Bỏng vì 'ghế nóng'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngồi xem chương trình thi nhảy dành cho các nghệ sĩ, bà chủ than phiền với ông chủ: “Sao cái anh nghệ sĩ hài này nói chuyện nhạt thế anh nhỉ, thế mà anh ta diễn hài đắt show cả ở hải ngoại đấy”. Ông chủ ra chiều hiểu biết: “Thì anh ta toàn diễn theo kịch bản được viết trước, khi lên đây nói thì lấy đâu ra kịch bản nữa, thế nên có bao nhiêu nó lộ hết ra ngoài”.
Bà chủ bảo ông chủ nói phải, từ hồi xem nghệ sĩ làm giám khảo bà đã nhiều lần thất vọng với những người mà bà từng ngưỡng mộ. Nhưng ngẫm ra cũng khó cho họ. Công việc chính của họ là làm nghệ thuật, mà với trào lưu lên truyền hình làm giám khảo, họ lại phải làm cái việc nhận xét, chấm điểm các nghệ sĩ khác, bao nhiêu là áp lực. Nhận xét đúng cảm nhận của mình thì được khán giả thích nhưng có khi lại bị thí sinh cho là khắt khe, “dìm hàng”; nhận xét cho thí sinh vui thì khán giả phản đối; nói cho vừa lòng hai bên thì mang tiếng là nhạt…
Nghe ông bà chủ nói chuyện, tôi lại nhớ vài việc đã xảy ra với những vị giám khảo là người nổi tiếng. Nhớ nhất là chuyện đạo diễn Lê Hoàng, người được cho là ngồi “ghế nóng” chuyên nghiệp. Ông ấy chẳng sợ ai ghét, kể cả khán giả lẫn thí sinh, cứ nghĩ gì nói đấy, còn dùng từ rất “đắt”. Rồi có lần bị thí sinh “khẩu chiến” từ sân khấu đến mặt báo, thế mà ông vẫn vững vàng ngồi đó, để rồi thu phục được chính thí sinh đã phản pháo ông.
Nhưng cũng có người vừa lên “ghế nóng” được vài bận đã không chịu được “nhiệt”, phải tự rút lui. Đấy là trường hợp của hai nhạc sĩ nổi tiếng. Một người thì “nóng” quá, liên tục phát ngôn những câu dậy sóng công luận. Còn một người thì liên tục đưa ra những lời nhận xét như cơm nguội và chấm điểm chẳng đâu vào đâu, bị khán giả liên tục bình luận theo hướng tiêu cực…
Giữa lúc tôi đang hồi tưởng những chuyện đã qua, ông chủ nói với bà chủ: “Ngẫm lại tôi cũng thương cho giới nghệ. Thời buổi truyền hình đang ở thế thượng phong do tính phổ biến vượt trội, hầu như chẳng nghệ sĩ nào có thể mạnh dạn nói không với truyền hình. Tôi đọc báo thấy có người còn phải đặt ra mục tiêu “giữ chỗ đi lại” trên sóng để còn được công chúng nhớ tới. Nhưng nhớ như thế nào cũng là việc khiến họ đau đầu lắm. Là nghệ sĩ thì không thể dở, không thể thua, thế nên khi bất chấp khả năng, sẵn sàng vào cuộc nhưng lại chẳng may yếu thế, họ lại cũng chính là những người ít khả năng chịu đựng nhất. Nghệ sĩ vốn nhạy cảm, yếu đuối mà.”
Ngừng một lúc, ông chủ nói tiếp: “Thật ra, trong các chương trình truyền hình thực tế, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và các vị ngồi “ghế nóng” là một cuộc hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, nhà sản xuất luôn nắm phần “được”, kể cả khi giám khảo ngồi “ghế nóng” bị chỉ trích làm công luận sôi sùng sục. Chỉ có giám khảo là lãnh đủ, ăn không ngon, ngủ không yên, có khi mất cả hình ảnh đẹp mà họ đã dày công xây dựng bằng con đường nghệ thuật”.
Chứng kiến vài trường hợp oái oăm, Remote tôi ước rằng, giá họ cứ chú tâm mà làm nghệ thuật, đừng bon chen với những cuộc mua vui cho khán giả trên truyền hình.
Remote
Thể thao & Văn hóa