Ca khúc 'Strawberry Fields Forever' của The Beatles: Vùng đất ảo giác nằm ngoài thời gian
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Thu năm 1966, sau nhiều năm điên rồ chạy theo những lịch trình, The Beatles cuối cùng cũng đi tới bước hẫng ngoài bờ vực thẳm. Ở đó, họ bắt đầu rơi. Nhưng không phải xuống đáy vực. Họ rơi vào một vùng chân không mới, nơi ảo tưởng sẽ hóa thành sự thật.
Trong vùng ảo tưởng này, John Lennon đã tìm thấy chính mình, một bản thể hoàn chỉnh bấy lâu nay bị bóp méo qua lăng kính xã hội. Bản thể này đã cất tiếng hát Strawberry Fields Forever.
Trở lại là chính mình
“Chúng ta không thể diễn mãi được” - John Lennon tuyên bố vào năm 1967 - “Tôi không thể tưởng tượng được là lý do gì có thể khiến chúng tôi tiếp tục đi lưu diễn. Tất cả chúng tôi đều quá mệt rồi. Chúng tôi chẳng thể - điều đó rõ ràng không công bằng với người hâm mộ, chúng tôi hiểu vậy, nhưng cũng chúng tôi cũng phải nghĩ cho bản thân đã”.
Ringo Starr thì nhớ lại: “Sau khi quyết định không đi diễn nữa, chúng tôi chẳng quan tâm tới gì. Chỉ vui đùa trong phòng thu, như mọi người có thể nghe thấy từ Revolver và Rubber Soul… Thay vì bị kéo khỏi phòng thu để bon bon trên đường, chúng tôi giờ có thể ở đây và thư giãn”.
“Chất lượng âm nhạc không tốt và sẽ chẳng thể cải thiện khi đi diễn” - Paul McCartney nói - “Chúng tôi nhất trí rằng trở về phòng thu có thể mang tới điều gì đó mới toanh”.
Thế là, sau buổi lưu diễn cuối ở San Francisco ngày 29/8/1966, The Beatles vĩnh viễn rút khỏi lưu diễn. Sau gần 3 tháng trở lại là “người bình thường”, họ tập hợp lại ở phòng thu EMI ở London, dành nhiều thời gian để mở rộng bảng màu âm nhạc mà không bị cản trở bởi các cam kết biểu diễn. Vì EMI sở hữu cả các phòng thu và bản thu của The Beatles, tiền phòng thu không bị trừ khỏi tiền bản quyền ban nhạc, cho phép tứ quái tha hồ nhẩn nhơ, không bị giới hạn ngân sách.
“Hồi tôi mới bước vào ngành công nghiệp âm nhạc” - nhà sản xuất George Martin nói - “mục tiêu cuối cùng của mọi người là nỗ lực tái tạo, trên bản thu, một màn biểu diễn sống càng chân thực càng tốt. Nhưng giờ, chúng tôi nhận thấy có thể làm gì đó hơn thế. Nói cách khác, phim không chỉ tái tạo vở kịch. Thế nên, không quá phô trương, chúng tôi quyết định đi vào một loại hình nghệ thuật khác, nơi chúng tôi để lại thứ không thể tái tạo”.
Với sự hồi sinh mạnh mẽ này, bước đột phá đầu tiên của The Beatles khi toàn tâm với thử nghiệm phòng thu đã mang tới thứ được vô vàn học giả ca ngợi là kiệt tác: “Quang cảnh của tâm trí, không phải của thế giới” (David Laing); “một trong những thành tựu lớn nhất của nhạc pop… một tuyệt phẩm, có lẽ là bản thu bước ngoặt của Beatles” (Chris Ingham); “âm nhạc dân gian tiến hóa một cách công nghệ” (Ian MacDonald); “một bản thu không có ngày tháng vì nó tồn tại ngoài thời gian” (John Robertson). Đó là những lời khen chính đáng cho Strawberry Fields Forever (Những cánh đồng dâu tây vĩnh cửu).
Ca khúc mở ra kỷ nguyên ảo giác của The Beatles, "Strawberry Fields Forever":
Phân tâm học dưới hình hài âm nhạc
Không có hoạt động gì với The Beatles trong gần 3 tháng, Lennon bị đạo diễn Richard Lester thuyết phục xuất hiện trong bộ phim How I Won The War, quay từ tháng 9 tới tháng 11/1966. Sau thời gian quay ở Tây Đức, họ chuyển tới loạt địa điểm khác ở Tây Ban Nha. Tại đây, khi ở chung nhà với bạn diễn Michael Crawford, Lennon đã bắt đầu viết Strawberry Fields Forever.
“Buổi tối, chúng tôi không có gì nhiều để làm ngoài chơi cờ tỷ phú” - Michael Crawford nhớ lại về quãng thời gian cùng John Lennon chia sẻ ngôi nhà tồi tàn - “John là nhân vật vô cùng bí ẩn. Không biểu lộ gì nhiều, đầy tự do. Anh ấy đang viết Strawberry Fields Forever. Anh ngồi trong phòng và luyện giai điệu trên cây guitar. Tôi nghe thấy anh chơi đi chơi lại cùng một ô nhịp cho tới khi có chuỗi đúng. Thật thú vị khi được nghe cách một ca khúc ra đời. Khi đó, tôi không hiểu sao những ca từ này tồn tại, sao anh lại viết chúng”.
Dựa theo bản demo ghi ở Almeria, Crawford có lẽ đã nghe Lennon chơi đi chơi lại phiên khúc thứ 2- phiên khúc duy nhất ông có khi đó.
“Anh ấy thường ngồi xếp bằng trên bãi biển hay trên giường” - Crawford kể tiếp - “Đó là 2 nơi có thể thấy anh với cây guitar, và rồi anh sẽ: Strawberry Fields Forever… Ô, tôi không chắc. Và tôi nói: Tuyệt quá John. Hay thật sự. Không đùa chút nào! Nghe rất hay. Và anh ấy đáp: Tôi không chắc… không chắc”.
Lennon sau này cho biết ông mất 6 tuần để viết ca khúc. Lời ca khúc được cho là lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của ông. Khi còn nhỏ, dì Mimi rất bực bội khi cậu bé John cứ chơi gần cánh đồng dâu tây. “Họ sẽ chẳng treo cổ mình vì chuyện đó đâu” - cậu bé John bướng bỉnh đáp. Nhưng trên tất cả, nó là “phân tâm học dưới dạng âm nhạc” - như Lennon nói.
“Là một nghệ sĩ, tôi luôn trong những khoảnh khắc chân thực nhất, cố gắng bày tỏ bản thân, cho thấy bản thân mình chứ không phải ai khác. Nếu ít hiểu về mình, tôi sẽ bày tỏ ít đi là vậy. Trong Strawberry Fields, tôi nói: Đừng, luôn nghĩ đó là tôi” - Lennon giải thích trong một buổi phỏng vấn năm 1970.
“Strawberry Fields là phân tâm học dưới dạng âm nhạc, thật sự. Tôi nghĩ hầu hết các phân tích chỉ là triệu chứng, nơi bạn nói về bản thân mình. Tôi không cần làm vậy vì tôi đã làm thế quá nhiều với các phóng viên. Tôi không bao giờ có thời gian cho bác sĩ tâm thần và những người đó cũng đều rạn nứt. Thay vì dồn nén cảm xúc hay nỗi đau, hãy cảm nhận nó, hơn là đẩy nó đi trong một ngày mưa. Tôi nghĩ mọi người đều bị khóa. Không ai mà tôi gặp lại không phủ đầy nỗi đau, từ thời thơ ấu, từ khi sinh ra. Tại sao chúng ta không nên khóc? Họ bảo ta ngừng khóc từ khi lên 12: Hãy là một người đàn ông. Cái quái gì vậy? Đàn ông cũng đau”.
Nói đơn giản, cánh đồng dâu không chỉ là một địa điểm có thật, nó là thiên đường mộng tưởng của Lennon, nơi ông thật sự là mình, chỉ là mình, dù điều đó thật đáng sợ khi không có ai “tương lân”.
“Thật vô cùng đáng sợ, kết nối duy nhất tôi có là đọc về Oscar Wilde hay Dylan Thomas hay Vincent Van Gogh, tất cả những cuốn sách dì tôi có, nói về nỗi đau họ có vì tầm nhìn của họ. Bởi điều họ thấy, họ bị xã hội tra tấn vì cố bộc lộ con người mình. Tôi thấy cô đơn”.
- Ban nhạc huyền thoại The Beatles trở lại với ba tác phẩm mới
- 'The Beatles Symphony': Những màu sắc khác lạ so với bản gốc
- 'Blackbird' của The Beatles: Thời khắc để cất cánh bay cao
Sau nhiều năm đắm mình trong sáng tác, Lennon cuối cùng cũng tiết lộ bí mật trong mình: “Có điều gì đó không ổn trong tôi, tôi nghĩ, bởi dường như tôi thấy những thứ người khác không thấy. Tôi nghĩ mình bị điên hoặc tự cao tự đại khi tuyên bố thấy điều người khác không thấy. Tôi luôn tâm linh, hay trực giác, hay mơ mộng, hay mọi người muốn gọi là gì thì gọi, đến nỗi tôi nhìn mọi thứ theo ảo giác. Chủ nghĩa siêu thực có ảnh hưởng lớn tới tôi, bởi vì sau đó tôi nhận ra hình ảnh trong tâm trí tôi không phải là điên, rằng nếu đó là điên, tôi thuộc về một câu lạc bộ độc quyền của những người nhìn thế giới theo góc cạnh đó. Chủ nghĩa siêu thực với tôi là một thực tế. Tầm nhìn ngoại cảnh với tôi là một thực tế”.
Đặc biệt, đây không phải là cảm giác hình thành khi lớn. Nó đã ở trong Lennon từ khi ông còn nhỏ. Thời gian chỉ giúp ông tìm ra một cái tên cho hiện tượng đó.
“Tôithấy bản thân tôi nhìn thấy hình ảnh ảo giác về khuôn mặt tôi thay đổi và trở thành vũ trụ, hoàn thiện” - Lennon nói. Một hình ảnh viên miễn, như cánh đồng dâu tây vĩnh cửu.
Bản thu âm phức tạp nhất Tương xứng với âm nhạc, Strawberry Fields Forever là bản thu phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mà The Beatles từng thử. Rất nhiều nhạc cụ, bản phối được thử trước khi định hình được ảo tưởng. Ca khúc cũng mở ra thời kỳ ảo giác hoàn toàn mới với The Beatles, thay đổi cách nhạc pop được nghe và làm ra. Strawberry Fields Forever là một ca khúc đầy đau đớn - nhưng The Beatles đã khiến nó trở thành lời mời không thể cưỡng lại. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)