Bỗng dưng thấy... nhục!
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là lời của bà bán nước vỉa hè. Cuối một tuần vừa bán nước vừa nghe thấy người ta nói liên tục về mấy chữ lòng tự trọng!
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên lắm, vì mấy sự kiện gây nhiều xôn xao nhất trong cái tuần vừa rồi đều liên quan đến mấy chữ ấy. Vụ diễn viên già nợ nần, sau đó đến bức thư của một bạn trẻ người Nhật gửi cho người Việt. Hai chữ tự trọng nhảy múa khắp nơi với mức độ dày đặc. Để phán xét, để nhắc nhở, để kêu gọi, để xót xa... Nói chung, mỗi chữ đều có những cung bậc riêng. Nghe càng nhiều càng thấy ngấm ngầm buồn! Rồi, hôm nay, hơn cả buồn, bà bán nước bảo rằng bà cảm thấy nhục, khi nghe đứa cháu đọc cho nghe cái thư của một bạn người Nhật, từng du học tại Việt Nam 4 năm, gửi cho dân Việt một bức tâm thư, đại khái là bạn ý tự hào về nước Nhật của bạn, các bạn Việt Nam cũng có một nước Việt để tự hào, nhưng (vấn đề là chỗ ấy), các bạn chẳng chịu tự hào gì cả.
“... Thật tiếc những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” - đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân...Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát... người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa..”
Nghe như giọng người nước Việt mình nói với nhau, hàng ngày, trên mọi phương tiện, nhưng người Việt nói với nhau thì ít ai quan tâm, đọc một bạn Nhật trẻ viết thế này, quả thật xấu hổ, vì bạn ấy viết đúng. Và cái sự đúng ấy, được khẳng định bằng mấy vụ gần đây, các tiếp viên hàng không của chúng ta bị Nhật tố cáo trộm cắp, và tờ Yomiuri Shimbun đưa tin Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã hối lộ tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia. Phần Việt Nam, nghe đâu 80 triệu Yên, quy ra tiền Việt là hơn 16 tỷ đồng.
Đấy, nếu đúng như thế, bảo sao không ngượng chứ. Đọc báo mỗi ngày thấy nói đến đạo đức suy thoái, không động đến mình thì coi như nói ai, chẳng liên quan mấy. Mắng người thì dễ, giờ để người ta mắng lại cho, đúng là xấu hổ...
Biết xấu hổ thì còn may. Chứ cứ thấy nhiều người chửi quá, mà người biết xấu hổ lại ít, cũng ngại. Có lẽ người ta cũng biết xấu hổ phần nào rồi...Khác với vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây, thông tin về vụ nhận hối lộ này nhanh chóng được cơ quan chủ quản quan tâm, Việc đình chỉ chức danh Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (RPMU - thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam) được quyết định rất nhanh. Các cán bộ trong dự án nghỉ làm việc 15 ngày để báo cáo và phục vụ công tác điều tra. Đấy, như thế là có tiến bộ.
Điều tra, chẳng biết có kết luận không nhỉ... Như cái vụ tiền polymer ấy, một ông khách nói lấp lửng.
Vả lại, cũng đừng nên xấu hổ quá, quan chức tệ hại vì ăn hối lộ, nhưng còn vợ chồng bà đồng nát đến nộp cho công an 5 triệu Yên từ một cái loa Nhật cũ thì sao? Người tốt, người biết tự trọng vẫn còn mà... Cũng tiền yên, hay thế đấy, trong cùng thời điểm nên rất dễ so sánh. Nếu quả thật ăn hối lộ, mấy ông quan chức có xấu hổ vì mình kém cỏi nhân cách quá mức so với người bán ve chai hay không?
Chỉ mong họ, ngay cả khi được che đậy, cũng thấy nhục, bởi nhục ấy đâu phải bỗng dưng!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần