goldman Sachs cho thấy bức tranh vô cùng u ám về môi trường làm việc tại ngân hàng khổng lồ này.
Hơn 10 chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs than thở rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm và bị lạm dụng ở nơi làm việc. Đa số thừa nhận sức khỏe tinh thần của họ tệ đi đáng kể sau khi vào làm việc tại ngân hàng.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Resolution Foundation (Anh), 1/10 nam giới có lương theo giờ cao nhất hiện phải làm việc nhiều hơn trung bình 7 giờ một tuần so với 1/10 nam giới được trả lương theo giờ thấp nhất. Trong khi đó, đối với phụ nữ, khoảng cách này là 10 giờ/tuần.
Ngoài ra, theo một tài liệu FT Big Read về chủ đề này, có không ít lý do khiến nhân sự trong các lĩnh vực lương cao như luật, ngân hàng phải làm việc nhiều hơn, thậm chí lên tới 1.900 đến 2.200 giờ một năm.
Tiền bạc đôi khi không phải là tất cả
Ban đầu, tuy biết tính chất công việc là vậy, nhiều người vẫn lựa chọn làm công việc này để đổi lấy mức lương cao và những mối quan hệ tiềm năng. Song, mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình làm việc không phải ai cũng lường trước được.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2021 của Tổ chức LawCare trên 1.700 chuyên gia pháp lý ở Anh và Ireland, 69% người được hỏi cho biết đã gặp vấn đề về tâm lý trong năm trước đó. Trong đó, 1/3 những người được hỏi chỉ ngủ 6 tiếng, hoặc ít hơn vào mỗi đêm.
Năm 2021, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO kết luận rằng làm việc 55 giờ trở lên mỗi tuần sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với làm việc 40 giờ một tuần.
Cơ thể con người sẽ suy sụp khi phải làm việc quá nhiều, bất kể trong thời gian đó họ được trả bao nhiêu tiền.
Theo Tiến sĩ Sarah O'Connor, đây chính là một lời nhắc nhở cho các lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động rằng mức lương cao sẽ không thể khắc phục được mọi thứ.
Ví dụ, sự thiếu hụt tài xế HGV đã khiến nhiều người cho rằng chỉ cần tăng lương là sẽ thu hút được nhân lực. Trả lương thấp là một phần của vấn đề, nhưng người lái xe không chỉ muốn tiền bạc. Họ muốn một công việc không còn kiệt sức quá độ và có thể dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống gia đình.
Nữ văn phòng người Việt tiết lộ “3 không” trái ngược trong giới công sở Việt và Bỉ, cùng thói quen đeo kính râm trong lúc ăn trưa