Các ngôi sao K-pop "hút" nhà đầu tư ngoại vào Hàn Quốc
Những ngôi sao K-pop đình đám nhất như hiện tượng toàn cầu BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng và tạo ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, dù các công ty đứng sau đã bắt đầu bộc lộ các vấn đề về quản lý, gây rủi ro khiến các nhà đầu tư chùn bước.
Sức hút của BTS có thể được thấy trong tháng Sáu vừa qua, khi thành viên đầu tiên của nhóm là Jin đã gặp gỡ 4.000 người hâm mộ cuồng nhiệt tại Nhà thi đấu Jamsil ở trung tâm Seoul một ngày sau khi xuất ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong 18 tháng.
Ảnh hưởng về mặt kinh tế của BTS là rất lớn. Năm 2019, Viện Nghiên cứu Hyundai ước tính con số trung bình là 5.560 tỷ won (khoảng 4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) mỗi năm. Số tiền này không chỉ bao gồm vé các buổi hòa nhạc và việc bán các sản phẩm, mà còn từ việc xuất khẩu mỹ phẩm và trang phục gia tăng cùng với lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc nhiều hơn.
Một ví dụ là doanh số bán loại nước ngọt có vị kem Milkis mà các thành viên BTS sử dụng tăng mạnh cả trong vào ngoài nước, đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.
Hiện các thành viên BTS đã nhập ngũ và việc họ giải ngũ có thể trở thành những sự kiện lớn như những gì diễn ra với Jin, nhờ đó thúc đẩy chi tiêu của người hâm mộ. 6 thành viên khác của nhóm dự kiến sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào cuối năm 2025.
Hybe, công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc và là công ty quản lý BTS, chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi niêm yết vào tháng 10/2020, với mức đỉnh cao gấp 2,5 lần giá chào bán.
Đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 20% cổ phần của Hybe tính đến giữa tháng 7/2024, so với mức chỉ 3% vào thời điểm niêm yết.
Các công ty giải trí như SM Entertainment và JYP Entertainment cũng đã niêm yết cổ phiếu.
Tuy nhiên, các sự kiện gần đây đã cho thấy các công ty này cần quan tâm hơn đến vấn đề quản trị.
Hồi tháng 4/2024, Hybe vướng vào tranh cãi với nhà sản xuất Min Hee-jin, Giám đốc điều hành ADOR, công ty quản lý nhóm NewJeans do Hybe rót vốn.