Các fan Taylor Swift đi kiện: 'Con ngựa thành Troy' trong cuộc chiến chống độc quyền
Đầu tuần này, hàng loạt người hâm mộ Taylor Swift đã đổ về Los Angeles để làm chứng chống lại công ty bán vé hòa nhạc Eras - Ticketmaster - trong cuộc chiến được ví như giữa gã tí hon và tên khổng lồ.
Được truyền cảm hứng từ người hâm mộ Taylor Swift, người hâm mộ Beyonce và BTS cũng đã sẵn sàng đối đầu với tập đoàn bán vé hàng đầu này.
Kiên cường đứng lên
Hàng tá người hâm mộ buồn bực khắp nước Mỹ đã đổ về trung tâm Los Angeles để làm chứng trong vụ kiện dân sự liên bang chống lại Ticketmaster, được đệ trình tại Los Angeles hồi tháng 12 năm ngoái. Hơn 300 nguyên đơn đã cáo buộc Live Nation Entertainment, công ty mẹ của Ticketmaster, gian lận, ấn định giá, vi phạm luật chống độc quyền và lừa dối người mua trong đợt bán vé trước cho chuyến lưu diễn Eras Tour của siêu sao nhạc pop Taylor Swift.
Sau phiên điều trần, người hâm mộ đã tụ tập ở thềm tòa án liên bang để biểu tình, cầm những biểu bảng tự chế với lời lẽ nhắm vào Ticketmaster. "Chúng tôi tạm ngừng mọi thứ chỉ để tới đây. Hãy kiên cường đứng lên" - nguyên đơn Penny Harrison, người bay từ Washington với cô con gái 16 tuổi, khẳng khái - "Chúng tôi không muốn cầu may nữa. Chúng tôi muốn có 1 cuộc cạnh tranh vé lành mạnh". Cô mang tới tấm biển viết "Are You Ready For It!" (Các người đã sẵn sàng chưa, dựa theo tiêu đề 1 ca khúc của Swift) xuyên qua trái tim với chữ "Ticketmaster" và "Live Nation" viết ở 2 nửa tim vỡ.
Harrison nằm trong số hàng ngàn người hồi tháng 11 đã cố gắng mua vé Eras thông qua cổng bán trước của Ticketmaster cho mình cùng 3 đứa con - đều là các Swifties (fan của Swift) - và ra về trắng tay.
Hệ thống bán trước cho Eras đã bị sập. Công ty đổ lỗi cho vấn đề này là bởi "số lượng tấn công choáng váng của bot (chương trình máy tính tự động) cũng như những người hâm mộ không có mã thư mời". Sự cố khiến nhiều "người hâm mộ đã được xác minh" cũng không mua được vé. Ngày hôm sau, công ty cũng hủy bỏ buổi bán vé công khai.
Vào ngày bán vé đó, Harrison đã phải nghỉ làm và hủy cuộc hẹn với bác sĩ để dán mắt vào máy tính nhiều giờ. Sau khi trang web bị sập, cô thử lại vào ngày hôm sau. Thẻ ngân hàng của cô bị từ chối vì giá cao khiến họ cho đó là hành vi lừa đảo. Harrison thậm chí phải mượn thẻ tín dụng từ người lạ ngồi bên. Vẫn không gặp may!
Cassandra Diamond, 1 nguyên đơn khác, cũng nghỉ làm để lái xe tới nghe phiên điều trần đầu tuần này. Là người hâm mộ Swift từ những ngày đầu, Diamond đã tiết kiệm 500 USD để có thể gặp thần tượng trong đêm diễn tại Inglewood. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.
"Tôi ở đây vì Taylor (Swift) muốn chúng tôi được xem hòa nhạc của cô với giá từ 50 tới 500 USD. Vì vậy, không có lý do gì mà chúng tôi lại phải trả hơn thế quá nhiều" - cô nói, trên tay cầm tấm biển "Những đồng xu của chúng tôi làm nên vương miện của các người".
