Bùi Minh Huế - đưa tới thiếu nhi tiếng cười và những giấc mơ
(Thethaovanhoa.vn) - Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, khoa Pháp văn, nhưng không tìm được chỗ dạy học dưới xuôi, nữ giáo sinh trẻ Bùi Minh Huế tìm nhiệm sở trên Tây Bắc và được huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nhận vào làm… nhân viên của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội!
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Cô nhân viên văn phòng Bùi Minh Huế cần mẫn vi tính văn phòng, nhưng vẫn đeo đuổi giấc mơ dạy học, cho tới ngày được là cô giáo tiểu học ở một ngôi trường có tới gần 4.000 học sinh ngay giữa Thủ đô.
Cô giáo Huế kể: “Đồng nghiệp trong trường nhờ tôi viết thơ thiếu nhi, tản văn ngắn để sử dụng làm tài liệu giảng dạy. Tôi rất vui và hạnh phúc khi nghe vang vang tiếng học trò trong trường đọc thơ của mình”. Những bài thơ, văn thiết thực ấy cô giáo Huế đưa lên mạng xã hội. Từ đây, một bài được tuyển vào giáo khoa mới, cuốn Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Kết nối trí thức với cuộc sống.
Một bức tranh vẽ bằng các chữ thơ
Đó là bài Cánh đồng quê em: “Bé theo mẹ ra đồng/ Vầng dương lên đỏ rực/ Muôn vàn kim cương nhỏ/ Lấp lánh ngọn cỏ hoa// Nắng ban mai hiền hòa/ Tung lụa tơ vàng óng/ Trải lên muôn con sóng/ Dập dờn đồng lúa xanh// Đàn chiền chiện bay quanh/ Hót tích ri tích rích/ Lũ châu chấu tinh nghịch/ Đu cỏ uống sương rơi// Sóng xanh cuộn chân trời/ Cánh đồng như tranh vẽ/ Bé ngân nga hát khẽ/ Trong hương lúa mênh mông”.
Từ 6 khổ thơ nguyên bản của tác giả Bùi Minh Huế, những người biên soạn giáo khoa giữ lại 4 khổ cho hợp với sức đọc của học sinh lớp 2, vì thế, để cho các khổ thơ bắt vần với nhau, có 2 chữ vần trong bài được thay đổi. Ở khổ thơ thứ nhất, “Lấp lánh ngon cỏ xanh” thành “Lấp lánh ngọn cỏ hoa”. Ở khổ thơ thứ hai “Nắng ban mai thật hiền” thành “Nắng ban mai hiền hòa”.
Nên hiểu “cỏ hoa” vẫn chỉ là cỏ dại trên những bờ ruộng. Nhưng cũng có thể hiểu sâu hơn, xa hơn (để làm rõ nghĩa chữ “kim cương”), mặt trời chiếu ánh sáng ban mai xuống những giọt sương sớm còn đọng trên từng ngọn cỏ, khiến sương “lấp lánh”, như “hoa” kim cương. Nhân vật trữ tình trong bài, đứa bé kia, nhìn ra “trên cánh đồng quê em” thứ hoa sang trọng này.
Chính đứa bé ấy đưa ra so sánh “Cánh đồng như tranh vẽ”. Bức tranh thật nhiều màu sắc, hình khối, đường nét. Ông mặt trời “đỏ rực”! Nắng “vàng óng”! Gió vô hình thì đẩy đưa, lắc lay, khiến cánh đồng “dập dờn” sóng dậy, để nắng “tung” ra mảng màu “lụa tơ vàng óng”, “trải lên muôn con sóng” xanh.
Nhìn toàn cảnh, ba màu “đỏ rực” “vàng óng” và xanh nhấp nhô sóng cuộn, đã hòa sắc, làm nên bức tranh sống động! Có sóng lúa, có đàn chim chiền chiện đang “bay quanh”, có lũ châu chấu đang “đu” lên cọng cỏ để uống sương kim cương. Sống động tạo đà để tác giả Bùi Minh Huế mở rộng khung tranh, từ đồng làng, dài, rộng tới “chân trời”, rồi cao lên chót vót chỗ “vầng dương” đang tỏa nắng.
