Bóng lăn tuần qua: Một con ngựa đau...
(Thethaovanhoa.vn) - Pha va chạm dẫn đến cái ống quyển gãy làm đôi của Hải Huy trong trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thuộc vòng 3 LS V-League 2020 diễn ra cuối tuần vừa qua sẽ còn ám ảnh nhiều người.
Hải Huy bị thổi phạt trong tình huống đó, sau một pha rướn người ham bóng và say mồi, nhưng "tác nhân" dẫn đến việc Hải Huy gãy chân, trung vệ Hoàng Lâm, dù không phạm luật (ít nhất theo quyết định của trọng tài), nhưng vẫn liên đới.
Đó là một tình huống, một va chạm rất đỗi bình thường trong bóng đá, môn thể thao nặng tính đối kháng và dễ dẫn đến các chấn thương. Phải khẳng định luôn là vậy. Cả Hải Huy và Hoàng Lâm đều không cố gây thương tích cho nhau, nhưng tai nạn đã xảy ra và đó là điều không may.
Lịch sử bóng đá Việt Nam nói chung và lịch sử 20 năm tuổi của V-League nói riêng, còn nhiều tình huống phạm lỗi đáng sợ hơn nhiều.
Nhưng, đừng vì một cây đổ ngã bởi lý do nào đó, mà đốn hạ cả cánh rừng. Chúng ta phải nhận định, đó là xác suất, là hệ số rủi ro theo kiểu rất tự nhiên. Và, trong bóng đá, với riêng tình huống này, nó không bị xem là một pha bóng triệt hạ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chấn thương thể thao, và trong bóng đá, người ta tính rằng tỷ lệ dẫn đến các ca chấn thương nặng từ va chạm không quá 25%. Thường các cầu thủ tự chấn thương, sau một pha đổi trụ (ví như Đình Trọng), mặt sân xấu lồi lõm cũng có thể dẫn tới chấn thương hay một động tác kỹ thuật không chuẩn. Cơ bản, cơ thể của VĐV hay cầu thủ đã tiềm ẩn nguy cơ chấn thương, khi thể trạng, tâm lý không đảm bảo mà vẫn xung trận.
Nó thuộc về vấn đề y học thể thao, sự thẩm định và vai trò của các y bác sỹ, vấn đề y tế của CLB. Sâu xa hơn, nó xuất phát từ ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam, mà đa số còn kém. Rất nhiều người thể trạng không đảm bảo, nhưng vẫn xung trận và chấn thương xảy ra.
Hải Huy chỉ là một trường hợp, một tình huống gần nhất và chắc chắn không phải cuối cùng. Song, nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, với đầy đủ những hạ tầng thi đấu, chế tài lẫn ý thức của người trong cuộc, còn kém, chưa đảm bảo. Chúng ta cố gắng hạn chế, chứ không thể đảm bảo 100% tỷ lệ tránh được các chấn thương.
Người trong cuộc, ở đây là các cầu thủ, vẫn kháo nhau và răn nhau rằng, sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của họ ngắn, ngắn lắm. Đôi khi nó được (hay bị) quyết bởi một ca chấn thương nặng. Rằng phải yêu lấy các đôi chân của đồng nghiệp. Nhưng máu ăn thua, cùng một chế độ sinh hoạt buông thả, thiếu chuyên nghiệp, của chính họ, lại là tác nhân chính, chứ không phải các pha va chạm.
Chơi bóng là để tận hưởng, tận hiến, nên phải đúng luật. Ngay cả các pha vào bóng, cũng phải đúng luật, để không ai trong chúng ta phải hối tiếc hay thương hại cả.
Tùy Phong