Tại phiên tòa đầu tuần này, hơn 30 nguyên đơn, bao gồm 25 người tham gia trực tuyến, đã lên tiếng. Các nguyên đơn đang yêu cầu phía Ticketmaster bồi thường cho mỗi người ít nhất 2.500 USD, nhưng mục tiêu chính là để phá vỡ cái họ gọi là sự độc quyền của Live Nation Entertainment đối với ngành giải trí và giúp người hâm mộ bình thường cơ hội mua vé tốt hơn.
Thực tế, Live Nation và Ticketmaster sáp nhập vào năm 2010 - một thỏa thuận làm dấy lên lo ngại về độc quyền. Công ty đang bị Bộ Tư pháp điều tra vì có thể vi phạm luật chống độc quyền.
Vì một thế hệ tương lai
Jennifer Anne Kinder, tới từ Dallas, là luật sư chính của các nguyên đơn, cho biết cô không dự định khởi tố tập thể vì cảm thấy các phiên xét xử riêng lẻ sẽ có hiệu quả hơn trong việc thay đổi. "Ticketmaster cần bị kiện đi kiện lại mỗi lần bán vé" - cô nói.
Là 1 Swifties, cũng từng nỗ lực mà không mua được vé vào mùa Thu năm ngoái, cô hi vọng vụ kiện sẽ tiết lộ dữ liệu pháp lý liên quan tới vụ sập mạng của Ticketmaster. "Chúng tôi muốn tất cả các dữ liệu pháp lý về ngày hôm đó, không chỉ những gì xảy ra với các nguyên đơn mà cả cách các bot xâm nhập, phần mềm gián điệp nào được sử dụng để ngăn cả chúng, hay việc tại sao nền tảng không đủ lớn để chứa tất cả người dùng" - Kinder nói.
Kinder cũng sẽ tranh luận rằng đây là 1 vụ lừa đảo bởi cô tin Ticketmaster đã cho phép trang web "đầu cơ" thứ cấp của bên thứ ba và bot - đóng vai trò là đại lý cho các trang đầu cơ - mua vé. Những vé này sau đó được bán với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá gốc. Kinder hi vọng vụ việc sẽ như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn: cô cho biết đã có những nguyên đơn là người hâm mộ Beyonce và BTS chờ tới lượt hành động.
Từng là người ủng hộ phong trào "Giải phóng Britney" trước đó, Carlson - một trong 3 luật sư phụ trách vụ kiện - gọi cơn thịnh nộ của các Swifties đối với Ticketmaster là "con ngựa thành Troy" để chống việc kiểm soát ngành công nghiệp nhạc sống của các tập đoàn lớn. Cô cho rằng các tập đoàn dựa trên khái niệm đẳng cấp, ngăn những người có thu nhập thấp mua vé và khiến những nghệ sĩ mới nổi - những người có nguồn kinh phí hạn chế - có ít sự lựa chọn ngoài những gã khổng lồ giải trí.
Thất bại trong đợt mở bán trước đây, Harrison cuối cùng cũng kiếm được 2 vé của Eras trong điểm dừng ở Philadelphia. "Nhưng cuộc chiến là về những người không thể mua vé và vì thế hệ người hâm mộ tương lai", cô vừa nói vừa chỉ vào con gái mình.
Và ngay cả khi kiếm được cặp vé, nó vẫn không thể mang tới niềm vui trọn vẹn cho nhà Harrison. "Tôi có 3 đứa con. Tôi biết nói với đứa nào rằng nó không thể vào hòa nhạc đây?" - cô hỏi. Cô cùng với 1 đứa con sẽ phải tự tìm niềm vui ngoài bãi đậu xe. "Tôi sẽ nhảy ngoài này" - Harrison nói - "Và khóc trong lòng".
Taylor Swift phẫn nộ
Trước việc quân đoàn Swifties trắng tay ra về, và một số còn mất tiền, trong khi bất lực nhìn vé xuất hiện trên các trang web bán hàng thứ cấp với giá cao ngất ngưởng (lên tới vài chục ngàn USD), chính Taylor Swift cũng bày tỏ sự phẫn nộ. "Tôi vô cùng đau khổ khi chỉ có thể nhìn sai lầm xảy ra mà không có biện pháp khắc phục" - cô nói.