Bóng 'lăn' về với miền Trung
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì BTC LS V-League 2020 đã hành động, nhưng người ta tin rằng nó phải bắt đầu từ tâm, từ con tim vì hai tiếng đồng bào, từ trách nhiệm xã hội - cộng đồng của làng cầu nội, chứ không phải vì bị hối thúc hay nhắc nhở.
Theo đó, bắt đầu từ lượt trận thứ 3 của giai đoạn V-League 2020, BTC sẽ tiến hành quyên góp thông qua các thùng thiện nguyện, hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Cùng với đó là nghi thức mặc niệm cho những người đã hy sinh vì mưa lũ, khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu trợ.
Các trận đấu vẫn diễn ra ở Hàng Đẫy, ở Thống Nhất, nhưng thông điệp và nghĩa cử tốt đẹp của nó dành tặng cho miền Trung, để non sông liền một dải và để không ai bị bỏ lại cả.
Lại nói nghĩa vụ trả ơn của bóng đá, đứa con cưng của xã hội, nhưng trong quá khứ đã không ít lần khiến người hâm mộ bị tổn thương. Trên thực tế, bóng đá, từ phong trào đến chuyên nghiệp cũng rất biết ý thức trách nhiệm này, nhưng không đều và không thường xuyên, dù họ luôn nhận rất nhiều: từ tình yêu đến vật chất, tinh thần.
Từ SEA Games 22 trên sân nhà, đến AFF Suzuki Cup 2008, rồi các giải đấu từ Thường Châu 2018 đến AFF Suzuki Cup 2018, SEA Games 2019..., chúng ta đã chứng kiến cảnh hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng các chiến tích. "Tự hào Việt Nam" là cụm từ với không chỉ người trong cuộc, mà cả với đông đảo cổ động viên.
Khán giả Việt Nam là những người sẵn sàng cháy hết mình vì đội bóng và họ cũng rất bao dung, khi niềm tin không được đền đáp hết lần này đến lần khác. Và, khi một bộ phận lớn trong số họ: đồng bào miền Trung gặp khó khăn, bóng đá không thể đứng ngoài cuộc.
CLB Hà Nội đã đi tiên phong với số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Các cá nhân của đội bóng này cũng đã và đang làm gương, thông qua việc bán đấu giá vật phẩm, áo đấu, ủng hộ các Quỹ chống dịch Covid-19 và ngay lúc này là chiến dịch "vì miền Trung thân yêu". Bóng đá luôn có sức lan tỏa rất lớn, nếu chúng ta hành động.
Trong rất nhiều các bài báo và số báo ra, từ nhiều năm qua, Thể thao & Văn hóa luôn khẳng định rằng, bóng đá thuộc về khán giả, thuộc về cộng đồng, về xã hội, chứ không thuộc về các ông bầu, dù cuộc chơi đôi khi tính công bằng chỉ là tương đối. Một khi nó thuộc về cộng đồng, thì đừng lo nó chết yểu.
BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cùng với các CLB nêu cao tinh thần đồng bào lúc này kể cũng chẳng hề sớm. Nhưng muộn còn hơn không. Và chắc chắn, nó mới chỉ là bắt đầu cho một phong trào chung tay, chứ không phải là điểm cuối của chiến dịch. Hoan hô V-League, hoan hô các cầu thủ, đội bóng.
Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại. Và còn món quà nào lớn hơn với bóng đá Việt Nam, khi sự nhận lại ấy là tình yêu và sự quan tâm của xã hội? Có là con cưng đi chăng nữa, thì bóng đá cũng phải biết ơn và trả ơn. Đấy là điều phải khắc cốt ghi tâm trong bản thân mỗi con người chúng ta.
Tùy Phong