Cà phê đầu tuần: Pep không còn nghĩ mình là thánh
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, có một thanh niên Mỹ đã mạnh dạn bỏ công việc ổn định ở một quỹ đầu tư tại New York để dấn thân vào một canh bạc điên rồ: Thành lập một trong những công ty thương mại điện tử đầu tiên trên thế giới internet.
Đấy là thời điểm internet vẫn còn rất sơ khai và hầu hết mọi người đều không hiểu nó sẽ có ích lợi gì. Chàng trai ấy về nhà xin bố mẹ tiền đầu tư, và lập trụ sở đầu tiên ở trong garage của gia đình. Bạn thử tưởng tượng nói chuyện về internet thời điểm ấy cũng giống như đi cắt nghĩa xem blockchain là gì ở thời điểm hiện tại vậy.
Chỉ cần 30%
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó vào năm 2000, chàng trai thú thật suy nghĩ của mình: "Tôi cho rằng mình và cộng sự chỉ có khoảng 30% cơ hội thành công". Anh cũng nói thật với cha mẹ mình, những người đã chấp nhận bỏ ra 250 ngàn USD để cho con trai theo đuổi giấc mơ, rằng họ có thể mất trắng số tiền ấy.
Khi nghe đến tỉ lệ thành công quá thấp ấy, mẹ anh đã lo ngại bảo con trai rằng liệu anh có thể cân nhắc đừng bỏ việc ở quỹ đầu tư được không, và hãy coi giấc mơ khởi nghiệp ấy chỉ như một việc làm thêm thôi?
Nhưng anh đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên để tập trung hết sức lực cho công ty khởi nghiệp ấy. Sau 25 năm, chàng trai ấy trở thành người giàu nhất thế giới, với một tập đoàn có giá trị vốn hóa lên đến gần 2 tỷ USD.
"Chàng trai" năm nào là Jeff Bezos, và tên của công ty được thành lập vào năm 1997 ấy là Amazon, nay đã là tập đoàn thương mại điện tử số một hành tinh.
Trong lá thư thường niên gửi cho các cổ đông vào năm 2016, Bezos phần nào giải thích về triết lý đã khiến ông trở nên liều lĩnh như thế: Trong phần lớn các trường hợp, đợi đến khi biết hết mọi thông tin cần biết mới ra quyết định thì khả năng là bạn đã để cơ hội trôi qua.
"Hầu hết các quyết định có lẽ nên được đưa ra với khoảng 70% thông tin mà bạn muốn có. Nếu bạn đợi đến 90%, khả năng cao là bạn đã chậm chân" – Bezos viết ngắn gọn. Một quyết định tốt chắc chắn không phải một quyết định cầu toàn.
Sự thay đổi của Guardiola
Cuối tháng Tư vừa qua, khi Man City cầm hòa Bayern 1-1 để vượt qua bán kết Champions League (chung cuộc City thắng 4-1), có một thống kê đáng chú ý: Đội bóng của Guardiola chỉ kiểm soát bóng khoảng 42%.
Đấy là một thay đổi quan trọng. Trước đây, nếu bước vào một trận lượt về với lợi thế dẫn trước, Pep sẽ ưu tiên hoàn toàn cho việc kiểm soát bóng. Ông muốn quả bóng phải nằm trong chân đội mình. Ông không muốn có rủi ro nào phát sinh vì để cho đối phương có cơ hội chơi bóng. Trên Allianz, Man City đã vui vẻ chơi phòng ngự phản công, chấp nhận nhường bóng cho đối thủ, và hoàn thành mục tiêu.
"Chúng tôi đã học được từ những sai lầm trong quá khứ" - Bernado Silva phát biểu sau trận bán kết. "Trước đây, chúng tôi từng nghĩ rằng mình cần phải thống trị trận đấu trong toàn bộ 90 phút, kiểm soát tốt 1/3 cuối sân phía đối thủ. Khi bạn đối đầu với Bayern, PSG, Real Madrid, Barcelona, Liverpool, bạn cần phải chấp nhận rằng đôi khi mình cần phòng ngự và kiên định. Bạn phải làm việc chăm chỉ để hạn chế cơ hội của họ".
Đấy là trận đấu Pep không còn cố gắng suy nghĩ như một vị thánh luôn muốn kiểm soát 100% số phận của mình nữa. Ông đã xếp năm cầu thủ có thể chơi trung vệ trong đội hình xuất phát, và phòng ngự như một đội bóng bình thường phải làm. Ruben Dias, Manuel Akanji, Nathan Ake, John Stone và Rodri không những tăng chất thép cho hàng thủ, mà họ đã hóa giải dễ dàng mọi quả tạt sở trường của các tiền vệ và hậu vệ cánh Bayern.
Còn nhớ vào tháng 11/2015, Bayern của Pep đè bẹp Arsenal 5-1, với tỉ lệ kiểm soát bóng lên đến 66%. Rất cao hứng, trong phòng họp báo, Pep tuyên bố: "Điều tôi thực sự mong muốn, là đam mê của tôi, là đội kiểm soát bóng được 100%". HLV người TBN cho rằng Bayern đã vận hành đạt đến độ tiệm cận hoàn hảo, nhưng thế là vẫn chưa đủ.
Trận chung kết Champions League năm nay có thể là một bước ngoặt trong cách ra quyết định của Pep. Như Bezos, ông không còn muốn kiểm soát 90-100% số phận nữa. Pep giờ đây có thể đặt cược vào những cửa có xác suất thấp hơn, nhưng khả năng thành công lại… cao hơn. Và hiểu được sự không hoàn hảo này có lẽ lại là mảnh ghép cuối cùng để Pep trở thành nhà cầm quân hoàn hảo nhất trong lịch sử.
Phạm An