loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong số 4 tiền vệ trung tâm mà HLV Nguyễn Hữu Thắng đem tới Hàn Quốc cho chuyến tập huấn quan trọng cuối cùng trước thềm SEA Games 29, về lý thuyết, Đông Triều và Đỗ Duy Mạnh sẽ thay nhau chơi vị trí mỏ neo, tức tiền vệ phòng ngự - đánh chặn, thu hồi. Những ưu tiên lớn nhất đều dành cho các vị trí trên hàng công.
Mỗi HLV đều có quan điểm làm chiến thuật riêng, nhưng trường hợp Bùi Tiến Dụng bị loại vẫn khiến nhiều người tiếc nuối. Tiến Dụng là một chuyên gia đánh chặn có hạng ở độ tuổi của anh.
Duy Mạnh có đủ sức cân cả hàng tiền vệ?
Đông Triều mạnh trong những cú nã đại bác và sút phạt hàng rào ở cự ly thuận lợi, nhưng ở vị trí của Triều, chơi thấp nhất trong hàng tiền vệ, rất khó có cơ hội để cầu thủ quê Quảng Nam tiếp cận cầu môn đối thủ. Về tài đá phạt ở đội tuyển U22 Việt Nam lúc này, Triều cũng không trội hơn Xuân Trường, Công Phượng và thậm chí cả Quang Hải, Vũ Văn Thanh… Đội tuyển U22 Việt Nam sẽ còn một đợt gút danh sách nữa, trước khi bước vào SEA Games, nhưng có thể thấy, Đông Triều khó cạnh tranh suất chơi chính, ngay cả khi được giữ lại.
Làm phép loại trừ, có thể thấy, Duy Mạnh là lựa chọn tối ưu cho vị trí chơi ở đáy chữ V, bất kể đội tuyển U22 Việt Nam chọn lối chơi tấn công hay phòng ngự/phản công. Vai trò và năng lực của tiền vệ Hà Nội FC là gần như không thể thay thế, trừ khi cầu thủ này chấn thương hoặc phải nhận thẻ. Đến ngay cả Tuấn Anh, khi lành lặn và hoàn toàn sung sức, từng được ướm vai trò này, khó nói là thành công. Nhiều trận đấu, Tuấn Anh thậm chí chỉ vào sân từ băng ghế dự bị, khi HLV Hữu Thắng có những hiệu đính chiến thuật, thử nghiệm.
Với phương pháp chọn người và xây dựng chiến thuật của HLV Hữu Thắng, hàng tiền vệ sẽ quyết định sự thành bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại chiến dịch SEA Games 29. Quang Hải, Xuân Trường và Văn Toàn được kỳ vọng sẽ bùng nổ, nhưng muốn điều đó, họ cần một tỷ lệ bóng cao thường xuyên. Với đối thủ ngang cơ, hoặc nhỉnh hơn như Indonesia hay Thái Lan, một mình Duy Mạnh “cân” khu giữa sân là không đủ. HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ phải sẵn phương án 2, với cả Duy Mạnh, Tuấn Anh và Xuân Trường cùng xuất phát.
Tấn công để phòng ngự
Những người yêu bóng đá tấn công giữ một triết lý bất di bất dịch: Tấn công là một cách phòng ngự tốt nhất. Với họ, việc sở hữu bóng là một chiến-thuật-phòng-ngự. Tất nhiên, tư duy này tiềm ẩn rủi ro, nếu đối phương đoạt được bóng và tổ chức miếng đánh bất ngờ, chính xác, với tầm sát thương cao. Khái niệm này gọi là chuyển từ phòng ngự qua tấn công, có thể từ phần sân nhà hoặc ngay trên phần sân đối phương. Cựu HLV Henrique Calisto, là người thành công mỹ mãn với tư duy này: Phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh.
Nhưng, HLV Hữu Thắng sẽ không trung thành với thể loại chiến thuật ấn, phòng ngự tiêu cực hoặc chỉ cần có biểu hiện tiêu cực, dù ông Thắng xuất phát ở vị trí trung vệ, chơi theo phong cách rắn và rát, phủ đầu đối thủ. Cho đến khi giải nghệ, trận giao hữu với Juventus ở Hàng Đẫy và Tiger Cup 98, vẫn là những dấu ấn lớn nhất của Hữu Thắng thời cầu thủ. Tại U22 Việt Nam, ông Thắng không có truyền nhân ở vị trí trung vệ, nhưng có thể thấy xu hướng mới của các cầu thủ chơi tuyến thấp nhất, đấy là tư duy tổ chức phòng ngự và phát triển bóng.
HLV Hữu Thắng đánh giá cao các cầu thủ U20 Việt Nam bởi sự tự tin và phẩm chất kỹ thuật tốt.
Chủ trương giành quyền kiểm soát bóng, đội tuyển U22 Việt Nam, đặc biệt là 2 tuyến đầu, sẽ làm một công việc vô cùng khó nhọc: Nén một chiếc lò xo. Bất cứ lúc nào, chiếc lò xo cũng có thể bung ra, tức là chúng ta phải sẵn những rủi ro trong chống phản công, nhất là khi đối đầu với các đội bóng chuyên phản công. Công Phượng đã và đang thăng hoa, với khả năng kiểm soát bóng tốt, nhưng nếu cần làm mới các phương án tiếp cận cầu môn khi có bóng, HLV Hữu Thắng cũng phải sẵn phương án không Công Phượng trong đội hình. Dám hay không?!
3. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã loại 3 cầu thủ trước ngày lên đường đi Hàn Quốc tập huấn, đồng thời giữ lại 24 cầu thủ và sẽ còn tiếp tục loại thêm 3 người nữa trước khi bước vào giải.
2. Trong 3 kỳ SEA Games gần nhất, các đội tuyển U23 Việt Nam đã 2 lần phải dừng chân ở bán kết (2011 và 2015), xen kẽ đó, SEA Games 2013, đội bóng thậm chí còn bị loại sau vòng bảng
1. Nếu đưa đội tuyển U22 Việt Nam lọt vào vòng knock-out, thậm chí vô địch SEA Games 29, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ đi vào lịch sử với tư cách HLV nội duy nhất làm được điều này.
|
Tùy Phong
loading...