Việt Nam vs Thái Lan: 62 năm đối đấu nhiều 'duyên nợ'
(Thethaovanhoa.vn) - AFF Cup 2021, hai đội gặp nhau ở bán kết với cùng mục tiêu hướng tới chức vô địch. Tuy nhiên, lịch sử đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan lại là cuộc hành trình đầy thăng trầm kéo dài tới 62 năm…
Chặng đường suốt hơn một “hoa giáp” đó, không biết bao lần, nền bóng đá 2 quốc gia đã đụng độ nhau tại các giải đấu khu vực. Từ SEAP Games đến SEA Games, từ Tiger Cup sang AFF Cup, tới Vòng loại World Cup. Ở đó, bóng đá Việt Nam “nếm trái đắng” cũng nhiều và người Thái không ít lần “ôm hận” trước chúng ta. Lịch sử 62 năm, nhiều thăng trầm, đầy ắp ký ức, cùng đong đầy “duyên nợ”.
Từ SEA Games đến AFF Cup
62 năm trước, bóng đá Việt Nam đã có ngay tấm HCV ở Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á lần thứ nhất năm 1959 (SEAP Games ngày đó, nay là SEA Games). Thời đó, đội tuyển miền Nam Việt Nam đã thắng chủ nhà Thái Lan 4 - 0 ở vòng đấu bảng. Để rồi tiếp tục vượt qua Thái Lan 3-1 ở trận chung kết cho lần đầu tiên lấy “Vàng”.
Với nhiều lý do khác nhau, mãi đến năm 1981, bóng đá Việt Nam mới hội nhập trở lại với đấu trường khu vực từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Một chặng đường mới, một bước tiến phát triển mới của thể thao nước nhà cũng bắt đầu từ những năm tháng đó. Để rồi “duyên nợ” cùng bóng đá Thái Lan lại gắn chặt từ đó cho đến tận hôm nay.
Cái “duyên nợ” mà bóng đá Việt Nam chỉ nhận lại những trận thua cùng nỗi sợ hãi vô hình ở những năm đầu tiên. Đã 26 năm nhưng nhiều người vẫn nhớ về Chiang Mai - Thái Lan, những ngày tháng 12 năm 1995 với tấm HCB quý như “Vàng” mà thầy trò ông Karl-Heinz Weigang có được.
Nhưng rồi, khi để thua cả 2 trận (vòng bảng, chung kết) trước Thái Lan, tâm lý ngại người Thái, sợ thua người Thái cũng bắt đầu từ đó. Cứ mỗi lần gặp Thái Lan sau này, một nỗi sợ hãi vô hình khó lý giải cứ mãi “ám ảnh” bóng đá Việt Nam.
Mà không ám ảnh sao được, khi nhiều năm về trước, cứ gặp Thái Lan là thua. Con số thống kê khô khan nhưng cũng đầy lạnh lùng để chỉ ra những trận thua như thế. Bóng đá Việt Nam đã thất bại cả 4 trận chung kết SEA Games trước Thái Lan (1995, 1999, 2003 và 2005). Hôm nay, lần thứ 5 đội tuyển Việt Nam đối đầu cùng Thái Lan ở các trận bán kết AFF Cup. 4 lần gặp nhau trước đó ở bán kết, chúng ta đã thất bại đến 3 lần.
Xen lẫn những thất bại đắng cay ấy, cũng đã 2 lần bóng đá Việt Nam vượt qua người Thái trong các giải đấu chính thức. Bán kết Tiger Cup 1998, trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008 là những lần đội tuyển Việt Nam hưởng trọn niềm vui chiến thắng người Thái. Những trận thắng trước Thái Lan luôn là ngày hội của bóng đá Việt Nam. Thế mới thấy, để vượt qua những ám ảnh về những thất bại, để tự tin chơi bóng sòng phẳng cùng người Thái đã là trăn trở đau đáu của nhiều thế hệ cầu thủ, nhiều đời HLV bóng đá nước nhà.
Nếu SEA Games, bóng đá Việt Nam thua Thái Lan ở cả 4 trận chung kết thì AFF Cup cũng chẳng khá hơn với 3 lần dừng bước trước Thái Lan ở vòng bán kết. Tính rộng ra trong 9 trận gặp nhau giữa 2 đội tuyển tại AFF Cup trước đây, Thái Lan có 5 trận, hòa 2 trận và chỉ thua 2 trận. 12 lần tổ chức AFF Cup đội bóng xứ Chùa vàng đã 5 lần vô địch. Cùng lúc, bóng đá Việt Nam mới 2 lần lên ngôi vương.
Nếu như thắng Thái Lan đến 3-0 ở Hàng Đẫy năm 1998 không thể mang lại ngôi vương bởi giấc mơ dang dở. Ngược lại, chiếc cúp vô địch năm 2018 ở Mỹ Đình lung linh hơn bao giờ hết. Lung linh khi bóng đá Việt Nam vượt qua chính người Thái trong trận chung kết để lên ngôi.
Cái duyên từ ông Park
"Từ khi đến Việt Nam, tôi chưa được dẫn dắt ĐTQG đấu với Thái Lan, nhưng đội U22 và đội U23 thì chúng tôi toàn thắng cả 2 lần. Từ nay trở đi Việt Nam không việc gì phải sợ Thái Lan nữa”. HLV Park Hang Seo đã phát biểu như thế hồi tháng 3 năm 2019 sau trận thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan ở Mỹ Đình.
