Vì sao Văn Toàn ngã mãi mà không được hưởng 11m?
HAGL đã đại thắng TPHCM đến 3-0 tại Pleiku, nhưng tỷ số hoàn toàn có thể còn đậm hơn nữa, nếu họ được hưởng một quả phạt đền ở phút 64. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều lần các trọng tài lắc đầu khi Văn Toàn ngã trong vòng cấm địa.
Kết quả bóng đá LS V-League vòng 6
* SLNA 0-1 Viettel
* HAGL 3-0 TPHCM
* Hải Phòng 0-2 Quảng Ninh
* Sài Gòn 0-3 Nam Định
Xem bảng xếp hạng V-League TẠI ĐÂY
https://vpf.vn/season/v-league-2021/
Trở lại với trận đại chiến ở Pleiku. HAGL đã mở tỷ số trong hiệp một sau khi cầu thủ vào sân thay người Công Phượng tỏa sáng trận thứ hai liên tiếp với một cú dứt điểm bằng chân không thuận. Ở trận này, Văn Toàn chính là người nhân đôi cách biệt với một pha thoát xuống, lừa qua cả thủ môn Thanh Thắng để ghi bàn vào lưới trống ở phút 76.
Tốc độ là điểm mạnh lớn nhất của Văn Toàn, và nó khiến anh trở nên hết sức nguy hiểm trong các pha nước rút phản công. Để đối phó với khả năng bứt phá của “đứa con thần gió” này, phần lớn các hậu vệ chọn cách phạm lỗi với anh. Điều đáng tiếc là dường như bản thân Toàn lại không coi việc hay bị phạm lỗi là một thứ “vũ khí” để kiếm phạt đền. Nói chính xác hơn, khả năng té ngã của anh không được tinh quái cho lắm.
Tình huống Văn Toàn bị ngã ở phút 64 trận đấu với TPHCM là một minh chứng. Đó là pha bóng, chân sút người Hải Dương đón bóng bên cánh phải và thọc sâu vào vòng cấm địa. Không theo kịp tốc độ của Toàn, hậu vệ Ngọc Mười đã có một động tác tác đẩy tay, tuy không quá mạnh nhưng vẫn khiến đối phương ngã trong vòng cấm địa. Xem lại pha quay chậm thì có thể thấy đó là một tình huống 50-50, và trọng tài Ngô Duy Lân đã không cắt còi.
Để so sánh, chúng ta hãy nhìn lại tình huống Minh Vương bị phạm lỗi và được hưởng phạt đền ở phút 82 của trận này. Đó cũng là một tình huống xâm nhập, nhưng sau khi có tác động từ Hoàng Lâm, Minh Vương ngã ngay, lộn một vòng trước khi bật dậy đòi phạt đền. Văn Toàn thì khác. Anh thường xuyên bị ngã trong vòng cấm địa, nhưng thường đứng dậy khá sớm, không lăn lộn, không thể hiện sự đau đớn hay bất bình đủ để trọng tài đưa ra một quyết định có lợi.
Tốc độ quá nhanh của Toàn cũng là một… bất lợi vì trong nhiều trường hợp, trọng tài không theo kịp pha bóng, và ở một khoảng cách khá xa, đẫn đến không dám đưa ra quyết định quyết đoán. Các trọng tài Việt Nam vốn cũng chưa đủ bản lĩnh để đưa ra những quyết định mạnh tay.
Mùa 2019, sau khi HAGL thua ngược Viettel 2-3 trong một trận đấu có tình huống gây tranh cãi khi Văn Toàn ngã sau cú xoạc bóng của Đức Chiến (lúc ấy, tỷ số đang là 1-1), giám đốc điều hành Nguyễn Tấn Anh đã tỏ ra rất bức xúc: “Thật sự quá bất công cho Văn Toàn và đồng đội. Riêng mùa này, Văn Toàn đã có 7 tình huống/20 trận bị hậu vệ đối phương đốn ngã trong vòng cấm nhưng đều bị trọng tài bỏ qua… Ban tổ chức giải đã có công bố sẽ sử dụng VAR (công nghệ Video hỗ trợ trọng tài) nhưng đến vòng 20 vẫn chưa thấy đâu!”
Tất nhiên, áp dụng VAR là không hề đơn giản bởi ngoài kinh phí đắt đỏ, đội ngũ trọng tài cũng sẽ phải được đào tạo cẩn trọng hơn, cũng như phải đồng bộ về mặt kỹ thuật. Thế nên từ giờ tới lúc đó, nếu như Văn Toàn vẫn cứ tiếp tục “chân phương” như vậy, thì HAGL còn phải đối mặt với việc bị các trọng tài phớt lờ 11m nhiều nữa.
T.C