BV Bạch Mai tiếp nhận nam sinh 15 tuổi bị đau quanh rốn, chướng bụng, sau thăm khám bất ngờ phát hiện ung thư đại trực tràng
Nếu như trước đây ung thư đại trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi thì hiện nay căn bệnh quái ác này đã gia tăng ở giới trẻ, thậm chí thế hệ thanh thiếu niên cũng không tránh khỏi.
Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới, phần lớn gặp ở các nước phát triển như Úc, New Zealand, các nước châu Âu, Bắc Mỹ.
Theo GLOBOCAN 2020, trên thế giới, UTĐTT đứng thứ 3 về số ca mới mắc trong tất cả các ung thư ở cả 2 giới với gần 2 triệu ca, và đứng thứ 2 về số ca tử vong với khoảng hơn 900.000 ca.
Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ mắc và tử vong do UTĐTT cao, năm 2020, số ca mới mắc và tử vong do UTĐTT đứng thứ 5 ở cả 2 giới chiếm 9% tổng số ca mới mắc các bệnh ung thư và 6,7% ca tử vong.
UTĐTT thường gặp ở người lớn tuổi, 80% các ca UTĐTT được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình mắc UTĐTT là 74. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mô hình UTĐTT theo lứa tuổi đã và đang thay đổi với tỉ lệ bệnh nhân trẻ tuổi ngày một gia tăng. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2013, tỉ lệ mắc UTĐTT ở người < 50 tuổi tăng 22%, chiếm khoảng 10% tổng số các ca mới mắc UTĐTT ở tất cả các lứa tuổi.
Điển hình như mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ca lâm sàng đặc biệt: Ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi rất hiếm gặp, được chuẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.
Cụ thể, bệnh nhân là Nguyễn X.N (15 tuổi), vào viện ngày 19/9 do bị đau bụng. Trước đó 4 ngày, nam sinh xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu trái, thành cơn, tăng dần, kèm bí trung đại tiện, bụng chướng dần, nôn, buồn nôn ít, không sốt nên được gia đình đưa vào viện thăm khám.
Qua cắt lớp vi tính ổ bụng, các bác sỹ nhận thấy các quai ruột non và khung đại tràng giãn lớn, trong có mức dịch khí, vị trí chuyển tiếp là đoạn đại tràng trái, tại vị trí này, thành đại tràng dày nhẹ.
Chẩn đoán tắc ruột/ theo dõi ung thư đại tràng trái. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, làm hậu môn nhân tạo đại tràng trái.
Nội soi đại trực tràng: Đèn soi đi đường hậu môn nhân tạo, ngay dưới hậu môn nhân tạo có khối sùi loét chiếm gần hết chu vi, phần đại trực tràng còn lại không thấy tổn thương.
Sau 10 ngày, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng trái + vét hạch; Chẩn đoán xác định: Ung thư đại tràng trái pT3N0M0.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, UTĐTT ở người bệnh trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu hơn so với nhóm người bệnh lớn tuổi. Nghiên cứu hồi cứu trên 2.460 người bệnh tại Trung Quốc của Jianfei Fu và cộng sự cho thấy UTĐTT giai đoạn III, IV theo AJCC 2017 ở người bệnh trẻ tuổi cao hơn rõ rệt nhóm cao tuổi. Theo các nghiên cứu của O'connel và Jianfei, tỷ lệ sống thêm toàn bộ ở nhóm trẻ thấp hơn nhóm lớn tuổi.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm mà chúng ta cần lưu ý bao gồm:
Chán ăn, đầy bụng: khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
Ngoài ra, người có bệnh ung thư đại trực tràng sẽ thường xuyên xuất hiện các cơn đau đáng kể ở bụng. Đau bụng được biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu ở vùng dạ dày, từ đó gây ảnh hưởng và khó chịu ở toàn bộ vùng bụng, phổ biến là mệt mỏi phờ phạc và đau bụng từng cơn.
Cân nặng giảm bất thường: Nếu cơ thể giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần trong một tuần, bạn đã mắc chứng táo bón. Tuy nhiên triệu chứng này có thể xuất hiện ở những bệnh lý đường tiêu hóa thông thường khác, tuy nhiên cũng không nên bỏ qua cảnh báo cho bệnh ung thư đại trực tràng đang xâm lấn cơ thể bạn.
Đi ngoài phân nhỏ: Đi ngoài phân nhỏ là một dấu hiệu chứng tỏ trên đường đào thải ra bên ngoài phân của bạn đã gặp phải những vật cản khác trong đường tiêu hóa làm cho hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi. Những vật cản đó có thể là các khối u đang được hình thành trong ruột kết.
Đi ngoài kèm máu: Khi phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu. Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư trực tràng, tuy nhiên có một sự trùng hợp là nhiều người sẽ nhầm lẫn triệu chứng này với các dấu hiệu của bệnh trĩ, và cuối cùng tự để bệnh phát triển quá lâu dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
Mệt mỏi và căng thẳng, chóng mặt: Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Co thắt dạ dày: Nếu những cơn co thắt đó đi kèm cảm giác đau thì có thể khối u đã đi chọc vào thành ruột và hình thành nên bệnh ung thư đại trực tràng một cách nghiêm trọng.
Hiện nay, theo các khuyến cáo trên thế giới, mốc bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng thường được khuyến cáo ở tuổi 45. Tuy nhiên, UTĐTT có xu hướng ngày càng trẻ hóa, không chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên mà có thể gặp ở cả thanh thiếu niên. Do đó, với những đối tượng nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc UTĐTT, mắc các hội chứng di truyền liên quan đến UTĐTT như hội chứng Lynch, hội chứng đa polyp tuyến gia đình,… hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ như đi ngoài phân nhầy máu, thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng kéo dài, những người bệnh này nên đi khám sàng lọc bệnh sớm.
Nghiên cứu phát hiện nhóm máu dễ mắc ung thư đại trực tràng nhất: Căn bệnh khiến 900.000 người tử vong/năm trên toàn thế giới