loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian như bóng câu qua cửa. 8 năm, kể từ Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Vientiane, Lào, 2009, cơn sốt vàng SEA Games mới lại lên đến đỉnh điểm trong giới mộ điệu Việt. Cái thuở mà U22 Việt Nam có khí thế như bây giờ, hội tụ nhiều phẩm chất vô địch, lại được “tiền hô hậu ủng” và chiếc HCV môn bóng đá nam tưởng chừng như đã nằm trong túi của chúng ta. Vậy mà…
Đau đớn lắm. Vì, ĐTVN đang ngự trị trên đỉnh Đông Nam Á sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đồng thời giới thiệu một thế hệ cầu thủ kế cận đầy tài năng. Phạm Thành Lương là cánh chim đầu đàn - giữ trung quân, tiên phong có cựu binh - một nhà vô địch Đông Nam Á khác, Phan Thanh Bình, bịt hậu là Bùi Tấn Trường đầy kinh nghiệm trận mạc. Đội bóng lại được dẫn dắt bởi phù thủy Henrique Calisto thì còn gì để phải lăn tăn.
HLV Nguyễn Hữu Thắng đang sở hữu một tập thể được ví như “thế hệ hệ vàng” tiếp theo của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, từ lứa Công Phượng, Xuân Trường đến lứa Quang Hải, Đức Chinh, tất cả đều thiếu mã gene của nhà vô địch tại các giải đấu chính thức.
Từ Chao Anouvong, sân bóng với sức chứa tối đa 5 ngàn người, đến SVĐ QG Lào 25 ngàn chỗ ngồi (còn được ví là Mỹ Đình thu nhỏ, với phong cách kiến trúc như thể nhân bản), CĐV Việt Nam luôn chiếm thế áp đảo. Phần lớn đường biên giới trải dài phía Tây - Tây Bắc Việt Nam, tiếp giáp với Lào đã đành, ngoài ra, kiều bào Việt Nam sống tại Lào cũng không phải ít. Hẳn chưa ai quên, hàng vạn CĐV Việt Nam đã nhuộm đỏ các sân bóng Lào năm ấy, vô cùng ấn tượng.
Theo cựu tuyển thủ QG Châu Lê Phước Vĩnh cũng như Lê Quốc Vượng, thước đo lớn nhất để gán tên thế hệ vàng cho một lứa cầu thủ là danh hiệu. Ở khía cạnh này, U22 Việt Nam vẫn còn thiếu.
Nhưng, thật cay đắng. Đêm 17/12/2009 thực sự đáng quên với tất cả. Chúng ta bị Malaysia hạ đo ván bằng phát súng quyết định ở những phút thi đấu cuối cùng. Người Việt Nam như gà con lạc mẹ và đến bản thân bầu Thắng - Chủ tịch Đồng Tâm Group, Võ Quốc Thắng - cũng không biết đi về đâu, sau tiếng còi mãn cuộc của trọng tài. Ông Thắng bơ vơ trước cổng SVĐ QG Lào, cô độc, khác biệt hoàn toàn với 1 năm trước đó còn tung tăng ăn mừng trên sân Mỹ Đình.
***
Nhắc lại để thấy rằng, trong bóng đá, không có khái niệm bất chiến mà thành, ngay cả khi Thái Lan đã bị loại và đối thủ trong trận chung kết từng là bại quân của chúng ta ở vòng bảng. HLV Nguyễn Hữu Thắng và các học trò được lãnh đạo ủng hộ, người hâm mộ sát cánh, đấy là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Suy cho cùng thì thầy trò ông Thắng vẫn phải tự lực cánh sinh. Giành 1 trong 2 chiếc vé vào bán kết, tại bảng B tử thần, không hề là một câu chuyện đơn giản.
U22 Việt Nam sẽ trở lại SEA Games với mục tiêu không gì khác hơn chinh phục tấm HCV. Kỳ vọng là rất lớn khi đội bóng của HLV Hữu Thắng đang được ví như “thế hệ vàng kế tiếp” của bóng đá Việt Nam.
Cánh phóng viên thể thao đã từng mục sở thị nhiều đấu trường hùng vĩ, trong và ngoài khu vực, và phải thừa nhận là bầu không khí cổ động tuyệt vời. Nhưng trước trận đấu và giải đấu, tuyệt nhiên lại khá yên ắng. Các tờ báo chuyên thể thao của Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia…, cũng không dành quá nhiều thời lượng để đăng tải về SEA Games nói chung và bóng đá nói riêng. Các bạn láng giềng khá kín tiếng, kiệm lời, không ồn ào như… chúng ta.
HLV Nguyễn Hữu Thắng đang có trong tay dàn binh hùng, cùng các phó tướng - giúp việc được cho là giỏi, làm việc theo “ê-kíp” suốt một thời gian dài tính bằng năm. Đấy há chẳng phải là điều kiện đủ để thăng hoa hay sao?! Vấn đề còn lại, muôn đời cũ, đấy là câu chuyện của thời thế. Phải chờ xem bóng đá Việt Nam có mang sẵn trong mình dòng máu quân vương ở đấu trường SEA Games hay không. Và thêm nữa, thần may mắn có mỉm cười, bắt tay với chúng ta hay không.
Thời gian sẽ cho câu trả lời, còn ngay lúc này, chúc cho thầy trò HLV Hữu Thắng chân cứng đá mềm, từ chuyến tập huấn Hàn Quốc dài ngày, cho đến khi bước ra thực chiến ở Malaysia.
Tùy Phong
loading...