Bóng lăn trong tuần: Thóc ở đâu bồ câu đến đó
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ việc trung vệ đội trưởng ĐTQG Quế Ngọc Hải bị VFF tuýt còi vì vi phạm vấn đề bản quyền hình ảnh của đội tuyển, liên quan đến một gói quảng cáo không phải chuyện mới, bởi trước đó không hiếm những tiền lệ rồi.
Quế Ngọc Hải đã chủ động tháo gỡ thông tin có liên quan và đăng status trên Facebook cá nhân, xin lỗi VFF, các đối tác, truyền thông, cũng như người hâm mộ. Đấy cũng là biết cái sai, nhưng sửa sai như thế nào, thì bản thân Quế Ngọc Hải cũng không tự mình làm được, bởi anh chỉ là "diễn viên" và không nắm đằng chuôi.
Trước khi quyết định tham gia vào teaser quảng cáo này, Quế Ngọc Hải cùng công ty đại diện của mình và các đối tác đã thống nhất về các điều khoản hợp đồng, với nghĩa vụ và trách nhiệm đi cùng, đồng thời ủy quyền cho một bên trung gian khác thực hiện. Nhưng nó vẫn bị xem là một tai nạn và Hải chỉ là nạn nhân?!
Bản chất vấn đề không có gì phức tạp cả, nếu các bên minh bạch và tuân thủ luật chơi ngay từ đầu. Mời Quế Ngọc Hải đóng quảng cáo, với trang phục đội tuyển quốc gia, thì bước đầu tiên quan trọng là phải đàm phán với VFF (hoặc đơn vị sở hữu bản quyền hình ảnh các ĐTQG).
Nhưng họ đã không làm thế, mà có biểu hiện lấp liếm, qua mặt, với trang phục nhái và thậm chí ngôi sao trên ngực áo mà Quế Ngọc Hải mặc quảng cáo còn bị lộn ngược. Đó mới là vấn đề khiến dư luận dậy sóng, bởi Quế Ngọc Hải còn là đội trưởng ĐTQG.
Đấy là chưa kể đến Viettel, đội bóng chủ quản, trả lương, thưởng và phí hợp đồng đến 9 tỷ đồng cho Quế Ngọc Hải, còn chưa lên tiếng. Ai dám đảm bảo Quế Ngọc Hải không rơi vào tình cảnh của Tiến Linh với B.Bình Dương, dù Linh chỉ tham gia một đội bóng phong trào và về lý thuyết là phi lợi nhuận, không mang mục đích thương mại?
Về điều này, Thể thao & Văn hóa đã thực hiện nhiều chương trình, cũng như bài viết, đề cập vai trò, chức năng, cũng như nghĩa vụ của người hay công ty đại diện cầu thủ rồi, chúng ta không bàn thêm.
Trong toàn bộ câu chuyện, đơn vị sở hữu sản phẩm mà Quế Ngọc Hải quảng cáo cho đến thời điểm này vẫn là phía được hưởng lợi nhiều nhất, từ truyền thông và kể cả hiệu ứng từ scandal. Song tuyệt nhiên, không ai bàn tới trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, khi đã sai rành rành, chứ không chỉ là chuyện "lập lờ đánh lận con đen".
Không ai thấy đơn vị này đã "chịu trách nhiệm pháp lý và pháp luật" nào, như một điều khoản ràng buộc của bên A. Họ phải bồi hoàn thiệt hại cho VFF hoặc đơn vị nắm giữ bản quyền hình ảnh của các ĐTQG, bằng không, phải bị khởi kiện ra tòa.
Nói đi cũng phải nói lại. Rõ ràng sơ hở phải bắt đầu từ chính Quế Ngọc Hải, công ty đại diện của anh và một bên thứ 3 được ủy quyền đưa Hải đến với đơn vị kinh doanh nói trên.
Cổ nhân có câu: Danh có chính thì ngôn mới thuận, chứ không chỉ thấy cái gì có lợi là làm, không thể nhắm mắt nhấc chân được. Về mặt thương mại hay giá trị kinh tế của hợp đồng quảng cáo này (một brand riêng lẻ), với vài chục triệu đồng rót vào tài khoản của Quế Ngọc Hải, thật không đáng kể với lương, phí lót tay và thương hiệu của những cầu thủ tầm ngôi sao như Quế Ngọc Hải, song nó sẽ là bài học cho tất cả.
Phía công ty đại diện cho Quế Ngọc Hải vừa phải làm công văn giải trình, phúc đáp VFF, trong khi đối tác và các bên liên quan im bặt, lặn không thấy tăm. Đúng là họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Bàn tới tính chuyên nghiệp của làng cầu Việt, có mà đến... Tết Congo. Biết rồi khổ lắm, nhưng vẫn phải nói.
Tùy Phong