Cách mạng công tác trọng tài từ đâu?
(Thethaovanhoa.vn) - Việc VPF quyết định ngưng hợp tác với 2 trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư và cả giám sát trọng tài Dương Văn Hiền ngay trước thềm Đại hội VFF càng chứng tỏ việc cải tổ công tác trọng tài đang trở nên cấp bách. Nhưng hành động nhận được sự ủng hộ của VPF ngay lập tức nhận được sự đáp trả của Ban trọng tài, khiến cho mọi việc thêm rối bời.
- Cầu thủ Khánh Hòa bị xử phạt vì 'chơi xấu' HAGL, bầu Tú lên tiếng về việc không mời Phó Ban trọng tài
- Phó Ban trọng tài 'phản pháo' VPF, 'đại gia' Indonesia muốn có Xuân Trường
- VPF 'tuyên chiến' với vấn nạn trọng tài
Khi nóng giận, bầu Đức từng tuyên bố rằng: “Trọng tài Việt Nam cũng không dở, giỏi là khác, tôi khẳng định đấy. Nhưng Ban trọng tài quá kém, kém từ xưa rồi. Họ không cầm trịch được nhưng thao túng hết.
Bóng đá Việt Nam bây giờ phải cho ông Mùi nghỉ và thay người khác vào làm để phát triển. Tôi cũng quyết tâm nhưng không làm được vì Ban chấp hành VFF bảo vệ ông Mùi”.
Không phải tất cả các ý của ông Phó chủ tịch VFF đều chính xác bởi sau ông Mùi thì ông Hiền đảm nhận công tác phân công trọng tài, mọi việc “vũ như cẩn”. Có điều, trọng tài chính là cái khâu yếu nhất trong bóng đá chuyện nghiệp và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân sự cố sân cỏ trong thời gian qua.
Giải quyết từ gốc
Trong quyền hạn của mình, VPF đã thẳng tay tuyên chiến với “vấn nạn tiếng còi méo” và lần này có thêm “cánh tay nối dài” là các “giám sát trọng tài”. VPF muốn tạo ra tiền lệ, bất kể việc Ban trọng tài xử lý quân như thế nào, nếu cứ để các đội bóng, khán giả phản ứng trước các sai trái của các ông vua sân cỏ là đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp này dùng quyền “quay lưng”. Đó được coi là biện pháp mạnh, đánh ngay chính là niềm kiêu hãnh nghề nghiệp của các ông vua nhưng đó không phải là cách giải quyết gốc rễ vấn nạn này. Trước hết, phải nói đây là điều chưa từng có đối với các nền bóng đá chuyên nghiệp, phải chăng đây là cách làm riêng của sân cỏ Việt Nam.
Chúng ta phải sòng phẳng nói với nhau, muốn hạn chế được tiêu cực trong công tác trọng tài phải làm đồng bộ tốt cả ba khâu: Đầu tiên là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, tiếp đến là khâu phân công, đánh giá nhận xét công tác điều hành và cuối cùng là khâu khen thưởng, kỷ luật các ông vua sân cỏ. Hiện nay, dù Ban trọng tài luôn đánh giá cao quân mình nhưng có thể nói, nhìn vào khâu nào cũng thấy có sạn.
Có lần, người ta đã tóa hỏa khi “ông chủ karaoke” tại Đà Nẵng cả đời chả đến sân lại lọt vào danh sách đào tạo trọng tài trong khi bao người vốn xuất thân từ cầu thủ, “không có cửa” đành chịu. Đã đến lúc cần có quy định về năng lực đầu vào của “nghề trọng tài”, thông qua các cuộc thi tuyển công khai để nâng cao chất lượng các ông vua sân cỏ.
