Ca sĩ Lệ Rơi và cơn 'đói khát' của truyền thông
Khi đưa những clip cây nha ̀lá vườn, hát lại những bài hit của các ca sĩ nổi tiếng lên mạng, hẳn chàng thanh niên trồng ổi ở Hải Dương tên Nguyễn Đức Hậu không bao giờ tưởng tượng tâm điểm được truyền thông săn đuổi, truy tìm như hiện nay. Chàng thanh niên chân chất, quê mùa này chia sẻ: Hát chỉ vì thích hát, hát cho vui, cho vơi đi nỗi buồn, nỗi sầu. Lệ Rơi “sản xuất” những clip ca nhạc và đưa chúng lên mạng hẳn là cũng chỉ đểcho vui. Những clip được thực hiện hoàn toàn thô mộc với một góc quay cố định.
Người hát cũng tỏ ra nghiêm túc với những lời giới thiệu, trình bày đến đầu, đến đũa. Xem những clip của Ca sĩ Lệ Rơi, có một cảm nhận chắc chắn rằng chàng thanh niên sinh năm 1987 này không hề có chút ảo tưởng nào về khả năng ca hát của bản thân, kể cả danh xưng Ca sĩ Lệ Rơi cũng chỉ là một cách tự trào. Chỉ là cuộc sống của người nông dân trồng ổi ở nông thôn khá buồn chán nên sau những giờ lao động mệt nhọc thì hát cho vui, rồi quay lại và đưa lên mạng cũng để cho vui.
Ca sĩ Lệ Rơi cũng giống như bao nhiêu người dùng mạng xã hội khác, có thể quay và đưa lên mạng bất cứ khoảnh khắc đời thường nào họ thấy thích thú, miễn sao những hình ảnh đó không phạm pháp. Lệ Rơi chỉ đang tự làm mình vui bằng những việc làm hết sức bình thường trong đời sống hiện đại, và vô tình, những việc làm đó của cậu mang đến cho nhiều người dùng mạng xã hội những phút thư giãn nên họ khích lệ cậu và chia sẻ với nhau. Một người dùng mạng xã hội chia sẻ: “Chúng tôi xem clip của Ca sĩ Lệ Rơi chỉ là để thư giãn. Cậu ấy hát dở nhưng tự tin và ngộ nghĩnh nên chúng tôi thấy vui vẻ khi xem clip, giống như đọc một câu chuyện vui thôi, chả có gì ghê gớm cả”.
Chuyện sẽ chẳng có gì ghê gớm nếu như truyền thông không nhập cuộc. Hàng chục bài báo giật tít có từ khóa “Ca sĩ Lệ Rơi” nhanh chóng ra đời với những lời lẽ tụng xưng Lệ Rơi như một hiện tượng âm nhạc. Song song với trường phái đưa Ca sĩ Lệ Rơi lên mây là những bài báo lớn tiếng xúc phạm, coi Lệ Rơi như một thảm họa âm nhạc, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, đặc biệt là trẻ em. Hàng chục phóng viên tìm về tận nhà Ca sĩ Lệ Rơi để phỏng vấn từ người nhà đến hàng xóm, chụp cận cảnh từ vườn ổi, lều trông ổi đến “phòng thu huyền thoại”, bữa ăn trưa của gia đình “ca sĩ hot nhất showbiz Việt”.
Một nhạc sĩ(xin được giấu tên) lo ngại: “Các bạn (tức báo chí-PV) nghĩ thế nào khi những đứa trẻ của bạn xem và yêu thích để rồi bắt chước hiện tượng Lệ Rơi này? Thật kinh khủng nếu như đứa trẻ xinh xắn ấy hát những giai điệu ngang như cua bò, chẳng nhịp phách gì. Và cái nguy hại hơn cả là sau đó trong nếp não của chúng sẽ luôn hình thành sự vô phép của những giai điệu, tiết tấu không chuẩn đó khi lớn lên”. Dường như nhạc sĩ này đã lo lắng thái quá khi gọi Ca sĩ Lệ Rơi là một thảm họa âm nhạc, có thể gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, đặc biệt là trẻ con. Bởi vì có lẽ ngay cả một đứa trẻ cũng hiểu rằng Ca sĩ Lệ Rơi không phải là hiện tượng âm nhạc, mà chỉ là những clip gây cười không hơn không kém. Nhưng rõ ràng, nhạc sĩ đã đúng khi đặt câu hỏi về trách nhiệm của truyền thông khi “biến một người nông dân chất phác thành một hiện tượng nghệ thuật trên thế giới nửa ảo nửa đời”.
Ca sĩ Lệ Rơi không phải làmột hiện tượng âm nhạc nhưng chắc chắn sẽ là một hiện tượng đáng xấu hổ của truyền thông. Sự săn đuổi của truyền thông đối với chàng thanh niên trồng ổi thích hát này chính làmột biểu hiện cụ thể của sự chộp giật trong cách làm báo và sự lười biếng dẫn đến đói khát đề tài và sẵn sàng vơ bèo vạt tép của báo chí. Và hơn nữa, hiện tượng Ca sĩ Lệ Rơi cũng một lần nữa cho thấy sự xấu xí của một bộ phận người Việt, luôn sẵn sàng buông lời chửi bới, xúc phạm người khác mà không cần suy nghĩ trước sau, luôn tìm cách đổ lỗi sự hư hỏng (nếu có) của con em mình cho bất cứmột ai đó ngoài kia mà quên rằng, nếu trong cuộc sống hằng ngày, bạn luôn quan tâm dạy bảo và mẫu mực làm gương cho con cái trong mọi hành vi, lời nói thì sẽ chẳng ai có thể làm hư con bạn.
Báo Văn hóa