Nữ văn phòng người Việt tiết lộ “3 không” trái ngược trong giới công sở Việt và Bỉ, cùng thói quen đeo kính râm trong lúc ăn trưa
Trò chuyện với chị Nga Đồng (đồng sáng lập công ty Ôm Project tại Việt Nam và là thạc sĩ ngành Global Supply Chain Management) về những khác biệt thú vị khi chị từng làm việc ở Việt Nam và hiện tại đang là Procurement Global Category Manager (tạm dịch là Nhà quản lý danh mục toàn cầu) tại một công ty đa quốc gia ở Bỉ.
Chị chia sẻ ở công ty đa quốc gia nói chung có khá nhiều "luật ngầm" và "cú sốc" trong giới công sở khác với Việt Nam chẳng hạn như ôm hôn chào từng đồng nghiệp để thể hiện sự dễ mến, có hơn 30 ngày nghỉ một năm và đặc biệt những thói quen thành "văn hoá" của dân văn phòng Việt từ lâu thì ở đây hiếm khi thấy.
Không có team building
Team building có lẽ là một trong những hoạt động nội bộ không thể không có để gắn kết nhân sự - theo quan điểm của nhiều người quản lý.
Ở Việt Nam, có bộ phận dân văn phòng phấn khởi đợi kì team building đến, vì đây sẽ là chuyến nghỉ dưỡng xả hơi sau nhiều ngày làm, tâm tình vui chơi cùng đồng đội. Cũng có bộ phận lại ngán ngẩm tìm lí do báo bệnh, thà rằng nhận lịch công tác còn hơn có mặt trên chuyến xe, chính vì những trò chơi éo le hay "cuộc nói chuyện bàn tròn" mang tính xây dựng nhưng đôi khi gây tác dụng ngược.
Chung quy, dù muốn dù không, team building vẫn là một cái tên hằng hữu nếu nói đến phần thưởng cho nhân viên.
Thế nhưng ở Bỉ, "team building" là một lý thuyết xa lạ không áp dụng trong thực hành.
Chị Nga chia sẻ, khi nghe bạn bè ở Việt Nam khoe rằng mình sắp đi team building ở Phú Quốc, Vũng Tàu, Thái Lan… chị cũng khá ghen tị. Nhưng bù lại, ở đây thay bằng "holiday bonus" (tạm dịch là: tiền thưởng cho kì nghỉ). "Khoản tiền này khoảng 92% lương/tháng. Cá nhân mình thích nhận tiền mặt hơn là đi team building, vì mình có thể đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua, chứ nếu lỡ công ty tổ chức mà đi những nơi mình đã đi nhiều hoặc không thích thì sao. Nhận tiền mặt thì mình có thể sử dụng tự do như tiết kiệm, mua sắm, du lịch,… tuỳ ý.
Team building sẽ giúp gắn kết tình đồng nghiệp, cho thấy được nhiều mặt khác của đồng nghiệp mình và giúp mọi người hiểu nhau hơn, thế nhưng không phải ai cũng thích đi chơi xa, dài ngày cùng đồng nghiệp hay thích các hoạt động của team building. Ví dụ có những người hướng nội sẽ phải "gồng" hoặc thấy "bị bắt ép đi", những người thích du lịch nghỉ dưỡng nhẹ nhàng thì sẽ không thích chơi các trò chơi về thể chất cùng với đồng nghiệp chẳng hạn."
Và nếu tại Việt Nam, dân văn phòng thường rủ nhau tụ tập ăn uống sau giờ làm, chiều tối có mặt ở hàng lẩu, hàng ốc, các quán nhậu vỉa hè… để trò chuyện, giải toả áp lực công việc… vì có chung chủ đề và nắm bắt được tuyến "drama" do làm cùng công ty. Họ sẽ càng khắng khít và tăng tần suất gặp gỡ để "tám chuyện" thì ở Bỉ, môi trường làm việc mang tính cá nhân hơn rất nhiều.
"Mọi người vẫn hay làm việc và sinh hoạt theo team, vẫn có chia sẻ về những chủ đề ngoài công việc như sở thích & gia đình nhưng họ vẫn giữ lại khá nhiều để rạch ròi giữa đời sống công sở và đời sống tư. Nó không có cảm giác gần gũi theo dạng "tình chị em trong nhà" như cách đồng nghiệp ở Việt Nam thường đối xử với nhau.
Đặc biệt, Bỉ có "ngày hội" tụ tập sau giờ làm vào tối thứ 5 hàng tuần, xuống phố là mọi thứ nhộn nhịp tưng bừng khác mọi ngày, dẫu sáng thứ 6 có đi làm đi chăng nữa. Vì cuối tuần mọi người thường dành cho gia đình thế nên hầu hết các quán bar ở đây sẽ luôn nhộn nhịp nhất vào tối thứ 5. Thậm chí có những quảng trường lớn (ví dụ như Place du Luxembourg ngay phía trước Nghị viện Châu Âu) sẽ biến thành một chiếc bar ngoài trời."
Không có văn hoá chạy deadline ở quán cà phê
"Hồi ở Việt Nam thì lúc nào mình cũng thích ra cà phê ngồi 24h để làm việc, chạy deadline khi còn là sinh viên nhưng khi qua Châu Âu thì chuyện đó là bất khả thi. Bởi vì chưa tới 7h tối các quán cà phê đã đóng cửa im ỉm. Nếu không đóng cửa thì chúng cũng biến thành quán bar bán những đồ uống có cồn hoặc là nước ngọt đóng chai mà thôi.
Và ở bên đây cũng không có "văn hoá cày deadline" ở quán cà phê suốt từ sáng đến tối."
Chị Nga cho hay ngoài lí do người ta không uống cà phê vào chiều tối vì sợ khó ngủ thì điều này cũng xuất phát từ quan niệm "work-life balance."
Vốn từng là người mang đậm thói quen công sở Việt, khi được hỏi điều này có gây trở ngại gì trong chuyện muốn thay đổi không gian, tâm trạng làm việc không, chị chia sẻ: "Vì tính chất công việc của mình cần họp với đồng nghiệp ở nước khác nên rất cần một không gian phù hợp để nói chuyện. Thế nên quán cà phê chưa bao giờ là lựa chọn ưu tiên của mình vì khá đông người, ồn ào, có nguy cơ để lộ thông tin ra xung quanh. Thường thì mình sẽ ở nhà, book một phòng làm việc riêng trên công ty hoặc tìm những không gian làm việc mở trong thành phố."
Không ngủ trưa và thói quen ăn trưa kì lạ
Thông tin dân công sở phương Tây không ngủ trưa thì chẳng mới nữa. Thế nhưng họ có một sở thích khá kì lạ là bươn ra nắng ngồi ăn trưa và… đeo kính râm.
Chị Nga Đồng chia sẻ: "Có một điều mãi đến bây giờ mình vẫn chưa quen đó là đồng nghiệp của mình rất thích đeo kính râm ngồi ăn dưới nắng khi tiết trời se lạnh. Dù ngồi dưới nắng sẽ ấm hơn và là cơ hội tốt để hấp thụ vitamin D vào mùa đông (do buổi ngày khá ngắn) nhưng ngồi ăn đến 30-40 phút dưới nắng mình không thể thoải mái như vậy được. Vì gió trời mùa đông nhưng ngồi lâu như vậy mình cảm giác da như lửa đốt, cháy nắng mà người thì lại lạnh. Nên mỗi lần được rủ ra khu vực ngoài trời ăn, ngoài mang kính râm như họ, mình còn có cả khăn choàng, vừa ăn vừa tránh nắng, tránh khí lạnh."
Giống đồng nghiệp, chị cũng không ngủ trưa, và song song còn đang vận hành công ty Ôm Project về các sản phẩm theo đuổi cuộc sống xanh tại Việt Nam. Có thể hình dung cuộc sống rất bận rộn và sức khoẻ có thể bị ảnh hưởng nhưng chị Nga có một bí quyết làm việc cực kỳ khoa học.
"Sau khi ăn mình thường ngồi cà phê trò chuyện, đi dạo hoặc vào phòng thiền để ngồi tịnh tâm khoảng 15 phút trước khi vào ca chiều. Và cách để mình quản lý nhân sự từ xa, sắp xếp thời gian, các công việc là:
Thứ nhất, mình tận dụng ngày cuối tuần và buổi tối sau giờ làm việc chính để làm thêm những việc riêng mà mình yêu thích bằng phương pháp "time blocking technique (chia thời gian thành các khoảng cố định dành cho từng đầu việc). Thứ hai, mình xây dựng "Action Tracker" để cả team theo dõi công việc dễ dàng và rõ ràng. Cuối cùng, nói "không" với công việc trên công ty sau giờ hành chính."