Bùi Tiến Dũng biểu diễn thời trang: Bóng đá không phải là 'ốc đảo'
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, các cầu thủ U23 Việt Nam sau trở về từ Trung Quốc, “bay show” dày đặc, thậm chí dày hơn cả tần suất ra sân của họ trong màu áo CLB chủ quản. Nhiều người lo lắng hơi thừa, rằng việc lạm dụng hình ảnh để kiếm thêm có thể khiến phong độ của họ bị ảnh hưởng!
- Hé lộ bất ngờ về lý do Bùi Tiến Dũng lên sàn catwalk
- Cứ chỉ trích Bùi Tiến Dũng nếu muốn, nhưng không ai sống thay Dũng được!
- Khán giả nói gì khi thủ môn Bùi Tiến Dũng catwalk tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế 2018?
1. Thực tế, nếu cầu thủ không có đội ngũ tư vấn hay người đại diện tốt, thì chỉ những va đập và thậm chí là vấp ngã trong cuộc sống, mới hy vọng dạy họ nên người. Chúng ta là người ngoài, không nói hay được, cũng không làm thay công việc của họ được, càng không chịu trách nhiệm thay họ, dù trong hoàn cảnh nào.
Thực tế là, ngoài nhóm cầu thủ U23 Việt Nam thuộc biên chế HAGL thường xuyên được cất nhắc qua 6 lượt trận đầu tiên ở V-League và cả Cúp quốc gia 2018, xuất phát từ tiêu chí dùng người ở phố Núi, số còn lại chỉ còn Đình Trọng, Duy Mạnh ở Hà Nội FC được đá chính. Thêm Xuân Mạnh, Văn Đức ở SLNA.
Theo chia sẻ của HLV Chu Đình Nghiêm, thì Quang Hải đã và đang không có trạng thái tâm lý, cũng như phong độ tốt nhất kể từ sau VCK U23 châu Á. Ở FLC Thanh Hoá, “idol” Bùi Tiến Dũng thậm chí còn “không có áo mặc” trong trận đấu cuối tuần qua, nên nhân tiện, được đặc cách đi biểu diễn thời trang, kiếm thêm chăng?
Bất luận thế nào, đá chính hay dự bị, thì độ “hót” của những đương thời vẫn còn rất OK. Một dòng trạng thái mông lung hay một clip vui nhộn nào đó của một “idol”, một “cầu thủ quốc dân” sau vượt qua bão tuyết Thường Châu thần thánh cùng U23 Việt Nam, có thể thu hút đến hàng ngàn lượt “share” và “comment”, hàng triệu “view”..., trên mạng xã hội.
Một số nhãn hàng đã nắm bắt được xu thế này, họ thậm chí soạn sẵn rất nhiều kịch bản khác nhau, tận thu cũng có mà “hớt váng” cũng có. Tính toán gì đâu, quan trọng là lợi nhuận, cầu thủ hay bất kỳ ai suy ra, cũng chỉ là công cụ.
Cũng có chút liên quan, khi tuần qua, gần như không một thần tượng mới nổi nào toả sáng trên sân cỏ V-League (như Thể thao & Văn hoá đã đề cập ở số báo trước), thì ở đâu đó Hà Nội và TP.HCM, những cựu danh thủ, các đàn anh và thậm chí là các thầy của họ, cùng giới nghệ sỹ và những nhà báo thể thao..., đã lại âm thầm các hoạt động thiện nguyện.
Hơi khập khiễng, nhưng nếu những “cầu thủ quốc dân” giúp một dòng trạng thái trên facebook về những nghĩa cử cao đẹp này, hẳn độ lan toả lớn và tích cực hơn nhiều trên sàn catwalk. Cho cộng đồng và cho chính bản thân cầu thủ.
2. Chia sẻ với những khó khăn mà gia đình cựu trợ lý trọng tài Ngọc Tân đang phải gánh chịu, sau khi Tân đột quỵ, qua đời ở tuổi 37, những người bạn ở Ban Trọng tài VFF, của Công ty VietFootball, Truyền hình K+, các nghệ sỹ V-Stars và các HLV - cựu danh thủ thuộc Học viện PVF, đã tổ chức một giải đấu ý nghĩa, quyên góp cho vợ con vị trọng tài xấu số này.
Tại TP.HCM, hai đội bóng Nghệ sỹ là RuNam Star FC và Quốc An - Quốc Michel FC, cũng đã góp được hơn 80 triệu, sau một trận đấu thiện nguyện, giúp cựu cầu thủ Trần Hoàng Đại Lâm có tiền sửa nhà cho mẹ. Quần đùi áo số thì sao không thể làm việc tốt?!
Tại sao bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua trở thành “ốc đảo” với một bộ phận đáng kể trong xã hội, hoặc thế giới không cùng địa hạt. Bởi những người làm bóng đá và cả những nhân vật bóng đá sống khá khép kín, nếu không muốn nói là ích kỷ, chỉ nghĩ tới và tận dụng cuộc sống của mình, thay vì chung tay chia sẻ với cộng đồng.
Họ chăm chỉ kiếm tiền và đốt tiền, dù nếu dành một phần trong số đó (thời gian, mối bận tâm và vật chất) làm thiện nguyện, đến với bệnh viện, cô nhi viện, với mái ấm tình thương hay ít nhất là những hoàn cảnh khó khăn, trường học..., sự khơi gợi lớn biết bao nhiêu. Điều này, Thể thao & Văn hoá đã từng nhiều lần đề cập, thậm chí kêu gọi.
Những đương thời như lứa U23 Việt Nam vừa rồi, chỉ là một hiện tượng xã hội nhỏ, chỉ là idol hay soái ca của một nhóm người trẻ, chứ chưa phải thần tượng, chưa phải hình mẫu lý tưởng để những đứa trẻ đam mê bóng đá, trong trường học và tại các học viện, noi theo như một trào lưu, từ đó kích thích sự phát triển của nền bóng đá.
Hai mươi năm trước, bao đứa trẻ mặc áo Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Sỹ Hùng, Công Minh..., ra đường với niềm tự hào bất tận. Giờ, các cô cậu tuổi ô mai chỉ cố chen chân để selfie với “idol”, hòng “check in” facebook cho sang chảnh, chứ hỏi thật họ có yêu bóng đá không thì chưa chắc.
Thế giới mạng rộng lớn như một con ngáo ộp, sẵn sàng nuốt chửng một cầu thủ trẻ mới nổi, nếu họ bị phù phiếm - xa hoa cám dỗ. Mà bóng đá Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại, thiếu gì gương điển hình. Thế nên, hãy tỉnh táo để chọn... giá đúng.
Tùy Phong