Bức tranh Cánh đồng quê em vẽ bằng các chữ thơ, nhờ vậy trong tranh ngoài hình ảnh, còn có âm thanh: Đàn chim chiền chiện hòa giọng, cùng gieo vần vào bài thơ - “tích ri tích rích”. Câu thơ tả chiền chiện cùng vần “ich” với câu thơ tả châu chấu, khiến hai bên chiền chiện - châu chấu như đang cùng “nghịch”, cùng chơi, cùng hát múa với nhau! Vẽ bằng các chữ thơ, ngoài âm thanh, tranh này còn “hương lúa mênh mông”…
Thế giới thơ thiếu nhi của Huế
Cô giáo Bùi Minh Huế đã là tác giả 2 tập thơ viết cho thiếu nhi được xuất bản. Đọc thơ Bùi Minh Huế độc giả nhí được cười thật sảng khoái!
Chỉ trong một bài thôi, các em đã thấy, khi mèo đen cười thành tiếng “Cười tít mắt meo meo” thì “Bác trâu cũng cười theo/ Khoe cả hàm răng sún”, cười ra hình. Sóng cười lan từ đất, vút lên cao xanh, khiến ông trời còn ngái ngủ, cũng “Cười tung xòe nắng mới”.
Để có trận cười “liên ngâm” rực rỡ đất trời như thế, tác giả cấu trúc bài thơ như một tiết mục sân khấu hài, để “kịch sĩ” chó nhi đồng, độc thoại nội tâm “Ôi tiếng ai mà khỏe/ Lại dõng dạc vang xa/ Ắt người đó phải là/ Người oai phong lắm đấy” rồi diễn xuất bằng khẩu thuật: “Cún con chồm người dậy/ Chạy ra phía góc sân/ Ưỡn ngực cố lên gân/ Bắt chước gà trống gáy// “Âu âu ăng ẳng ắng”.
Đọc bài thơ Cún con tập gáy như vào nhà gương biến dạng trong công viên thiếu nhi, khiến “sủa” méo thành “gáy”! Và bạn đọc thiếu nhi bật cười!
Ở một bài khác “kịch sĩ” lại là mèo, đang diễn kịch câm trong tiếng động sân khấu: “Chít chít chít chít/ Tiếng kêu rộn nhà/ Mèo đen nghe ngóng/ Là chuột kêu ta?// Ngó nghiêng tìm kiếm/ Mắt mèo long lanh/ Mấy sợi ria mép/ Phát tín hiệu nhanh// Nhưng mà sao lạ/ Chẳng thấy chuột đâu?”. Mèo đành ngon ngọt đối thoại với chuột vô hình: “Mèo meo meo méo/ Tớ là mèo đen/ Này bạn chuột nhỏ/ Ra đây làm quen”.
Lại tiếng động sân khấu và thật bất ngờ, chuột biến thành người: “Chít chít chít chít/ Rộn vang quanh nhà/ Mèo con chạy lại/ Ồ thì hóa ra/ Tiếng kêu chít chít/ Từ dép bé Moon/ Rộn ràng theo bước/ Bé chạy lon ton”.
Bước chạy của bé Moon dẫn câu chuyện theo mình, bé thoắt thành nhân vật chính, thành người mang tới tiếng cười thú vị cho độc giả.
Cùng với tiếng cười là cái nhìn thơ mộng của trẻ thơ, biến cái thực thành cái ảo, biến cái thường nhật thành cái cao cả, mỹ lệ, khác thường. Ở vườn cây trong thơ Bùi Minh Huế, cây nào cũng ra thư hoa ấm êm, có tên chung là “giường”: “Tầu lá chuối rủ/ Là giường của sên/ Gốc cây rau dền/ Là giường của dế/ Giường cánh hoa khế/ Kiến ngủ say sưa/ Giường ngủ của mưa/ Êm đềm trên cỏ…”.
Từ vườn cây ấy, giấc mơ ấm êm lan tỏa tới bầu trời, mặt nước: “Mây bồng bềnh nhé/ Giường của trăng sao/ Cơn gió lăn nhào/ Ngủ trên giường lá// Giường ngủ của cá/ Là rễ bèo tây/ Giường treo trên cây/ Của đàn ong mật”.
