Bóng lăn tuần qua: Không có sẵn con đường
(Thethaovanhoa.vn) - Vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng (BXH) của AFC dành cho cấp độ ĐTQG, song song với hạng 15 hệ thống các giải VĐQG châu Á, phản ánh đúng với năng lực của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Cụ thể, ở hạng mục dành cho ĐTQG, với thành tích tốt thời gian gần đây, chúng ta hiện xếp thứ 13, trên Lebanon, Jordan, Bahrain và đương nhiên cả Thái Lan (hạng 20). Phía trên, ngoại trừ Uzbekistan (vừa phải dừng bước ở Vòng đấu loại thứ 2 FIFA World Cup 2022), cùng với Qatar (nước chủ nhà VCK FIFA World Cup 2022), 12 nền bóng đá mạnh nhất chính là các đội bóng đá lọt vào Vòng loại thứ 3, đứng đầu là Nhật Bản.
Giải VĐQG Nhật Bản J-League 1, cũng được đánh giá là giải đấu mạnh nhất về độ cạnh tranh, sức hút tại châu Á, kế đó là Saudi Arabia, Trung Quốc, Qatar, Iran, Hàn Quốc và thứ 7 là Thái Lan. Về thứ hạng, V-League ở một vài thời điểm như giai đoạn 2019 - 2021 này, được xếp ngang bằng với A-League, tức giải VĐQG Australia và bỏ xa các giải đấu của Malaysia (M-League) cũng như S-League của Singapore.
Những thống kê (điểm số) tương đối khoa học và rất sát với thực tế. Mối quan hệ hữu cơ giữa sức mạnh (nội lực, tức là không tính đến các khả năng nhập tịch cầu thủ) của các ĐTQG và hệ thống giải VĐQG được duy trì với phần lớn các nền bóng đá Á châu. Do năng lực xuất khẩu cầu thủ còn hạn chế (ngoại trừ Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran), nên có thể nói, giải VĐQG quyết định phần lớn năng lực cạnh tranh và chinh phục của ĐTQG.
Về điều này, một lần nữa người Thái lại rơi vào trạng thái khá mông lung. Khi Thai Premier League vẫn giữ được vị thế đáng nể và đang được xem là một trong những giải đấu hấp dẫn bậc nhất châu Á, cùng với đều đặn duy trì được năng lực xuất khẩu cầu thủ suốt 20 năm qua, thì ĐTQG Thái Lan vẻ như lại đang không có được thành tích tương xứng. Đó là lý do lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và BTC Thai Premier League đang tính đến một cuộc cải tổ triệt để, trước khi bị bỏ lại quá xa.
Trong 2 thập niên qua, Thái Lan luôn chiếm ưu thế so với Việt Nam, ở cả thành tích đối đầu của các ĐTQG, lẫn năng lực chinh phục tầm cao hơn ở cấp châu lục. Các CLB của Thai Premier League cũng vượt xa đại diện của V-League ở đấu trường cao nhất châu lục dành cho CLB là AFC Champions League. Mùa giải 2021, Thái Lan chính là chủ nhà của AFC Champions League, với 4 đại diện (đứng đầu, ngang với J-League 1 và K-League), trong khi V-League chỉ có duy nhất Viettel vào thẳng vòng bảng.
Thành tích của các CLB tại đấu trường AFC Champions League và AFC Cup ảnh hưởng khá lớn đến thứ hạng, độ hấp dẫn và năng lực của các giải VĐQG. V-League đã phải chịu thiệt thòi suốt một thời gian dài, một phần cũng là từ lý do này. Trong 10 năm qua, với sự xuất hiện của Hà Nội FC và lứa cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG ra ràng kể từ V-League 2015, hoàn toàn không cải thiện tính cạnh tranh cho giải đấu. Sự thật là, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh…, chỉ đủ làm nên vài cơn sốt trên khán đài, ở những nơi họ đến, chứ nói đến nâng tầm giải đấu như V-League thì chưa. Việc giới hạn các suất đăng ký ngoại binh/CLB, dẫn tới sức hút của V-League với cầu thủ ngoại ngôi sao cũng giảm đi, chất lượng các trận đấu và giải đấu đương nhiên khó đảm bảo.
Với những phân tích và so sánh ở trên, nhà tổ chức (VPF) và VFF chắc chắn phải tính lại các tiêu chí này, để tăng năng lực cạnh tranh và sức hút cho V-League, trước khi bị bỏ lại. Thái Lan đã tỉnh giấc mộng và chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng ở một vài hạng mục cụ thể gần đây, chủ yếu ở các cấp độ ĐTQG. Sự phát triển trong bóng đá bắt buộc phải là tính liên tục, với tính kế thừa, cầu thị và thay đổi, đặng hợp với xu thế chung.
Vẫn có câu, làm gì có sẵn con đường mà đi mãi thì thành đường thôi. Song nếu chúng ta không thức thời, thì tít mù rồi lại vòng quanh trên một lối mòn.
CCKM