Bóng lăn trong tuần: Bóng đá vị thành tích
(Thethaovanhoa.vn) - Một trận thắng cách biệt tối thiểu 2-1 trước U22 Philippines trong ngày ra quân giải U22 Đông Nam Á khiến người hâm mộ có đôi chút thất vọng với thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Thế có phải là hơi bất công hay không?
Lịch thi đấu và trực tiếp U22 Đông Nam Á: https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm Xem chi tiết lịch thi đấu giải U22 Đông Nam Á TẠI ĐÂY: |
Không biết tự bao giờ, bóng đá Việt Nam bị căn bệnh thành tích bủa vây, không dứt ra được để hướng tới một chiến lược mang tính dài hơn hơn. Với ngay cả bóng đá trẻ, từ hệ thống các giải “U” quốc gia đến quốc tế. Không thắng, không có vương miện, là xem như... vứt!?
Trong quá khứ, Việt Nam từng là điểm đến của rất nhiều các đội bóng trẻ, từ cấp CLB đến các đội tuyển quốc gia. Từ Barca B, đến Porto B, Tottenham Huyotspur, AS Roma và tại các giải U21 quốc tế được tổ chức hằng năm, và U21 Australia, U21 Iran, U21 Thái Lan, Học viện Aspire (Qatar)... là những khách mời thường xuyên và khá chất lượng.
Song, thông thường họ không phải là những đội giành thứ hạng cao nhất. Thậm chí, nói hơi quá, họ xem các chuyến đi đến Việt Nam như một chuyến du lịch, ngoại khoá và các trận đấu với họ, từ giao hữu đến giải chính thức, đơn thuần là những “games” thử nghiệm, giao lưu và học hỏi. Thành tích chỉ là yếu tố cuối cùng được xét đến, kiểu như được chăng hay chớ.
Nhưng, đội 1 hoặc các đội tuyển quốc gia của những cái tên vừa nhắc ở trên thì sao? Australia là gương mặt thường xuyên dự FIFA World Cup, từng vô địch châu Á; Thái Lan có đến 3-4 đội bóng U21 để cắt cử qua Việt Nam; rồi Iran, Qatar..., với những cầu thủ từng là bại quân của Công Phượng, Xuân Trường..., giờ họ mới vô địch châu Á. Sao không học cách làm của họ?
Khi còn sống và đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam, cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh từng nói, nên gọi những giải trẻ từ U17 trở xuống là những ngày hội - festival bóng đá trẻ, để các cầu thủ trẻ thoả đam mê, không cay cú ăn thua. Ông Quýnh nói không phải không có lý.
Trở lại với bóng đá trẻ Việt Nam và U22 Việt Nam đang tham dự U22 Đông Nam Á. Chúng ta sau suất chơi bán kết U19 châu Á cách đây vài năm, dự FIFA U20 World Cup 2017..., thì có vẻ như mặc nhiên phải vô địch U22 Đông Nam Á, mặc nhiên giành vàng SEA Games môn bóng đá nam!? Đấy là cách tư duy sai lầm, bởi bóng đá có hưng, ắt có suy, và không phải bao giờ cũng được lứa.
Thực tế, điều mà người xem có đôi chút thất vọng với màn trình diễn của đội tuyển U22 dưới thời HLV Nguyễn Quốc Tuấn, đấy là bởi lối chơi nghèo nàn và đơn điệu trước một đối thủ yếu như U22 Philippines. Tức là, các tuyến trẻ kế cận của U23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia Việt Nam, chưa có sự đồng bộ về mặt lối chơi tổng thể, mà đây là điều vô cùng quan trọng.
HLV Park Hang Seo và các đội tuyển quốc gia do ông dẫn dắt suốt hơn một năm qua đã tạo dựng được nền tảng lối chơi có mảng miếng. Nó có thể xem là lối chơi kiểu mẫu, mang bản sắc Việt Nam và phát huy được tối đa điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam. Khi cần chơi kiểm soát, chúng ta chơi kiểm soát và khi cần phòng ngự khu vực, chúng ta có thể chuyển đổi rất nhanh. Tính nhịp điệu rất hợp lý.
Đội tuyển U22 Việt Nam mới khởi đi ở vạch xuất phát. Đổ thừa yếu tố mặt cỏ hay thời tiết khiến chúng ta không chơi được với khả năng tốt nhất, là điều chưa thực sự hợp lý và nó cho thấy chiến thuật chuẩn bị của HLV Quốc Tuấn cho đội bóng là không tốt.
Các trận đấu tiếp theo là cơ hội để đội bóng kiện toàn về mặt lối chơi. Nhưng, chỉ với điều kiện, phải cởi bỏ hoặc ném đi sức ép thành tích, thì đôi chân và cái đầu mới thanh thoát, mới thông được.
Vấn đề là lãnh đạo VFF có thuận để ông Tuấn toàn quyền quyết định? Và ngoài ra, năng lực của vị HLV trưởng đội tuyển U22 Việt Nam đã được thẩm định kỹ càng trước khi trao ấn kiếm hay chưa?
TUỲ PHONG