Hoa lá, trăng sao nối vần để dẫn tất cả ấm êm mơ mộng kia về một cội nguồn hiện thực: “Giường con thích nhất/ Đôi tay mẹ, bà/ Ngọt điệu ơi à/ Ru con giấc ngủ” (Chiếc giường bé thích). Từ đôi tay ấy những đứa bé trong thơ Bùi Minh Huế thức giấc, “cùng ban mai tới trường”, bằng sức vóc của một thiên thần: “Em rời nhà đi học/ Cõng bình minh trên lưng/ Rộn ràng chân sáo bước/ Hát theo tiếng chim rừng”.
Góp lời giữ lấy nếp xưa
Trong tập san Người Hà Nội số tháng 4/2022, Bùi Minh Huế có bài tản văn Bánh khúc lá ai đã từng ăn?. Người chân quê thế kỷ 21 nhớ về cánh đồng Hà Nội một thời: “… nhớ diết da những ngày ấu thơ bên đám bạn cùng xóm nhởn nha trên cánh đồng mùa đông thênh thang nắng hanh, gió lạnh. Những buổi được nghỉ học, tôi cố vòi vĩnh mẹ đồng ý cho theo tụi trẻ ra đồng để thỏa thích chạy nhảy trên những bờ ruộng, căng ngực hít hà hương đồng nội rồi đuổi theo lũ cào cào, châu chấu, được hái những chùm hoa dại dọc các bờ mương và hơn hết là được chạy ào xuống những thửa ruộng đã gặt, bùn se khô chỉ còn trơ gốc rạ. Tôi đứng đó, mải mê ngắm những vạt hoa rau khúc nâu phấn trải dài bạt ngàn. Hương hoa khúc thơm nồng ngái trong nắng gió đồng nội thoảng đưa”.
Đấy là nỗi nhớ một thời nghèo khó, không có nếp cái hoa vàng, thịt lợn béo, cà cuống thơm để làm “xôi khúc” sang trọng, thì biến rau cỏ mà đồng bãi ban tặng thành “bánh khúc lá” chống đói.
Đây là nỗi nhớ của một trí thức từng ra đồng, lượm mót, cấy hái từ tấm bé, từng làm công cho làng hoa Tây Tựu để có tiền học đại học, bên cạnh việc làm gia sư. Một cách thoát nghèo nên thơ, rất Hà Nội.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Vũ Hùng - Chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần mỗi trang viết
Trong thơ Bùi Minh Huế cũng rất Hà Nội là nỗi nhớ “hồng hồng tuyết tuyết” của một thời ả đào. Cô giáo Bùi Minh Huế được đào tạo chính quy để có thể hát bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh, vẫn lên tiếng chào mời: “Người ơi có còn nghe nữa?/ Hồng hồng, tuyết tuyết trang đài/ Chát tom trống theo nhịp vỗ/ Đàn ngân cung bậc thiên thai”.
“Người ơi còn say câu hát?/ Sân đình ngày hội đầu Xuân/ Lắc lư hứ ừ nhịp phách/ Men dâng sóng mắt tần ngần// Người ơi có còn thương nữa?/ Má hồng chọn kiếp cầm ca/ Lệ buồn thấm từng câu hát/ Mua vui ngày tháng nhạt nhòa// Gió Xuân thổi rung cành táo/ Quả rơi lạnh lẽo sân đình/ Bóng người nhạt nhòa màu áo/ Ngày qua dáng trúc còn xinh?”.
Một câu hỏi mà vương vấn “trúc xinh” quan họ Bắc Ninh, táo rụng sân đình chèo cổ, mà gợi nhớ các tài tử Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê… đã từng “Dở duyên với rượu khôn từ chén/ Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”. Bùi Minh Huế sáng tác bằng cảm xúc, học vấn và sự từng trải đáng kể. Bằng ba “chất liệu” này, thơ văn Bùi Minh Huế góp lời nhắc nhở giữ lấy nếp xưa.
Cô giáo Bùi Minh Huế còn có bút danh Dương Hà, sinh 1976 tại Đan Phượng, Hà Nội. Là tác giả của Hát với nồng nàn (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020), Giấc mơ màu nắng (truyện thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, 2021), Bé gọi trăng về (thơ thiếu nhi, NXB Phụ nữ, 2022), Vũ điệu vòng dây (thơ thiếu nhi, NXB Phụ nữ, 2022). Hiện sống tại Hà Nội. |
Trần Quốc Toàn