V-League: Nếu thời gian quay trở lại…
(Thethaovanhoa.vn) - Dù mới chơi 15 trận, nhưng Hà Nội FC đã tích lũy được 38 điểm, bằng với chính số điểm của cả mùa giải mà họ đã lên ngôi lần thứ 2 trong lịch sử, đấy là V-League 2013.
- Vòng 16 V-League 2018: Hấp dẫn cuộc đua chạy trốn ‘đáy bảng’
- V-League 'không có quà' cho bóng đá TP.HCM
- Hà Nội không có đối thủ tại V-League 2018
Năm đó, V-League chỉ có 12 CLB tham dự. Và vì bất phục với các quyết định của BTC giải, cũng như Ban Kỷ luật (thuộc VFF), CLB XMXT Sài Gòn đã quyết định bỏ giải, trước 2 lượt trận cuối cùng. Tình huống này đặt BTC vào thế rất khó xử và sau một hồi “nghị án”, nhà tổ chức quyết định hủy toàn bộ các kết quả liên quan đến XMXT Sài Gòn. Hà Nội T&T (tên gọi tiền thân của Hà Nội FC bây giờ) cũng mất đứt 4 điểm (sau khi hòa 3-3 ở lượt đi và thắng 2-0 trong trận lượt về trước XMXT Sài Gòn), nhưng vẫn đảm bảo được lợi dẫn so với tốp bám đuổi. Trận thắng 2-1 trước Long An ở vòng 21, chính thức đưa đại diện Thủ đô đăng quang một mùa V-League đầy biến động.
Trở lại với mùa năm nay, với 38 điểm sau 15 lượt trận, gác những đội bám đuổi gần nhất là Than Quảng Ninh và Sanna Khánh Hòa BVN lần lượt là 13, 14 điểm, bằng với số điểm của 4, 5 trận thắng, có nghĩa là, Hà Nội FC thậm chí không cần thi đấu cho đến lượt trận thứ 20 hoặc toàn thua trong 4, 5 trận đấu tới, tốp sau mới hy vọng đuổi kịp. Nói là “hy vọng”, bởi đâu dễ để Than Quảng Ninh và K.Khánh Hòa toàn thắng trong khoảng thời gian này!
V-League 2018 đã và đang dồn toa đúng ngay thời điểm FIFA World Cup diễn ra trên đất Nga. Nhiều đội bóng và cầu thủ than trời, chỉ duy nhất Hà Nội FC bình thản. Bởi đơn giản, họ đã kịp tích lũy những điểm số quan trọng ngay từ vạch xuất phát, đã rải đủ “lương khô” phòng hờ cho chặng cuối. Văn Quyết, Thành Lương, Quang Hải và các đồng đội có thể thong thả thưởng thức các trận đấu ở trời Âu và ra sân đều đặn, với áp lực chiến thắng hay điểm số không phải là vấn đề. Cách đây độ chục ngày, Hà Nội FC thậm chí đã để thua đội bóng yếu Sài Gòn FC 2-5 nhưng có sao đâu? Trận đấu tại Hàng Đẫy vào chiều mai, chẳng ai bắt họ phải thắng người anh em Quảng Nam cả.
Mọi ánh nhìn và sự quan tâm lúc này dồn cho FIFA World Cup 2018, nên ở đâu đó nơi sơn cùng thủy tận, quả là chỉ có trời mới biết, đất mới hay chuyện gì sẽ xảy ra trên sân cỏ nội. Đấy là chưa kể ban đầu, BTC V-League thậm chí không đảm bảo tất cả các trận đấu ở mùa giải năm nay đều được phủ sóng, sau những thỏa thuận bất thành với nhà đài, cũng như một công ty truyền thông, chuyên sản xuất sóng sạch. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, bao năm qua vẫn như vừa chạy vừa xếp hàng, thậm chí với ngay cả khung kỷ luật cũng đầy cảm tính. Thật kỳ lạ, khi sau 17-18 năm tuổi, mà chất lượng các trận đấu lúc này lại thua kém cách đây cả chục năm trước. Lý do ở đây là gì?
Không phải sự vượt trội của Hà Nội FC mà khiến cho V-League 2018 thiếu đi tính cạnh tranh, mà lý do cơ bản kéo dài trong nhiều mùa giải qua, đấy là sự đào thải quá hạn chế. Chỉ có từ 1-1,5 suất phải xuống hạng, BTC muốn duy trì số lượng 14 đội ở V-League để làm tăng giá trị bàn quyền truyền hình (dù chưa bán được, chủ yếu đổi quảng cáo), cũng như làm đẹp nhà tài trợ. Tuy nhiên, ngay cả việc chăm sóc nhà tài trợ, dường như cũng đang bị bỏ bê. Nếu ngay lúc này, các nhà tài trợ đồng loạt thắc mắc tại sao hình ảnh giải đấu số 1 Việt Nam quá khan hiếm trên mặt báo và truyền hình, thì nhà tổ chức sẽ trả lời làm sao?!
Tuỳ Phong