Cái giá của ngôi sao
(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi sao truyền thông Nguyễn Công Phượng vừa bị CLB Incheon United thanh lý hợp đồng với lý do thuần tuý chuyên môn. Đây là cái kết không mong đợi với cá nhân tiền đạo người Nghệ An, với đội bóng chủ quản HAGL và với cả bóng đá Việt Nam vốn không có truyền thống xuất khẩu cầu thủ. Phải nói rằng, ở lần thứ 2 xuất ngoại, Phượng đem theo rất nhiều kỳ vọng để xoá “dớp”.
Phượng đã không thể thích nghi và không thể hiện được khả năng ở Incheon United. Đấy là thừa nhận của HLV đội bóng đang chơi tại K-League 1.
Công Phượng, Xuân Trường, Đặng Văn Lâm... về cơ bản đã không mấy thành công tại nước ngoài, sau gần nửa năm chuyển đến thi đấu tại Hàn Quốc và Thái Lan. Nhưng những thông tin về họ vẫn nhan nhản trên mặt báo ở quê nhà, từ báo chí chính thống đến các trang mạng và đặc biệt là mạng xã hội.
Đơn giản, bởi họ là những ngôi-sao-truyền-thông. Một thông tin về họ kéo theo hàng chục ngàn, thậm chí cả triệu view. Và đương nhiên, kèm theo đó là các bản hợp đồng quảng cáo...
Giá trị thương mại của cầu thủ ngôi sao bây giờ được ý thức rất rõ ràng. Ví như một cầu thủ như Công Phượng, mỗi lần dự sự kiện, check-in, viết review sản phẩm..., có giá không dưới 150 triệu đồng. Thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Quang Hải..., cũng có giá tương đương.
Đến ngay một cầu thủ đã giải nghệ, nhưng vẫn còn giữ được độ hot là Lê Công Vinh, cũng có giá không dưới 5.000 USD, đấy là chỗ quen biết. Về cơ bản, đấy là những tín hiệu đáng mừng và nó đến từ thành tích trên sân cỏ, sau đó là công nghệ “lăng-xê”.
Nhưng đáng ra, các cầu thủ phải ý thức được rằng, công việc của họ là đá bóng và đá thật hay. Lê Công Vinh, cầu thủ duy nhất của Việt Nam đạt đến tầm ngôi sao đúng nghĩa thời còn thi đấu, từng chia sẻ rằng, anh đã phải nỗ lực hơn 100% khả năng của mình để duy trì, cải thiện lối chơi, trong nhiều năm liền.
Khi chơi bóng ở nước ngoài, Bồ Đào Nha và Nhật Bản, Vinh không có người thân ở cạnh, cũng không có người đại diện để định hướng truyền thông hay hỗ trợ. “Tôi phải tự thân vận động và nhờ đó tôi trưởng thành”, Vinh nói.
Trong một phát biểu gần đây, cựu thần đồng bóng đá Anh, Wayne Rooney, đã nói đại ý rằng, một cầu thủ có thể đăng Instagram hay Facebook, sau khi đội bóng của họ thua trận, thì quá tồi tệ.
“Nếu có vấn đề gì, bị CĐV la ó hay đại loại thế, họ đã có ngay người đại diện và công ty truyền thông đứng phía sau để đổ thừa. Tức là thay vì phải đau khổ khi mình chơi không tốt, khi đội bóng thất bại, thì họ lại quên rất nhanh”, Rooney chia sẻ. Và đấy cũng là vấn đề chung của cầu thủ ngôi sao Việt Nam và truyền thông Việt Nam.
Chia sẻ là chuyện tốt, nhưng lạm dụng hình ảnh để khai thác các giá trị thương mại, hoàn toàn không có lợi cho phong độ ở trên sân. Nói thẳng là một vài người trong số chúng ta quá dễ dãi và nuông chiều các cầu thủ. Điều đó khiến cho họ không toàn tâm toàn ý vào công việc đá bóng, xao nhãng và đánh mất phong độ rất nhanh.
Trở lại với chuyện của Công Phượng, Xuân Trường và một vài cái tên khác bị cho là thiếu thuyết phục trong lần tập trung chuẩn bị King’s Cup tại Thái Lan tới đây. Nhiều người thậm chí đã ngồi dự bị và nhiều tháng không chơi một trận đấu chính thức vẫn lên ĐTQG.
Đó không đơn thuần là vấn đề riêng của ông Park, mà liên quan đến rất nhiều khâu, rất nhiều mắt xích. Giữa chuyên môn và vấn đề thương mại của đội tuyển, của cầu thủ, đôi khi là 50/50. Và điều đó là rất nguy hiểm cho đội bóng.
Công Phượng không có lỗi gì cả, anh cũng không chểnh mảng đến độ là tác nhân của chính việc bị Incheon United đào thải. Nhưng đội bóng của Phượng và bộ phận quản lý cầu thủ này, một số khác ăn theo anh, thì không nên nói là vô can.
Tuy nhiên, nếu lại viện cớ mà đổ bởi-tại-thì-là-mà, thì Công Phượng cũng chính là đối tượng mà Wayne Rooney đề cập tới. Và anh sẽ không bao giờ lấy lại được khả năng chơi bóng tốt nhất của mình. Công Phượng cũng không còn trẻ và ở tuổi của anh, Thành Lương và Công Vinh đã có ít nhất 2 Quả bóng vàng Việt Nam.
Nếu Phượng cần xin lời khuyên từ ai đó, không ai xứng đáng cho lời khuyên hơn đàn anh - đồng hương Lê Công Vinh.
Tùy Phong