Sau khi 16/21 phiếu ủng hộ ông Mùi tại vị Trưởng Ban trọng tài thì lãnh đạo VFF đưa ra phương án giao cho Phó ban Dương Văn Mùi thay thế lập danh sách phân công trọng tài trước khi trình hội đồng quyết. Nhưng vị Phó Ban này chính là giám sát trọng tài trong trận Sanna Khánh Hòa BVN - HAGL ở vòng 7 V-League 2018. VPF cho rằng ông Hiền không có báo cáo chi tiết về sai sót nghiêm trọng của trọng tài Nguyễn Văn Kiên trong tình huống "tưởng tượng" quả 11m khiến HAGL tuột chiến thắng. Năm ngoái, ông Hiền ở cương vị giám sát trọng tài cũng mắc nhiều lỗi, trong đó ầm ỹ nhất là vụ Hoàng Vũ Samson phạm lỗi bạo lực với Châu Ngọc Quang nhưng không bị phạt.
Đến giờ, với những quyết định “ngớ ngẩn” của cựu Còi vàng Nguyễn Trọng Thư đầu mùa giải người xem có quyền nghi ngờ về năng lực và danh hiệu của các trọng tài Việt Nam. Trong vòng thời gian ngắn mà trọng tài Thư liên tiếp mắc lỗi sơ đẳng xử lý bóng sau tình huống ngừng trận đấu với bóng sống để nhắc nhở, phạt thẻ cầu thủ.
Những câu hỏi khó
Khi mà chính các ông vua sân cỏ vẫn thực hiện luật "oẳn tà roằn" im lặng trước mọi “biến cố” của đồng nghiệp. Có chăng cựu còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng thỉnh thoảng lên tiếng về “những góc khuất” thì mới biết để chấn chỉnh công tác này không dễ. Hơn ai hết, chính các ông vua sân cỏ biết rõ ai trong số họ đang làm cạn kiệt niềm tin của cầu thủ, đội bóng nhưng vì “an thân” họ chấp nhận im lặng.
Chưa kể, sau quyết định của VPF thì Ban trọng tài đã phản pháo cho rằng VPF chỉ có quyền không mời làm giám sát trọng tài với ông Dương Văn Hiền chứ không được phán xét, kỷ luật lãnh đạo Ban trọng tài VFF cho thấy mọi việc không đơn giản chút nào. Sai lầm trên sân cỏ là có thật nhưng ai đứng đằng sau nó và làm thế nào để xử lý vẫn là điều không dễ.
Những sai lầm cố ý, không có ý của giới cầm còi, những pha bóng “có mùi, không có mùi” phần lớn cầu thủ biết, đội bóng biết và tất nhiên khán giả biết. Nhưng nếu VFF, VPF và Ban trọng tài thay vì ngồi với nhau từng bước củng cố nhân sự, phương pháp phối hợp để đi đến hạn chế “tiếng còi lạ” lại tranh cãi “câu chữ” khiến cho khán giả càng mất lòng tin.
Ai là người đem lại niềm tin vào sự công bằng trên sân cỏ cho cầu thủ, khán giả? Đây vẫn là câu hỏi khó mà lâu nay những nhà làm quản lý bóng đá mắc nợ người hâm mộ Việt Nam.
2. VPF quyết định ngưng hợp tác với 2 trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư cho đến hết mùa giải 2018. Ngoài ra, VPF cũng không mời cả giám sát trọng tài Dương Văn Hiền. 16. Đã có 16/21 phiếu của Ban chấp hành VFF ủng hộ ông Nguyễn Văn Mùi tại vị Trưởng Ban trọng tài của Liên đoàn, bất chấp việc ông này bị không ít ông bầu, đội bóng phản ứng. 7. Vì dính đến tiêu cực, năm 2005, trọng tài Lương Trung Việt bị kết án 7 năm tù về tội làm môi giới hối lộ. Cũng liên quan, các cựu trọng tài FIFA là Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, mỗi người 4 năm tù về tội nhận hối lộ. Bị cáo Hoàng Thế Dũng (trọng tài cấp quốc gia) bị phạt 4 năm 6 tháng. |
Đông Hùng