Các tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế bao giờ được sửa chữa?
Sau khi các tuyến cáp quang biển Việt Nam gặp sự cố, 4/5 tuyến cáp quang đã có lịch khắc phục sự cố.
Ngày 7/3, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh S1H.1 của tuyến cáp quang biển AAE-1 vừa được đối tác quốc tế thông báo.
Theo đó, việc khắc phục sự cố trên nhánh S1H.1 dự kiến sẽ được hoàn thành dự kiến vào tháng 7/2023. Sự cố trên nhánh S6 của tuyến cáp APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 22/3/2023 đến 27/3/2023.
(Ảnh minh hoạ)
Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp APG được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 12.2016. Cáp được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT, CMC và được đánh giá là tuyến cáp quang biển quốc tế góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, sau khi 1 trong 2 hướng cáp của tuyến APG được sửa xong, áp lực về lưu lượng kết nối quốc tế đối với các nhà mạng sẽ giảm được một phần.
Trong khi đó, lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản của tuyến cáp này sẽ được sửa chữa từ ngày 5/4/2023 đến 9/4/2023.
Với AAG, tuyến cáp biển này dự kiến sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian 26/2/2023 đến ngày 15/4/2023. Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ 5/4 đến 13/4/2023.
Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, thời gian sửa chữa, khắc phục các sự cố cáp biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả thời tiết, loại lỗi và vị trí cáp; có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng.
(Ảnh minh hoạ)
Trước đó, 4 tuyến cáp quang quốc tế AAD, APG, AAE-1, IA cũng liên tục gặp sự cố ( hai tuyến AAG và APG đã mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 chỉ còn một phần hoạt động).
Sau khi xảy ra sự cố tuyến cáp quang biển IA ngày 28/1, các nhà mạng tại Việt Nam cho biết họ đã nhanh chóng lên các phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ cấp cho khách hàng.
Dẫu vậy, khi sự cố xảy ra đồng thời trên cả 4/5 hệ thống cáp quang biển, việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam cũng có phần bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim…