Bước đi trước của người Thái
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải mới chưa thực sự bắt đầu, nhưng làng cầu Việt đã sớm nóng trong những ngày đầu năm khi đội tuyển U23 chuẩn bị bước vào VCK châu Á và màn "chiêu binh, mãi mã" rầm rộ của CLB TP.HCM. Chỉ có điều, từ chính 2 điểm nóng đó, rồi nhìn sang "người hàng xóm" Thái Lan, thì e rằng bóng đá Việt vẫn đi sau... nhiều bước!
- Đối thủ của U23 Việt Nam hạ quyết tâm, 'đại gia' Nhật Bản tiếp tục săn sao Thái Lan
- Xuân Trường khác các cầu thủ Đông Nam Á, U23 Thái Lan thua sát nút Australia
- Thanh Trung mơ vô địch AFF Cup 2018, 'đại gia' Thái Lan theo đuổi Lee Nguyễn
Trong cái giá rét đến độ âm của đất Côn Sơn (Trung Quốc), U23 Việt Nam vẫn miệt mài đóng cửa, luyện quân khi VCK U23 châu Á đã cận kề. Nỗ lực của ông thầy Hàn Park Hang Seo cùng các học trò là rất đáng ghi nhận, nhưng có lẽ trước những đối thủ quá mạnh, mục tiêu thực sự của U23 Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức - gây bất ngờ mà thôi. Nó cũng giống như các đội tuyển quốc gia còn lại sẽ dự VCK châu Á trong năm nay khi mà vẫn còn khoảng cách quá lớn về chuyên môn.
Rõ ràng, chúng ta mới chỉ đang tiệm cận mặt bằng châu lục ở cấp độ trẻ, chứ không phải là năng lực chinh phục của cả nền bóng đá. Kỳ tích của lứa U19 vào năm 2016 xét công bằng cũng chỉ là sự đột biến của những cá nhân mà thôi, chứ chẳng hề là vụ gặt từ cả quá trình trồng, cấy.
Trở lại với cấp CLB. Không phải là những đại gia, mà là TPHCM - đội bóng chỉ xếp hạng 12/14 của mùa giải trước sớm rầm rộ chuẩn bị cho mùa giải mới. Đưa về sân Thống Nhất người quen cũ, cựu HLV đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura kèm theo 3 ngoại binh đẳng cấp cao và hàng loạt tuyển thủ quốc gia, Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh đã tuyên bố về mục tiêu Top 3 V-League 2018 thay vì trụ hạng.
Lẽ tất nhiên, với "binh hùng, tướng mạnh" như thế cùng những màn ra mắt hoành tráng được khoác lên mình cái mác chuyên nghiệp, TP.HCM và Công Vinh chỉ đặt mục tiêu Top 3 dường như còn khiêm tốn quá, bởi thực ra đây là cách làm chẳng mới nếu nhìn vào các mô hình đã thành công của HAGL, ĐTLA hay B. Bình Dương gần đây.
Chỉ có điều mô hình cũ có thành công trong bối cảnh mới của V-League hay không, quan trọng hơn có kéo được khán giả tới sân hay không, thì chẳng ai dám nói chắc!
Còn bây giờ hãy nhìn sang người Thái. Cũng dự VCK U23 châu Á và cũng bộn bề lo toan khi đoàn quân của HLV Zoran Jankovic vừa thua U23 Việt Nam tại M-150 Cup, rồi thua tiếp U23 Australia trong trận làm nóng trước khi đến Trung Quốc. Và dù đặt chỉ tiêu vượt qua vòng bảng, nhưng U23 Thái Lan khó có cơ hội đi xa khi rơi vào bảng đấu nặng với những U23 Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Palestine.
Chỉ có điều khác với bóng đá Việt, điểm nóng của bóng đá Thái lúc này là bản hợp đồng vừa hoàn tất của thủ môn đội tuyển quốc gia Kawin Thammasatchanan sang chơi cho CLB hạng 2 của Bỉ là Oud-Heverlee Leuven. Dù vụ chuyển nhượng này liên quan đến Tập đoàn King Power của doanh nhân Thái và cũng là Chủ tịch của CLB Leicester City ở giải Ngoại hạng Anh, Vichai Srivaddhanaprabha, nhưng không phủ nhận được tài năng của Kawin.
Trước đó, một loạt các ngôi sao của Muangthong United và đội tuyển Thái Lan như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan..., cũng đã đạt thỏa thuận ra nước ngoài chơi bóng và bến đỗ của họ là các CLB ở J.League của Nhật Bản.
20 năm đầu tư bài bản và chuyên nghiệp cho sân chơi số 1 quốc gia, tới lúc này, người Thái bắt đầu hưởng lợi không chỉ từ kinh tế với bản hợp đồng mới đắt giá cùng nhà tài trợ chính Toyota (20 triệu USD trong 4 năm tới) mà còn là bước tiến lớn nữa về chuyên môn. Thay vì chỉ làm bá chủ sân chơi khu vực, việc các ngôi sao Thái bước chân ra thế giới, châu lục chắc chắn sẽ giúp họ có thêm cơ hội nâng tầm.
Đó mới là bước đi bài bản của người Thái và đáng để bàn, khi vào ngày 13/1 tới, thêm lần nữa Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam lại được tổ chức.
Vũ Minh