Lời chia sẻ của ông Park không khác gì một thông điệp, rất rõ ràng cho một giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam. Giai đoạn không chỉ bóng đá nước nhà vượt ngưỡng, nâng tầm vài năm qua. Giai đoạn đó đánh đấu những tiến bộ, những mốc son để khẳng định vị thế số 1 khu vực thời gian qua. Ở đó, lời chia sẻ “Từ nay trở đi Việt Nam không việc gì phải sợ Thái Lan nữa” là lời hiệu triệu hay chí ít cũng là liều thuốc tinh thần, động lực chiến đấu mỗi lúc gặp người Thái về sau này.
Hẳn để có được tuyên bố hùng hồn đó, ông Park đã bắt đầu manh nha từ giải đấu M-150 năm 2018. Giải đấu lần đầu tiên cầm quân, ông Park đã có chiến thắng trước chính Thái Lan. Không có cái gì tự nhiên mà đến. Đằng này, những ám ảnh bao nhiêu năm đâu chỉ giải tỏa nhất thời, Vậy nên, thắng được Thái Lan dù chỉ ở một giải giao hữu, cũng như “chỉ dấu” đầy tin cậy để ông Park và bóng dá Việt Nam thoát ra khỏi âm ảnh bởi câu hỏi vô hình “làm sao để thắng họ?”.
Thắng Thái Lan trong một trận đấu cụ thể thì có thể. Cái khó ở chỗ làm sao không ngán, không sợ mỗi lần đối đầu với họ mới khó. Với ông Park, bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Thay đổi không chỉ từ chuyên môn còn cả ở yếu tố tinh thần. Ông Park không hẳn chỉ thay đổi trạng thái “sợ hãi” sang “không việc gì phải sợ” khi gặp người Thái. Quan trọng ở chỗ, bản lĩnh thi đấu của cầu thủ cùng tâm thế của bóng đá Việt Nam đã khác đi rất nhiều khi gặp người Thái.
Biết mình biết người chứ không tự tin thái quá. Khiêm nhường chứ chẳng phải sợ hãi, âu lo. Ông Park đã tạo nên vóc dáng, vị thế mới cho đội tuyển Việt Nam trong mỗi lần đối đầu cùng người Thái. Có nghĩa không phải mình đã hoàn toàn “ăn đứt” được họ nhưng ngược lại Thái Lan cũng “nể trọng” chúng ta đôi phần.
4 năm qua, bóng đá Việt Nam đi từ thành công này đến thành công khác. Trong lúc người Thái đang “cựa quậy” để tìm đường trở lại thời vàng son. Dẫu thế nào, cả 2 bên đều luôn dành cho nhau những tôn trọng, nể nang. Việt Nam và Thái Lan lúc này đang luôn “gờm” nhau trên đường đua mà không ai chịu ai cho dù có lúc này hay người kia bứt lên đôi chút. Hơn thế, so kè giữa Việt Nam và Thái Lan đâu chỉ cho riêng mỗi bên. Động lực để bóng đá Đông Nam Á phát triển còn từ cuộc đối đầu “kinh điển” này mà ra.
Để rồi, cuộc “hạnh ngộ” lần này ở bán kết AFF Cup 2021 như một sắp đặt của số phận, của duyên nợ hơn 60 năm.
"Làm sao để thắng người Thái?" Chỉ có điều, bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần bận đối đầu Thái Lan, câu hỏi tưởng như đã khuất lấp “làm sao để thắng Thái” lại lộ ra mồn một. Nhìn lại sẽ thấy, có những trận đấu chưa đá, chúng ta đã tự thua. Thua trong suy nghĩ nghĩ, thua từ “trứng nước”. Nhiều thất bại, vấn đề chưa hẳn nằm ở yếu tố chuyên môn. Như chung kết SEA Games 2003 ngay tại Mỹ Đình là minh chứng. SEA Games 22 trên sân nhà, với đoàn quân đã trước đó đã chinh chiến ở vòng loại Asian Cup. Giải đấu mà trận thắng đệ tứ anh hào World Cup 2002 Hàn Quốc như tạo ra “địa chấn” bóng đá châu lục. Các học trò của HLV Alfred Riedl cũng đã chơi trên chân Thái Lan ở vòng bảng. Trận chung kết níu được mọi thứ sang đến hiệp phụ nhưng rồi đã gục ngã bởi một thoáng lơ đễnh. Từ thất bại đó cho thấy, cho dù đội tuyển Việt Nam đã có những chuẩn bị tốt nhất, lứa cầu thủ sung sức với đủ mọi ưu thế từ sân nhà, khán giả nhà vẫn thiếu điều gì đó để thắng Thái Lan ở những thời khắc quyết định. Có những giải đấu, bóng đá Việt Nam gặp Thái Lan đến 2 lần nhưng cũng chỉ từ hòa đến thua. SEA Games 1995, 1999, 2003 là ví dụ. Câu hỏi đặt ra tại sao cứ mãi thất bại trước người Thái. Trình độ, tâm lý, bản lĩnh hay điều gì khác nữa. Và cho đến tận trận bán kết lượt đi AFF Cup 2021 vừa kết thúc, chúng ta vẫn chưa thắng được người Thái trong 1 trận cầu chính thức dưới thời HLV Park Hang Seo, khi để thua 0-2... |
Trần Tuấn